“Bôi trơn” để không “cô đơn”?!
Chỉ số BCI quý III đạt 81 điểm | |
VCCI kiến nghị bãi bỏ 22 ngành nghề kinh doanh có điều kiện | |
Cải thiện môi trường kinh doanh: Quyết tâm chính trị của ngành Ngân hàng |
Theo Ngân hàng Thế giới (WB), quốc gia nào có hoạt động logistics tốt thì tăng trưởng GDP có thể gia tăng thêm 1%, thương mại gia tăng thêm 2%. Tuy nhiên ở Việt Nam, cho dù Chính phủ rất quan tâm đến phát triển ngành logistics, đặc biệt trong những năm gần đây đã có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển, nhưng ngành này đang gặp nhiều trở ngại.
Ảnh minh họa |
Bức xúc thay cho DN và vẫn đầy trăn trở về môi trường kinh doanh và sức cạnh tranh của DN Việt, bà Nguyễn Minh Thảo - Trưởng ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CEM) nói, trong ngành logistic, DN nước ngoài chỉ có 3% nhưng chiếm tới 80 % thị phần logistics Việt Nam. DN Việt Nam vừa nhỏ bé lại hoạt động trong môi trường lắm rào cản, nhiều khó khăn nên năng lực cạnh tranh quốc tế rất hạn chế. Vì thế DN nội chỉ là vệ tinh cho DN nước ngoài, chỉ cung cấp các dịch vụ giản đơn.
Dẫn ra sự đắt đỏ của chi phí sản xuất kinh doanh “không chấp nhận được mà vẫn phải chịu”, bà Thảo cho so sánh tổng chi phí một container 40 feet từ Việt Nam đi Los Angeles là 2.532 USD; trong đó chi phí logistics nội địa là 572 USD (chiếm 22,59%). Khi DN quận 7, TP.HCM đến cảng Cái Mép – Vũng Tàu, quãng đường dài 200 km nhưng qua 4 trạm thu phí và chi phí cầu đường khoảng 780.000 đồng (cả đi lẫn về), chiếm gần 20% tổng chi phí vận chuyển của chuyến hàng. Bên cạnh đó là các khoản phí cố định thu theo năm như chi phí bảo dưỡng đường bộ 17.500.000 đồng/xe/năm.
Chưa hết, DN vận tải còn phải chịu nhiều áp lực bị kiểm tra dọc đường và phải chi nhiều khoản phí bôi trơn nữa. DN thường xuyên bị lực lượng kiểm tra, gây khó khăn, lập biên bản phạt, thu, giữ đăng ký xe, bằng lái xe làm ảnh hưởng rất lớn đến thời gian và chi phí cho DN và đưa ra nhiều lý do kiểu như hàng hóa không có tem hợp quy, tem phụ... lập biên bản, thu giữ hàng hóa, trong nhiều trường hợp còn vòi vĩnh một cách khó hiểu. “Chi phí bôi trơn này đang chiếm từ 5% đến 10% phí vận tải đường bộ”, bà Thảo cho biết. Chính vì thế mà phí vận tải đường bộ đắt hơn đường biển. Chi phí vận chuyển một container 40 feet từ TP.HCM đi cửa khẩu Tân Thanh là 5.800.000 đồng (bằng đường bộ), trong khi từ TP.HCM đi Mỹ (California) là 200USD (tương đương khoảng 4.600.000 đồng) qua đường biển. Và ở Việt Nam 77,47% là vận tải đường bộ. Các chi phí này đang dần hút cạn sức lực DN trong nước.
Chưa kể một thực tế vẫn hiện hữu mà nhiều DN phản ánh là những DN “cô đơn”, không có mối quan hệ với cơ quan nhà nước rất khó làm ăn. DN thuộc dạng “cô đơn” khi thực hiện thủ tục với cơ quan quản lý nhà nước thì hồ sơ dễ bị trả lại với câu trả lời chung chung là “thiếu hồ sơ” còn DN thì không biết hồ sơ gì thiếu.
Như có DN nộp hồ sơ đăng ký phù hiệu cho 200 xe tải, nhưng gần 3 tháng từ ngày DN nộp hồ sơ vẫn chưa được cấp. Cơ quan quản lý đưa ra nhiều lý do khiến DN không đủ điều kiện được cấp phù hiệu, như: bản sao công chứng của một bộ hồ sơ bị mờ (mặc dù DN đem theo bản gốc để đối chiếu). Hoặc mỗi lần đến, cán bộ tiếp nhận lại yêu cầu sửa một nội dung. Không thể để 200 xe nằm yên trong bãi liên tục vài tháng, DN buộc phải vi phạm, cho xe chạy, chấp nhận rủi ro có thể bị các lực lượng khác xử phạt. Nếu không làm vậy, DN sẽ tốn kém chi phí và ảnh hưởng đến người lao động. Để có phù hiệu nhanh, DN phải mất chi phí không chính thức là 2 triệu đồng/phù hiệu.
Những khó khăn rào cản này đang đẩy giá dịch vụ tăng và làm giảm năng lực cạnh tranh của ngành logistics. Cho rằng, DN Việt Nam cần phải được sử dụng một hệ thống hạ tầng logistics được đầu tư hoàn chỉnh để có thể hoạt động có hiệu quả, giảm chi phí, ông Trần Đức Nghĩa - Giám đốc Cty TNHH Quốc tế Delta cũng đề nghị, để cắt giảm chi phí và nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN logistics cần tạo ra một môi trường số để thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin và hoạt động hàng ngày. “Để hoạt động logistics được quản lý, tổ chức và quy hoạch hiệu quả thì cần phải giải quyết vấn đề này, nên thành lập mới cơ quan quản lý nhà nước như Ủy ban logistics quốc gia của Trung Quốc hoặc giao trách nhiệm quản lý nhà nước đối với hoạt động logistics cho một bộ ngành cụ thể”, ông Nghĩa khuyến nghị.