Bảo hiểm tiền gửi: Nâng cao vai trò trong tái cơ cấu các TCTD
Tuyên truyền chính sách BHTG: Gia tăng uy tín cho các QTDND | |
Bảo hiểm tiền gửi: Góp phần đảm bảo an toàn hoạt động hệ thống ngân hàng |
Nhiều ý kiến trao đổi nhằm hoàn thiện chính sách bảo hiểm tiền gửi (BHTG), góp phần tham gia sâu hơn vào quá trình tái cơ cấu hệ thống TCTD tại Việt Nam đã được các đại biểu chia sẻ tại Hội thảo phổ biến kết quả nghiên cứu của Dự án KH&CN với chủ đề “Vai trò của tổ chức bảo hiểm tiền gửi trong quá trình tái cơ cấu TCTD yếu kém tại Việt Nam” do Viện Chiến lược Ngân hàng phối hợp với Nhóm nghiên cứu đề tài KH&CN cấp Bộ đã tổ chức ngày 24/4/2019 tại Hà Nội.
Công cụ đảm bảo an toàn hệ thống
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng Nguyễn Thị Hiền cho rằng, tổ chức BHTG là một cấu phần quan trọng trong mạng lưới an toàn tài chính của mỗi quốc gia. Tại Việt Nam, BHTG Việt Nam là tổ chức BHTG duy nhất được thành lập 20 năm trước theo Quyết định số 218/1999/QĐ - TTg ngày 9/11/1999 của Thủ tướng Chính phủ. Đến năm 2012, Luật BHTG đã được Quốc hội ban hành, cho thấy tầm quan trọng cũng như tính đặc thù trong hoạt động của tổ chức BHTG.
Trong suốt thời gian qua, BHTG Việt Nam đã thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ được giao như: Cấp và thu hồi chứng nhận tham gia BHTG; tính và thu phí; chi trả tiền gửi bảo hiểm; theo dõi, kiểm tra việc chấp hành quy định về BHTG…
Tuy nhiên, theo bà Hiền, trong giai đoạn hiện nay, khi yêu cầu về tái cơ cấu hệ thống các TCTD theo Quyết định số 1058/QĐ - TTg ngày 19/7/2017 phê duyệt Đề án Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020 trở nên bức thiết thì vấn đề nâng cao vai trò của BHTG Việt Nam được đặc biệt quan tâm.
Luật Các TCTD được sửa đổi, bổ sung năm 2017 đã đặt ra thêm nhiều nhiệm vụ đối với BHTG Việt Nam để tổ chức này tham gia tích cực hơn vào quá trình tái cơ cấu các TCTD. Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (ban hành kèm theo Quyết định số 986/QĐ-TTg ngày 8/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ) cũng đặt ra nhiệm vụ sửa Luật BHTG trong giai đoạn 2021 - 2025 nhằm nâng cao hơn nữa vai trò của BHTG Việt Nam, tạo điều kiện cho BHTG Việt Nam tham gia sâu hơn vào việc tái cơ cấu các TCTD.
Có thể nói, trong thời gian qua, BHTG Việt Nam luôn đồng hành cùng với hoạt động của hệ thống các TCTD từ khâu cấp phép đến khâu chi trả và xử lý tài sản của TCTD bị đóng cửa. BHTG Việt Nam cũng đã triển khai đầy đủ các hoạt động BHTG theo quy định của Nghị định 189, 109 và Luật BHTG có hiệu lực từ năm 2013, dần khẳng định vị thế và vai trò trong việc nâng cao niềm tin của công chúng, góp phần vào sự phát triển an toàn của hệ thống ngân hàng, ngày càng trở thành công cụ của NHNN trong việc đảm bảo an toàn hệ thống.
Tuy nhiên, TS. Vũ Văn Long - Phó tổng giám đốc BHTG cũng thẳng thắn nhìn nhận vai trò của BHTG Việt Nam trong quá trình xử lý các TCTD yếu kém thực sự còn nhiều hạn chế (tính tới thời điểm trước khi Luật sửa đổi, bổ sung Luật Các TCTD có hiệu lực).
“Theo kinh nghiệm quốc tế, đối với TCTD yếu kém, tổ chức BHTG ngày càng có vai trò quan trọng trong quá trình xử lý các TCTD yếu kém, đặc biệt thông qua công cụ như hỗ trợ tài chính, mua bán sáp nhập, ngân hàng bắc cầu... giúp hạn chế tối đa việc phá sản TCTD tham gia BHTG”, ông Long nhấn mạnh.
Cần cơ sở pháp lý đồng bộ
Chia sẻ tại hội thảo xung quanh nội dung chính của đề tài, bà Nguyễn Mai Thanh, thành viên nhóm nghiên cứu đã dẫn ra một số kinh nghiệm của các tổ chức BHTG tại Mỹ (FDIC), Nhật Bản (DICJ), Hàn Quốc (KDIC), Đài Loan (CDIC) và Indonesia (IDIC).
Chẳng hạn như trường hợp của Nhật Bản, với những đổ vỡ của tổ chức tài chính tham gia BHTG mà Thủ tướng xác định việc đổ vỡ sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thống tín dụng tại Nhật Bản hoặc vùng nơi tổ chức tài chính tham gia BHTG hoạt động kinh doanh thì Hội đồng Quản lý khủng hoảng tài chính sẽ xem xét, quyết định biện pháp chống khủng hoảng tài chính do DICJ thực hiện, gồm bơm vốn, hỗ trợ tài chính với số tiền hỗ trợ vượt chi phí chi trả bảo hiểm, quản lý khủng hoảng đặc biệt…
“Tổ chức BHTG chỉ thật sự phát huy hiệu quả trong việc tái cơ cấu và giữ ổn định hệ thống ngân hàng khi được trao quyền hạn đối với các tổ chức tham gia BHTG và có một cơ chế phối hợp chặt chẽ với các cơ quan giám sát ngân hàng khác. Bên cạnh đó, cơ sở pháp lý cần đồng bộ, đầy đủ, chi tiết về các trường hợp xử lý, thẩm quyền quyết định và các biện pháp tương ứng để thực hiện tái cơ cấu TCTD”, đại diện nhóm nghiên cứu nêu ra bài học kinh nghiệm.
Nhóm nghiên cứu cũng cho rằng, để tái cơ cấu hiệu quả, cần xây dựng một khung tổng thể gồm đầy đủ các trường hợp có thể xảy ra và các biện pháp ứng phó cần thiết nhằm đảm bảo duy trì các hoạt động dịch vụ tài chính và thanh toán thiết yếu đối với hệ thống và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền.
ThS. Nguyễn Thị Thanh Hằng - Giám đốc Trung tâm tư vấn, đào tạo chuyển giao KH&CN ngân hàng thuộc Viện Chiến lược Ngân hàng cũng chia sẻ tại hội thảo rằng, việc xử lý đối với các TCTD có vấn đề sẽ được chia ra theo những mức độ khác nhau. Ví dụ đối với những tổ chức ít có ảnh hưởng thì có thể cho phá sản, BHTG có thể tự xử lý. Còn đối với những tổ chức có tầm quan trọng trong hệ thống thường sẽ do Thủ tướng Chính phủ hoặc cần nhiều cơ quan nhà nước cùng phối hợp xử lý, và cần phải có cơ chế phối hợp rõ ràng giữa các cơ quan này. Đây đều là những điều mà hiện Việt Nam chưa có.
Bà Hằng cũng đồng tình với quan điểm được nhóm nghiên cứu đưa ra là việc tái cơ cấu các TCTD phải theo nguyên tắc nhất định, đó là nguyên tắc chi phí tối thiểu. Theo đó, các phương án xử lý TCTD đưa ra đều phải cân nhắc mức chi phí, hay cách hỗ trợ nào sẽ là có chi phí thấp nhất.
Tuy nhiên, “nguyên tắc này cũng chỉ áp dụng đối với trường hợp thông thường, còn đối với trường hợp đặc biệt xét có nguy cơ ảnh hưởng tới hệ thống thì có thể không tuân theo nguyên tắc này, mà cần có những biện pháp đặc biệt hơn”, đại diện Viện Chiến lược nêu quan điểm.
Gợi ý một số định hướng chính sách thời gian tới, nhóm nghiên cứu đề tài đưa ra một số đề xuất, kiến nghị như: Xác định mạng an toàn tài chính quốc gia, trong đó quy định rõ cơ chế phối hợp, chức năng, quyền hạn của các cơ quan trong việc tái cơ cấu TCTD nói riêng cũng như đảm bảo sự ổn định của hệ thống tài chính ngân hàng nói chung; sửa đổi đồng bộ Luật BHTG và các Luật có liên quan, ban hành các văn bản Thông tư hướng dẫn thực hiện để BHTG Việt Nam có thể tham gia sâu hơn vào quá trình tái cơ cấu TCTD yếu kém…