Báo động tình trạng phá hoại nông sản
Vấn nạn này đã diễn ra trong suốt một thời gian dài, gây mất an ninh trật tự, ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống của nông dân nhưng chính quyền địa phương chưa có biện pháp để khống chế.
Những rẫy cà phê bị kẻ xấu phá hoại |
Điển hình, trong tháng 5/2018 vừa qua, tại xã Quảng Sơn, huyện Đăk Glong (Đăk Nông), nhiều diện tích cây trồng của những nông hộ tại đây liên tục bị kẻ xấu đột nhập phá hoại. Gia đình anh K’Jrong ở xã Quảng Sơn trồng 2ha hồ tiêu xen cà phê. Vừa qua, kẻ xấu đột nhập vào chặt nhiều trụ tiêu và hàng chục cây cà phê. Trong năm 2017, gia đình K’Jrong cũng bị phá khoảng 900 trụ tiêu. Anh đã có báo cáo chính quyền địa phương nhưng đến giờ cũng chưa được giải quyết.
Hộ ông Nguyễn Văn Hoàng có 4ha hồ tiêu xen canh với cà phê và bơ cũng bị kẻ gian lén lút chặt phá hơn 181 trụ tiêu từ 3 đến 4 năm tuổi, thiệt hại cả trăm triệu đồng. Không những phá hoại cây trồng, các đối tượng này còn vào nhà đe dọa, uy hiếp và đòi tiền người dân.
Bên cạnh đó, nhiều nông hộ tại Đăk Lăk cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Theo ông Võ Đình Hồng, xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột (Đăk Lăk), vừa qua hơn 300 cây cà phê tái canh của nhà ông đang ra hoa bị kẻ xấu chặt đứt lìa thân. Để đầu tư chăm sóc diện tích cà phê nói trên gia đình phải vay 30 triệu đồng từ ngân hàng. Sau khi phát hiện vụ việc, gia đình trình báo với công an địa phương, mong tìm ra kẻ phá hoại tài sản, nhưng giờ vẫn chưa có kết quả.
Ông Đỗ Thế Xưởng ở xã Ea K'nếch, huyện Krông Pak (Đăk Lăk) kể, liên tục trong các năm qua, vườn cây của gia đình liên tục bị tấn công. Năm 2015, kẻ xấu đột nhập rẫy, phá hơn 210 gốc cà phê, tiếp đến năm 2016, phá 17 gốc tiêu đang trong thời kỳ thu hoạch. Gần đây nhất, vào tháng 2/2018, chúng chặt phá hơn 200 cây cà phê, hơn 50 trụ hồ tiêu khiến gia đình điêu đứng. Sau mỗi lần bị hại, ông đều báo cáo chính quyền và công an địa phương. Cơ quan chức năng có xuống hiện trường quay phim, chụp hình… Tuy nhiên, vẫn chưa tìm ra thủ phạm...
Không dừng lại ở việc phá hoại cây trồng, một số nông hộ các địa phương nói trên còn bị côn đồ hăm dọa, nhắn tin, gọi điện ép nộp tiền “bảo kê” các vườn cây. Nếu không chi tiền sẽ bị phá hoại.
Vì sợ bị trả thù, nhiều người dân không dám tố cáo với cơ quan chức năng về hành vi vi phạm của các đối tượng. Trước tình hình trên, chính quyền địa phương đã phối hợp với các ngành chức năng tổ chức các buổi tuyên truyền pháp luật trong nhân dân, nâng cao ý thức cảnh giác, tố giác tội phạm. Đồng thời, tăng cường các biện pháp trông giữ tài sản của gia đình và cộng đồng.
Hiện lực lượng công an xã đã phối hợp với quần chúng nhân dân hình thành các tổ liên gia tự quản. Trong đó, các thành viên là chính người nông dân có rẫy liền kề nhau. Các tổ này dựng chòi trong rẫy tiêu, cà phê và luân phiên nhau canh gác.
Tuy nhiên, để giúp người dân tránh những thiệt hại do các đối tượng xấu gây ra, chính quyền các địa phương cần tăng cường sự kiểm soát, tích cực vào cuộc điều tra làm rõ các vụ việc phá hoại tài sản của người dân. Các cơ quan chức năng địa phương cần quyết liệt hơn để giữ vững an ninh trật tự, ngăn chặn, phòng ngừa tội phạm một cách hiệu quả.
Đồng thời, các nông hộ trên địa bàn cũng cần nâng cao ý thức cảnh giác, tự bảo vệ tài sản, tích cực theo dõi, cung cấp kịp thời tin báo tố giác tội phạm cho lực lượng chức năng sớm có biện pháp ngăn chặn, xử lý…