Agribank “thủy chung” cùng tam nông
Ông Trịnh Ngọc Khánh |
Agribank luôn khẳng định hỗ trợ tốt nhất các khách hàng khu vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Nhưng, thực tế vẫn có ý kiến cho rằng, vốn cho khu vực này vẫn chưa đáp ứng nhu cầu của sự phát triển. Là ngân hàng chủ lực trong lĩnh vực này, ông đánh giá như thế nào về ý kiến trên?
Agribank là ngân hàng chủ lực trong hệ thống các TCTD Việt Nam trực tiếp đảm trách và thực hiện nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước giao phó trong việc hỗ trợ và cung cấp các dịch vụ tài chính, tín dụng cho khu vực tam nông. Trong suốt 26 năm qua, Agribank luôn ưu tiên vốn và đã nỗ lực hết mình để tạo ra dòng chảy tốt nhất về tín dụng cho khu vực tam nông. Tính đến 31/12/2013, tổng dư nợ cho vay của Agribank đạt 530.600 tỷ đồng, tăng 10,44% so với cuối năm 2012, trong đó dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn đạt 378.985 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 71,4%/tổng dư nợ cho vay, tăng 16,3% tức là cao hơn 6% so với mức tăng trưởng chung.
Thông qua cung ứng nguồn vốn kịp thời, Agribank đóng góp tích cực vào thành công của các chương trình kinh tế trọng điểm của Đảng, Chính phủ, NHNN, Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ tích cực các doanh nghiệp, hộ sản xuất trong cả nước phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh hiệu quả.
Agribank sẽ tiếp tục cân đối vốn đáp ứng đủ nhu cầu cho vay phục vụ nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Đồng thời, thực hiện một số giải pháp nhằm tăng trưởng tín dụng tại khu vực này như: giảm lãi suất, đơn giản thủ tục cho vay; triển khai các gói sản phẩm ưu đãi lãi suất đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn...
Mục tiêu tăng trưởng tín dụng cho lĩnh vực này của Agribank trong những năm tiếp theo là gì?
Agribank đã đề ra kế hoạch đến 2015 và định hướng đến năm 2020. Cụ thể, tăng trưởng vốn huy động: 11%-12%/năm; tăng trưởng tín dụng: 10%-12%/năm; Tỷ trọng cho vay đối với khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn phấn đấu đến năm 2015 đạt 75%, đến năm 2020 đạt 80%; Thị phần tín dụng chiếm hơn 50% ở khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn; có quan hệ tín dụng và cung ứng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng cho phần lớn hộ sản xuất, hợp tác xã, doanh nghiệp khu vực nông thôn.
Những mục tiêu trên, chúng tôi không thể “bốc thuốc” bằng tay mà được xây dựng trên cơ sở các luận cứ, luận chứng khoa học và thực tiễn công tác. Và đây cũng là một trong những mục tiêu quan trọng của Đề án tái cơ cấu của Agribank đã được Thống đốc NHNN phê duyệt.
Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ mới đây, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đã nêu ý kiến cần thiết phải có một gói tín dụng lớn cho tam nông. Nếu thực hiện đâu sẽ là khó khăn khi triển khai?
Thực hiện Nghị quyết số 14/NQ-CP ngày 5/3/2014 của Chính phủ tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2014, NHNN đã chủ động phối hợp với Bộ NN&PTNT nghiên cứu xây dựng Chương trình cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Mục đích của chương trình là khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng mẫu lớn; khuyến khích áp dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp và thúc đẩy xuất khẩu, hỗ trợ triển khai đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 899/QĐ-TTg.
Ngay từ những ngày đầu thành lập, Agribank luôn kiên trì bám trụ mục tiêu hoạt động cho tam nông, ưu tiên đầu tư cho “tam nông”, trước tiên là các hộ gia đình sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp, các doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm chuyển dịch cơ cấu đầu tư tăng thu nhập trong sản xuất nông nghiệp, nông thôn.
Nghị định số 41/2010/NĐ-CP tạo điều kiện cho các TCTD đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn nhưng trên thực tế rất ít các TCTD tham gia, Agribank vẫn chiếm thị phần chủ yếu trên địa bàn.
Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn trong những năm qua tăng nhanh, nhưng còn gặp nhiều khó khăn, bất cập trong quá trình triển khai, chẳng hạn như: Việc quy hoạch các vùng nuôi, trồng cây, con, quy hoạch các doanh nghiệp chế biến, và đảm bảo đầu ra các sản phẩm nông nghiệp, thủy hải sản chưa được làm tốt. Tình trạng được mùa rớt giá xảy ra thường xuyên ở hầu hết các mặt hàng nông, thủy hải sản.
Đối tượng đầu tư tín dụng chưa đa dạng, kinh tế trang trại mặc dù đã hình thành và phát triển nhưng chưa đầy đủ các yếu tố pháp lý như giấy chứng nhận trang trại, nên chưa thể đầu tư tín dụng theo mô hình trang trại, các loại cây trồng cho năng suất và kinh tế cao chậm chuyển đổi...
Tôi cho rằng, những khó khăn trên là “rào cản” cho quá trình triển khai, nếu không sớm giải quyết sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới hiệu quả của gói tín dụng riêng cho tam nông.
Cho vay theo chuỗi liên kết sản xuất khép kín là mô hình của Agribank
Cho vay theo mô hình chuỗi sản xuất đang nhận được khá nhiều sự đồng thuận của nông dân, doanh nghiệp. Agribank đang triển khai cho vay theo phương thức này thế nào?
Tôi khẳng định, việc triển khai tốt các chương trình thí điểm theo các phương thức cho vay mà NHNN đưa ra là lối thoát tốt nhất cho tín dụng tam nông hiện nay và tương lai.
Agribank đang triển khai thí điểm mô hình cho vay theo chuỗi liên kết khép kín từ khâu sản xuất, thu mua, chế biến, bảo quản đến tiêu thụ sản phẩm như: Mô hình chăn nuôi lợn (Hà Nam), cánh đồng mẫu lớn (Cần Thơ), cá tra (An Giang), trồng hoa (Lâm Đồng), mía (Khánh Hoà), ngô (Sơn La)...Theo đánh giá của tôi, bước đầu các mô hình này đã tạo sự đồng thuận cao giữa các doanh nhân và người dân. Mô hình cho vay liên kết theo chuỗi sản xuất là mô hình mới, được Chính phủ, các bộ ngành, chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần tham gia nhằm nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, tiết kiệm chi phí, giảm giá thành sản phẩm, cung ứng cho thị trường sản phẩm sạch, chất lượng cao, có thể cạnh tranh với các nước trong khu vực và thế giới.
Tuy nhiên, triển khai được trong thực tế mô hình này là một vấn đề không hề đơn giản. Còn nhiều vướng mắc cần được tháo gỡ, cụ thể là: Quy hoạch về vùng nuôi, trồng cây con, quy hoạch về các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản hàng hoá hiện còn bất cập. Mối quan hệ giữa các bên trong quá trình liên kết như tạo niềm tin, chia sẻ tầm nhìn dài hạn, tôn trọng nhau, tôn trọng luật pháp còn ở mức giới hạn; chính sách khuyến khích cũng chưa rõ ràng, cơ chế, chế tài xử lý khi phá vỡ hợp đồng liên kết không đủ mạnh nên tình trạng “lật kèo” giữa người dân và doanh nghiệp và ngược lại xảy ra thường xuyên. Hình thức cung cấp dịch vụ khoa học, kỹ thuật, thông tin còn bất cập, chưa khuyến khích người sản xuất nâng cao chất lượng nông sản. Tập quán sản xuất nhỏ lẻ, không theo một quy trình chung là khá phổ biến do đó không đồng nhất về số lượng cũng như chất lượng nông sản theo yêu cầu của thị trường…
Hiện đã có ngân hàng đầu tư, mở rộng mạng lưới hoạt động đến khu vực nông nghiệp, nông thôn. Vậy, Agribank sẽ thay đổi như thế nào để luôn dẫn đầu trong việc mở rộng kinh doanh ở khu vực này?
Để tiếp tục khẳng định vị thế trên thị trường, tăng khả năng cạnh tranh, trong thời gian tới, Agribank chuyển mạnh đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn với một số định hướng lớn sau:
Thứ nhất, chuyển từ đầu tư cho vay chăn nuôi nhỏ lẻ sang đầu tư cho vay theo hướng trang trại, gia trại, nông hộ nhưng theo hình thức công nghiệp, công nghệ cao.
Thứ hai, đầu tư cho vay phục vụ công nghiệp chế biến và ngành nghề nông thôn theo hướng ưu tiên vốn đầu tư cho các dự án, chương trình phát triển công nghiệp chế biến tinh, chế biến sâu; đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị kết hợp các biện pháp về tổ chức sản xuất tiêu thụ hàng hoá nhằm nâng cao giá trị gia tăng các sản phẩm nông nghiệp.
Thứ ba, bám sát định hướng tái cơ cấu ngành trồng trọt của Bộ NN&PTNT để đầu tư theo các vùng chuyên canh các cây trồng có giá trị kinh tế hàng hoá cao, xuất khẩu lớn. Tiếp tục chỉ đạo triển khai, giám sát, kiểm tra việc thực hiện các chương trình cho vay theo chỉ đạo của Chính phủ.
Thứ tư, tổ chức đánh giá tình hình đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn thông qua việc phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội cho vay qua các tổ nhóm. Bổ sung các cơ chế chính sách phù hợp để tăng trưởng dư nợ cho vay qua tổ nhóm, góp phần giảm tải khối lượng công việc cho cán bộ tín dụng.
Thứ năm, tập huấn để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng giao dịch cho cán bộ; Triển khai đồng bộ các giải pháp xử lý nợ xấu, thường xuyên phân tích hoạt động của khách hàng, phân tích dư nợ có tiềm ẩn rủi ro để có các giải pháp cụ thể xử lý nợ, giảm thấp nợ xấu, ngăn ngừa nợ xấu phát sinh.
Thứ sáu, ban hành một số sản phẩm tín dụng gắn với phát triển các dịch vụ phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn như: Mô hình cho vay liên kết, khép kín giữa 3 nhà (ngân hàng, doanh nghiệp và nhà nông), cho vay theo từng loại sản phẩm cây trồng, vật nuôi; cho vay theo hạn mức tín dụng đối với hộ gia đình; cho vay theo mô hình chuỗi liên kết giá trị từ khâu cung ứng vật tư, sản xuất, chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu...
Xin cảm ơn ông!
Nhóm PV thực hiện