Agribank Thanh Hóa: Giá trị một thương hiệu dẫn đầu
Agribank Bến Tre: Góp phần phát triển kinh tế địa phương | |
Lớn mạnh cùng đất Nam Tây Nguyên |
Là tỉnh đứng đầu trong khu vực Bắc Trung Bộ, đứng thứ 8 cả nước về tốc độ tăng trưởng kinh tế, Thanh Hóa đang chuyển mình mạnh mẽ với quy mô nền kinh tế và năng lực sản xuất không ngừng phát triển. Điều này thể hiện ở sản xuất công nghiệp tăng trưởng cao, là tỉnh dẫn đầu cả nước về sản lượng nhiều sản phẩm công nghiệp như xi măng, mía đường…; dịch vụ, thương mại và du lịch phát triển nhanh cả về quy mô và loại hình, xuất hiện nhiều loại hình dịch vụ mới; môi trường đầu tư kinh doanh cạnh tranh, là một trong những tỉnh thu hút được nhiều dự án đầu tư trong nước và nước ngoài, điển hình là Dự án Lọc hoá dầu Nghi Sơn với tổng mức đầu tư 9,3 tỷ USD, lớn nhất trên cả nước...
Ông Nguyễn Đình Xứng, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa nhấn mạnh, để đạt được những kết quả này có sự đóng góp rất quan trọng của hệ thống ngân hàng, với thương hiệu dẫn đầu chính là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) Chi nhánh tỉnh Thanh Hóa.
Đồng chí Nguyễn Đình Xứng trao tặng Cờ thi đua và Bức trướng chúc mừng của UBND tỉnh cho Agribank Thanh Hóa nhân kỷ niệm 30 năm thành lập |
Gian nan thử sức
Năm 2018 đánh dấu chặng đường 30 năm xây dựng và phát triển của Agribank Thanh Hóa. Mỗi bước phát triển của Chi nhánh đều gắn với tiến trình đổi mới và phát triển của nền kinh tế tỉnh nhà, đặc biệt là kinh tế nông nghiệp, nông thôn.
Trong suốt 30 năm qua, trải qua không ít gian nan, thách thức, có lúc tưởng chừng như không thể vượt qua nhưng với sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Đảng, Nhà nước, sự chỉ đạo của NHNN và của Trụ sở chính Agribank, sự ủng hộ của quý khách hàng, các thế hệ cán bộ viên chức Agribank Thanh Hóa đã cùng nhau đoàn kết một lòng, chung sức xây dựng một Agribank luôn đồng hành cùng tam nông và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Hoạt động kinh doanh của Agribank Thanh Hóa đã không ngừng lớn mạnh trên mọi phương diện, cả về quy mô và chất lượng hoạt động, đến nay đã khẳng định vị trí dẫn đầu trong số các TCTD đang hoạt động trên địa bàn.
Nhớ lại những ngày đầu mới thành lập, Giám đốc Agribank Chi nhánh Thanh Hóa, ông Trịnh Ngọc Thanh cho biết, Ngân hàng Phát triển Nông nghiệp Thanh Hóa (tên gọi của Agribank khi đó) gặp muôn vàn khó khăn. Với mạng lưới 21 đơn vị trực thuộc tại các huyện được tiếp quản nguyên trạng từ NHNN tỉnh; tổng số biên chế 1.697 người, trình độ chủ yếu là trung cấp và sơ cấp; cơ sở vật chất hết sức thiếu thốn. Nguồn vốn huy động chỉ có hơn 6 tỷ đồng; tổng dư nợ chưa đầy 13 tỷ đồng; trong đó 99% là dư nợ của các DNNN, HTX đang trong tình trạng tan rã, chờ giải thể, sáp nhập; dư nợ kinh tế hộ gia đình chỉ có 145 triệu đồng, chiếm 1% tổng dư nợ.
Trước những khó khăn đó, để tồn tại và phát triển, Chi nhánh đã triển khai hàng loạt các giải pháp nhằm chuyển hướng thành một NHTM tự chủ. Đó là tăng cường huy động vốn, củng cố lại chất lượng tín dụng; mạnh dạn thí điểm cho vay trực tiếp đến hộ nông dân;... Với những cố gắng này, trong giai đoạn 1988-1990, bước đầu Chi nhánh đã xác lập hướng đi, củng cố hoạt động, kết quả kinh doanh đã tăng trưởng đáng kể. Đến cuối năm 1990, nguồn vốn huy động tăng gấp 5 lần; dư nợ tăng gấp 3 lần so với ngày mới thành lập.
Tới cuối năm 1990, từ cơ chế bao cấp chuyển sang hạch toán kinh doanh, Agribank Thanh Hóa lại đứng trước những khó khăn và thử thách mới. Trước hết là doanh số hoạt động quá thấp trong khi số lượng cán bộ quá đông; chất lượng tín dụng rất kém do hàng loạt DNNN, HTX không đứng vững được trong cơ chế thị trường, phải giải thể, sáp nhập hoặc sắp xếp lại, để lại gánh nặng nợ khó đòi, chiếm tới 39,6% tổng dư nợ. Trước tình hình đó, Agribank Thanh Hóa đã quyết tâm đổi mới triệt để, với hàng loạt giải pháp nhằm vượt qua khó khăn, xây dựng nền tảng vững chắc cho các bước phát triển tiếp theo.
Ông Trịnh Ngọc Thanh nhớ lại, công việc đầu tiên là sắp xếp lại bộ máy, tinh giản biên chế. Đây là công việc hết sức khó khăn nhưng với quyết tâm cao, với cách làm và bước đi phù hợp, đã được toàn thể cán bộ viên chức ủng hộ, chỉ trong vòng hai năm (1992-1993) toàn Chi nhánh đã giảm tới hơn 700 người, xuống còn 975 cán bộ. Trong hoạt động kinh doanh, bám sát các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, Agribank Thanh Hóa đã quyết tâm và kiên trì thực hiện các định hướng lớn, đó là đẩy mạnh huy động vốn tại chỗ; thay đổi cơ cấu đầu tư tín dụng; tập trung mở rộng cho vay kinh tế hộ gia đình và cá nhân.
Với các cơ chế chính sách luôn được đổi mới, cùng với sự chuyển hướng kinh doanh mang tính đột phá, bằng sự phấn đấu nỗ lực vượt bậc, Agribank Thanh Hóa đã thực sự vươn lên từ đơn vị gặp nhiều khó khăn đi dần vào thế ổn định và phát triển vững chắc. Từ năm 1993 đã bắt đầu có lãi và thực sự chuyển mình thành một NHTM kinh doanh đa năng, có uy tín trên địa bàn.
Ngày 15/11/1996, sau khi thay đổi tên gọi, hoạt động của Agribank nói chung và Agribank Thanh Hóa cũng bước sang một giai đoạn mới, thay đổi cả về chất và lượng để vươn khỏi tầm quốc gia, hướng đến các chuẩn mực và thông lệ quốc tế. Tuy nhiên lĩnh vực hoạt động chủ yếu vẫn là nông nghiệp, nông dân và nông thôn; lấy sứ mệnh phục vụ tam nông là định hướng kinh doanh xuyên suốt trong quá trình hoạt động đến nay.
Đồng chí Trịnh Ngọc Khánh, Chủ tịch HĐTV Agribank trao tài trợ cho chương trình an sinh xã hội tỉnh Thanh Hóa |
Ngân hàng của những cái “nhất”
Những nỗ lực của Agribank Thanh Hóa đã được các cấp, các ngành ghi nhận. Ông Nguyễn Thanh An, Giám đốc NHNN tỉnh nhấn mạnh, trong suốt hành trình 30 năm vừa qua, Agribank Thanh Hóa luôn giữ vai trò đầu tàu thực thi các chính sách tiền tệ trên địa bàn tỉnh.
Hiện nay trên địa bàn Thanh Hóa có tới 98 TCTD, tuy nhiên Agribank luôn được đánh giá là NHTM số 1 với quy mô lớn nhất, địa bàn trải rộng khắp mọi miền trong tỉnh, lại là NHTM 100% vốn sở hữu của Nhà nước, tham gia đầu tư ở tất cả các lĩnh vực kinh tế, và đặc biệt là luôn tiên phong trong đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Với mạng lưới 31 chi nhánh và 34 phòng giao dịch trực thuộc, 66 máy ATM, gần 300 máy POS, Agribank đã tạo nên lợi thế vượt trội, thu hút nguồn vốn nhàn rỗi của khoảng 400.000 khách hàng tại địa phương. Đến 31/3/2018 nguồn vốn huy động của Agribank Thanh Hóa đạt gần 26.000 tỷ đồng, dư nợ cho vay đạt gần 31.000 tỷ đồng của khoảng 250.000 khách hàng tiền vay. Trong đó có tới 90% dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Cả hai chỉ tiêu huy động vốn và cấp tín dụng của Agribank Thanh Hóa luôn chiếm khoảng 1/3 thị phần của toàn ngành Ngân hàng trên địa bàn tỉnh; dịch vụ ngân hàng chiếm tới 40% toàn tỉnh.
Là TCTD có quy mô lớn nhất, địa bàn rộng nhất, lực lượng lao động đông nhất, nhưng Agribank Thanh Hóa luôn là một trong những TCTD có chất lượng hoạt động tốt nhất, lãi suất cho vay thấp nhất, và cũng là TCTD luôn chia sẻ nhiều nhất với khách hàng và bà con nông dân trên địa bàn mỗi khi gặp sự cố bất trắc. Không dừng lại ở những thành quả đã đạt được, hiện nay Agribank là TCTD duy nhất đang thí điểm mô hình điểm giao dịch di động nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu giao dịch của khách hàng ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Ông Nguyễn Đình Xứng, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đánh giá, trong suốt 30 năm qua, các thế hệ cán bộ viên chức Agribank Thanh Hóa đã không ngừng nỗ lực phấn đấu, với quyết tâm cao, với định hướng đúng, với giải pháp cụ thể, năng động, sáng tạo, đã tranh thủ được thời cơ, chủ động khắc phục khó khăn xây dựng Agribank Thanh Hóa không ngừng phát triển an toàn, bền vững, trở thành chi nhánh NHTM hàng đầu trên địa bàn cả về quy mô và chất lượng hoạt động.
Biểu dương các nỗ lực của Agribank Thanh Hóa, ông Xứng cho biết, thông qua hoạt động của mình, Chi nhánh đã thu hút tối đa các nguồn vốn tích lũy trong nền kinh tế để đầu tư tín dụng, thực hiện có hiệu quả các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, các chương trình kinh tế trọng điểm của tỉnh; đồng thời Agribank Thanh Hóa luôn là TCTD đi đầu trong việc cung ứng các sản phẩm dịch vụ ngân hàng về khu vực nông thôn và cũng là TCTD đi đầu trong việc tham gia các hoạt động từ thiện và an sinh xã hội, thể hiện trách nhiệm với cộng đồng.
“Tôi hoàn toàn đồng tình với nhận định thương hiệu Agribank đang là thương hiệu số 1 của các TCTD trên địa bàn”, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa nhấn mạnh. Đồng thời ông khẳng định, giá trị thương hiệu này không phải dễ dàng có được, đó là kết quả của sự nỗ lực phấn đấu của các thế hệ cán bộ Agribank Thanh Hóa. Chính những giá trị cốt lõi trong hoạt động đã giúp cho Agribank Thanh Hóa thu hút ngày càng nhiều khách hàng, phát triển thị phần, không ngừng mở rộng và nâng cao chất lượng kinh doanh, giữ vững vị thế của một NHTM Nhà nước có vai trò chủ đạo trong việc thực hiện các chính sách tiền tệ, tín dụng trên địa bàn.
Với những thành tích đã đạt được qua 30 năm xây dựng và trưởng thành, Agribank Thanh Hóa đã vinh dự được nhận Huân chương Lao động hạng Nhất, cùng nhiều danh hiệu, phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, ngành Ngân hàng và UBND tỉnh.