Bamboo Airways: Tất cả đã sẵn sàng cho ngày cất cánh
Chủ tịch Trịnh Văn Quyết |
Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết tiết lộ: tuyến đầu tiên là Sài Gòn - Quy Nhơn hoặc Hà Nội - Quy Nhơn, sau đó có thể là Vân Đồn - Quảng Bình, Vân Đồn - Quy Nhơn, hoặc Thanh Hóa - Quy Nhơn, Thanh Hóa - Cần Thơ... Chúng tôi sẽ ưu tiên phục vụ các đường bay trong nước mà các hãng hàng không khác chưa ưu tiên. Phóng viên Thời báo Ngân hàng đã có cuộc trao đổi với ông Trịnh Văn Quyết về hãng hàng không non trẻ này.
Thông tin về sự ra đời của Bamboo Airways được dư luận chào đón. Song có ý kiến cho rằng, việc Bamboo Airways đầu tư lớn mua các máy bay Airbus 3 tỷ USD và Boeing hơn 5 tỷ USD là quá mạo hiểm?
Chủ trương của Chính phủ là cho phép thành lập Bamboo Airways nhưng để bay được còn phải tuân thủ quy trình rất nghiêm ngặt. Chúng tôi đang làm việc với Cục Hàng không để triển khai các quy trình cần thiết để được cấp phép. Sự chuẩn bị cần vài tháng, nhanh nhất thì ngày 10/10 tới chúng tôi sẽ có chuyến bay đầu tiên sau khi đã bay thử nghiêm ngặt với đầy đủ các cơ quan xét duyệt.
Về việc mua máy bay của FLC, tháng 3/2018 chúng tôi đã mua 24 máy bay Airbus, đến tháng 6/2018 chúng tôi mua thêm 20 máy bay Boeing 787 đường dài để bay châu Âu và Mỹ. FLC đã ký với 2 hãng hàng không thỏa thuận và thanh toán tiền. Nếu không có gì thay đổi, tháng 1/2020 đối tác sẽ bàn giao máy bay Airbus và có thể giao sớm hơn nếu điều kiện cho phép. Chúng tôi đã chuẩn bị 4 năm cho sự ra đời này và quyết liệt 2 năm trở lại đây cả về nhân sự, tài chính.
Về câu hỏi có mạo hiểm hay không, chúng tôi cho là không vì đã có sự chuẩn bị rất kỹ. Đến năm 2019-2020, FLC có trên 20 quần thể nghỉ dưỡng. Với sự chuẩn bị hạ tầng du lịch, chúng tôi rất tâm đắc với sự phát triển của cặp “song sinh” du lịch - hàng không. Bamboo Airways sẽ có đường hướng riêng để phát triển.
Trước đây chúng tôi đã chuẩn bị hạ tầng du lịch, khách sạn nghỉ dưỡng và đã mang lại hiệu quả cho hãng hàng không khác. Nay tự thành lập hãng hàng không thuộc tập đoàn thì không có lý do để FLC không phát huy hiệu quả.
Điểm khác của hãng Bamboo Airways với các hãng hàng không chết yểu trước đây là họ chỉ bay với vài ba chiếc, còn chúng tôi sẽ bay ngay 20 chiếc trong năm 2018. Chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng 20 máy bay về Việt Nam, cả thuê khô và thuê ướt.
Hơn nữa, khi bước vào lĩnh vực mới chúng tôi đã chuẩn bị rất chu đáo, chưa có hãng hàng không nào chuẩn bị chu đáo như FLC. Vào năm 2019, chúng tôi tiếp tục cho về Việt Nam khoảng 20 đến 30 máy bay. Chúng tôi muốn để cho du khách cũng như người dân không cần phải lo lắng về khả năng thiếu chỗ.
Bamboo Airways sẽ bay với đội bay gồm 20 chiếc trong năm 2018 |
Nhưng còn vấn đề năng lực quản trị thì sao khi FLC chưa có kinh nghiệm?
Về khâu quản trị, FLC hiện có 10.000 nhân viên, tôi có 18 năm làm luật sư và chuyển sang bất động sản tôi vẫn quản được 10.000 nhân viên. Đến mùa Đông năm nay chúng tôi sẽ tuyển thêm 5.000 nhân viên nữa để phục vụ cho công trình ở Quy Nhơn và Quảng Ninh. Chúng tôi sẽ có thêm 1.000 phòng nữa ở Quảng Ninh mừng năm du lịch Quảng Ninh, 2.500 phòng ở Quy Nhơn, với con số 15.000 người, năng lực quản trị của FLC vẫn đang rất tốt.
FLC cần tuyển 600 người cho hãng hàng không Bamboo, đến nay đã tuyển được 300 người. Là hãng hàng không “5 sao”, nhưng giá vé của chúng tôi chưa đến “1 sao”. Nếu khách nghỉ ở Thanh Hóa, thì từ Sài Gòn ra chúng tôi chỉ tính tiền phòng, không tính tiền vé.
Để có thể làm việc cho Bamboo Airways, điều kiện tiên quyết phải nói được ngoại ngữ, trong hãng, các cuộc giao ban đều phải nói được bằng tiếng Anh. Cán bộ chủ chốt, tiếp viên trưởng, phó cũng đều là người nước ngoài và có nhiều năm kinh nghiệm. Chúng tôi đã chuẩn bị hạ tầng cực tốt để đạt chuẩn 5 sao trong thời gian sớm nhất. Việc quản trị của Bamboo Airways sánh ngang các hãng lớn trên thế giới.
Bên cạnh việc khai thác đường bay khi hãng Bamboo Airways đi vào hoạt động, ông có ý định tham gia đầu tư sân bay hay không?
Tôi cho rằng số lượng cảng hàng không hiện nay đã rất đủ, nhưng cơ quan quản lý nhà nước còn bỏ ngỏ và chưa có sự phân luồng. Nếu làm tốt, tôi tin rằng cảng hàng không của Nội Bài hay Tân Sơn Nhất sẽ không bị tắc như bây giờ.
Theo tôi là cần tạo ra cơ chế chính sách, thậm chí phải cưỡng chế các hãng hàng không phải bay những tuyến bay nào đó giúp giảm áp lực cho Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Tránh tình trạng như hiện nay là muốn đi Cần Thơ, hay Cà Mau mà từ Thanh Hóa, Ninh Bình đều phải ra tận Hà Nội. Ngược lại các tỉnh miền Tây, miền Đông muốn đến Thanh Hóa đều phải ra TP. Hồ Chí Minh.
Theo tính toán của chúng tôi, một máy bay như FLC chuẩn bị thuê khoảng 400 nghìn USD/tháng, cao lắm khoảng 500 nghìn USD. 10 máy bay là 100 tỷ đồng/tháng.
Mỗi máy bay phải đảm bảo bay 3 lần khứ hồi, tức là 6 chuyến/ngày. Với một máy bay khoảng 200 chỗ và nhân với con số 5,4 triệu đồng, thì bình quân thu về khoảng 1,1 tỷ đồng/chuyến khứ hồi. Như vậy, một ngày một máy bay sẽ cho thu về 3,3 tỷ đồng, nhân lên một tháng, hãng sẽ thu về khoảng 100 tỷ đồng.
Trong khi chi phí chỉ có 10 tỷ đồng tiền thuê máy bay và khoảng 1 triệu USD tiền xăng dầu, tức là khoảng 23 tỷ đồng/tháng. Nếu cộng với chi phí khác vào khoảng 6 đến 7 tỷ đồng cho một máy bay, thì tổng chi phí khoảng 40 tỷ đồng. Tính như vậy để thấy, một chiếc máy bay có thể thu về khoảng từ 1 đến 1,5 triệu USD, trung bình 10 máy bay là trên 10 triệu USD.
Với 40 máy bay trên đường bay vàng như vậy, lợi nhuận không phải tính toán gì thêm nữa cũng lý giải tại sao hãng hàng không nào cũng muốn bay trên “đường bay vàng”.
Trong khi đó, hạ tầng Hà Nội hay TP. Hồ Chí Minh dù có đầu tư hơn nữa cũng khó đáp ứng được nhu cầu. Nếu cưỡng chế phân luồng, giảm tải, giảm chi phí cho khách hàng, chắc chắn hạ tầng hàng không sẽ giảm thiểu, giá vé cũng sẽ giảm đi.
Chúng tôi cũng đang có ý định đầu tư phát triển cảng hàng không để đáp ứng yêu cầu trong tương lai của ngành hàng không. Nhưng với thông tin tôi được biết, việc một doanh nghiệp đầu tư hãng hàng không rồi thì không được phép đầu tư cảng. Nhưng nếu cơ chế chính sách có thì chúng tôi sẽ đầu tư, không chỉ trong nước mà còn quốc tế.
Xin cảm ơn ông!