Bộ Xây dựng đã nhiều lần báo cáo Chính phủ và các bộ ngành đề nghị cấp vốn nhà ở xã hội
Cần sự ủy thác của ngân sách địa phương với cho vay nhà ở xã hội | |
Lãi suất được ngân sách Nhà nước cấp bù cho vay nhà ở xã hội là 3%/năm |
Quang cảnh buổi họp báo |
Liên quan đến lĩnh vực cho vay nhà ở xã hội (NOXH) theo Nghị định 100 của Chính phủ, ông Lê Quang Hùng cho biết, theo Nghị định này, Nhà nước sẽ hỗ trợ vốn thông qua các tổ chức tín dụng, cho người dân vay, hoặc cho chủ đầu tư vay. Tuy nhiên, từ năm 2016, hỗ trợ NOXH gặp khó khăn về nguồn vốn. Quốc hội có kế hoạch cấp 2.000 tỷ đồng, trong đó hỗ trợ xây nhà cho người có công 840 tỷ đồng thì Bộ Tài chính đã cấp đủ. Còn hơn 1.000 tỷ đồng cấp cho Ngân hàng Chính sách xã hội để hỗ trợ cho vay mua NOXH thì ngân sách mới cấp được 250 tỷ đồng, trong tháng 6 mới giải ngân được khoảng 30 tỷ đồng.
Đến nay, Bộ Xây dựng đã có rất nhiều văn bản báo cáo Chính phủ và các bộ ngành đề nghị cấp vốn. Vốn đầu tư công còn rất nhiều khoản phải chi, do đó Thứ trưởng Hùng cho rằng cần phải cân đối và tìm nguồn vốn, nếu có nguồn vốn thì các ngân hàng sẽ tổ chức cho vay.
Cũng tại buổi họp báo, ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, cho biết cục này đang xây dựng đề án an ninh kinh tế trong lĩnh vực bất động sản (BĐS), dự kiến tháng 12 tới sẽ trình Chính phủ.
Trong dự thảo đề án bao gồm nhiều nội dung như người nước ngoài mua nhà tại VN, đầu tư nước ngoài vào thị trường địa ốc, tín dụng, bong bóng BĐS, tranh chấp và quản lý vận hành nhà chung cư...
Bộ tiếp tục triển khai phần mềm sử dụng chung để kết nối, tích hợp, cập nhật số liệu, dữ liệu vào hệ thống thông tin nhà ở và thị trường BĐS, tạo cơ sở dữ liệu ban đầu cho Hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường BĐS.
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, trong Quý II/2018, Bộ Xây dựng chú trọng đặc biệt đến công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, đồng thời tích cực chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ tập trung thực hiện Chương trình công tác của Chính phủ, Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và các chương trình, đề án năm 2018 của Bộ, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh rà soát và đề xuất bãi bỏ 4 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện đang được quy định tại Luật Đầu tư để thay bằng hình thức quản lý khác, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, đưa vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp.
Công tác cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách hành chính, trọng tâm là thủ tục hành chính được Bộ Xây dựng quan tâm đặc biệt, cụ thể: Bộ đã trình và được Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ. Trong đó, Bộ bãi bỏ 5 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện không thuộc Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư, đồng thời bãi bỏ 41,3%, đơn giản hóa 47,3% và giữ nguyên 15% trong tổng số 215 điều kiện đầu tư kinh doanh.
Trong 6 tháng đầu năm, Bộ Xây dựng đã chủ trì xây dựng nội dung và phối hợp với Văn phòng Chính phủ tổ chức thành công Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách liên quan đến đầu tư xây dựng, do Thủ tướng Chính phủ chủ trì. Hiện nay, Bộ Xây dựng đang phối hợp chặt chẽ với các Bộ có liên quan để triển khai, cụ thể hóa các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị; đã hoàn thiện dự thảo và trình Chính phủ Nghị quyết về một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tháo gỡ khó khăn vướng mắc về cơ chế, chính sách liên quan đến đầu tư xây dựng.