An toàn nhà băng: Chú trọng kiểm tra, kiểm soát nội bộ
Sau nỗ lực tái cơ cấu thời gian vừa qua, chất lượng hoạt động của các NHTM đã có những sự cải thiện đáng kể. Song cùng với đó, nhà băng Việt Nam đều phải đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức cả trong và ngoài như môi trường kinh doanh, hành lang pháp lý còn nhiều bất cập, đạo đức cán bộ NH... Một trong những biện pháp quan trọng, theo chuyên gia NH, là việc phải thiết lập được hệ thống kiểm soát nội bộ hoạt động hiệu quả.
Đề cập đến vấn đề này, các chuyên gia đồng tình rằng dù có tái cơ cấu hay không, với mỗi TCTD, để hoạt động lành mạnh, an toàn và sử dụng nguồn lực có hiệu quả thì không thể làm lơ hoặc hời hợt với củng cố hệ thống kiểm soát nội bộ và tăng cường quản lý rủi ro. Ngoài ra, để thúc đẩy quá trình hội nhập với nền kinh tế thế giới thì nhiệm vụ áp dụng hệ thống kiểm soát nội bộ hoạt động hiệu lực và hiệu quả trong các NHTM càng phải được coi trọng hơn bao giờ hết. Những hạn chế, tồn tại trong việc áp dụng hệ thống kiểm soát nội bộ cần phải được “vá” lại để nâng cao hiệu quả hoạt động bộ máy kiểm soát trong NH.
Thiết lập hệ thống kiểm soát nội bộ hiệu quả ngăn ngừa tổn thất, rủi ro trong hoạt động kinh doanh NH |
Hiện nay, kiểm soát nội bộ của các TCTD, chi nhánh NH nước ngoài đang được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 44/2011/TT-NHNN. Tuy nhiên với nhiều thay đổi trong thời gian qua thì đến thời điểm này, một số quy định tại Thông tư 44 đã không còn phù hợp, đặc biệt là các nội dung liên quan tới đánh giá nội bộ về mức đủ vốn nhằm thực hiện trụ cột II của Basel II.
Nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hệ thống kiểm soát nội bộ của TCTD, chi nhánh NH nước ngoài, qua đó nâng cao hiệu quả hệ thống kiểm soát nội bộ, hoàn thiện mô hình kiểm soát nội bộ, nâng cao năng lực quản trị rủi ro theo thông lệ quốc tế... NHNN đang tiến hành lấy ý kiến Dự thảo Thông tư quy định hệ thống kiểm soát nội bộ với TCTD, chi nhánh NH nước ngoài thay thế Thông tư 44.
Theo TS. Trần Thế Nữ, Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội thì đặc điểm của kiểm soát nội bộ là được thiết lập và vận hành bởi con người. Nên trong quá trình hoạt động, kiểm soát nội bộ có thể tồn tại những yếu kém và sai lầm dẫn đến mục tiêu không được hoàn thành. Hay nói cách khác, kiểm soát nội bộ chỉ có thể ngăn ngừa và phát hiện sai sót, không thể đảm bảo chắc chắn rằng chúng không thể xảy ra.
Kiểm soát nội bộ có hiệu quả hay không, yếu tố đầu tiên phải nói tới là con người. Con người là một thực thể khó nắm bắt và không thể lập trình, nên nhân tố này luôn tồn tại những sai sót do vô ý hay có chủ ý. Hay việc thiếu sót không được chỉnh sửa triệt để, kịp thời đều gián tiếp gây ra những lỗ hổng kiểm soát ở những nhân viên.
“Nếu chính nhân viên không minh bạch trong quy trình kiểm soát nội bộ, câu kết với nhau nhưng không được hệ thống kiểm soát nội bộ phát hiện kịp thời thì nhà băng sẽ bị thất thoát. Đây là chuyện khó lường nhất”, vị này cho hay.
Nguyên nhân của tồn tại này do công tác tổ chức cán bộ chưa tốt, các nguyên tắc kiểm soát như phân tách chức năng, bất kiêm nhiệm, phê chuẩn, uỷ quyền chưa được tuân thủ nghiêm túc. Hay do Hội đồng quản trị và Ban lãnh đạo đặt nặng vấn đề chi phí của thủ tục kiểm tra mà không cân nhắc kỹ tới các đe dọa từ các rủi ro cũng như mức độ tác động của những rủi ro đó, dẫn tới không có biện pháp xử lý kịp thời. Công tác kiểm tra, kiểm soát, kiểm toán nội bộ không được sát sao cũng khiến cho các hành vi gian lận, sai sót có cơ hội gia tăng.
Lãnh đạo một NHTM cho rằng việc kiểm toán nội bộ cũng là chuyện không thể xem nhẹ. Nó đòi hỏi việc xây dựng chiến lược, cơ cấu tổ chức, quy trình phải được đồng bộ với yếu tố con người và công nghệ. Có thể ở giai đoạn đầu, kiểm toán nội bộ của nhà băng tập trung vào kiểm toán tuân thủ tài chính và nghiệp vụ. Nhưng sau đó buộc phải có sự phát triển, kiểm toán nội bộ cần phải mở rộng ra và bao trùm lên các khía cạnh khác như quản lý rủi ro, quản trị DN, cải thiện quy trình kinh doanh...
Mỗi nhà băng tự xây dựng cho NH mình hệ thống thông tin quản lý, lưu trữ và dự báo riêng là điều cấp thiết trong tình hình hiện nay. Trong đó, các thông tin tín dụng, xếp loại tín dụng khách hàng cần được cập nhật kịp thời, chính xác. Và cũng phải tính toán, nghiên cứu thiết kế hệ thống kiểm soát đối với các sự kiện bất thường có thể xảy ra.
Bên cạnh đó, việc phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan giám sát NH trong công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra cũng cần được đẩy mạnh hơn. Bởi đây là khâu quan trọng để đưa mô hình kiểm soát nội bộ đã được xây dựng vào vận hành theo đúng kế hoạch.