VCCI kiến nghị bãi bỏ 22 ngành nghề kinh doanh có điều kiện
Chỉ còn cửa cho cải cách thực chất | |
Còn nhiều trở ngại với kinh tế tư nhân | |
DN nội bước tới, DN ngoại cũng cần xích lại |
VCCI cho biết, danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện theo Luật Đầu tư năm 2014 sửa đổi giảm từ 267 xuống còn 243 ngành nghề kinh doanh có điều kiện đã tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi hơn. Tuy nhiên, danh mục hiện tại của Luật Đầu tư (sửa đổi) năm 2016 vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề cần được tiếp tục đánh giá, rà soát, xem xét.
Trong số 22 ngành nghề đề xuất bãi bỏ, VCCI cho rằng một số ngành nghề bị áp vào danh mục là chưa phù hợp với tính chất kinh doanh của các ngành đó. Chẳng hạn, hoạt động dịch vụ của tổ chức trọng tài thương mại không vì mục đích lợi nhuận, theo quy định tại Luật Trọng tài thương mại. Hơn nữa, đây là cơ quan tài phán, được thành lập với mục đích xét xử, không thể và không nên coi là một ngành, nghề kinh doanh.
Một số ngành khác như kinh doanh dịch vụ kế toán; kinh doanh dịch vụ làm thủ tục về thuế; kinh doanh dịch vụ làm thủ tục hải quan, theo VCCI, đều là các ngành nghề kinh doanh thông thường. Trong suốt thời gian trước đó, các hoạt động này không được ghi nhận bất kỳ rủi ro nào tác động đến lợi ích công cộng đến mức buộc phải kiểm soát bằng điều kiện kinh doanh.
VCCI cũng cho rằng, một số hoạt động kinh doanh bị áp đặt điều kiện là do chưa được hiểu đúng bản chất. Chẳng hạn hoạt động tạm nhập tái xuất thực phẩm đông lạnh là một loại hoạt động trong quá trình kinh doanh chứ không phải một ngành nghề kinh doanh. Bởi ít có DN nào được thành lập chỉ để tạm nhập tái xuất thực phẩm đông lạnh và thường hoạt động này là do các DN sản xuất, kinh doanh thực phẩm thực hiện bên cạnh các hoạt động khác của họ như sản xuất, mua bán, nhập khẩu/xuất khẩu thực phẩm…
Tương tự như vậy, dịch vụ logistics không phải là một ngành, nghề riêng mà bao gồm rất nhiều công việc, liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau. Trong đó, có những ngành, nghề phải đáp ứng điều kiện kinh doanh, ví dụ vận chuyển hàng hóa bằng các phương tiện đường bộ, đường thủy, đường biển, đại lý hải quan, đại lý thuế…; lại có những ngành, nghề không cần phải đáp ứng điều kiện kinh doanh, ví dụ giao nhận hàng, thực hiện các thủ tục giấy tờ, các hoạt động hỗ trợ khác... Do đó, không thể xác định một điều kiện chung áp dụng cho các chủ thể cung cấp dịch vụ logistics.
Cũng tại bản kiến nghị gửi tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư, VCCI đã chỉ ra một số ngành nghề đầu tư, kinh doanh bị áp các điều kiện kinh doanh chưa hợp lý, và không rõ dựa vào căn cứ nào để đặt ra các điều kiện này. Chẳng hạn, điều kiện để được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đối với DN sản xuất phim gồm có vốn pháp định là 1 tỷ đồng; và Giám đốc hoặc tổng giám đốc có đủ tiêu chuẩn theo quy định.
VCCI cho rằng, không có căn cứ rõ ràng nào để yêu cầu DN sản xuất phim phải có số vốn tối thiểu là 1 tỷ đồng. “Có số vốn này để làm gì? Duy trì hoạt động của DN hay là có vốn để sản xuất phim? Nếu vì mục đích nào thì con số này cũng không phù hợp với thực tế, bởi để sản xuất một bộ phim, số vốn phải bỏ ra lớn hơn rất nhiều số vốn pháp định này”, bản kiến nghị nêu rõ.
Bên cạnh đó, điều kiện đối với giám đốc hoặc tổng giám đốc của DN cũng rất mơ hồ và khá chung chung. VCCI cho rằng, cơ quan quản lý không cần thiết và không nên can thiệp vào vấn đề này.
Một số ngành nghề khác được VCCI kiến nghị bãi bỏ khỏi danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện gồm: sản xuất, sửa chữa chai chứa khí dầu mỏ hóa lỏng (chai LPG); kinh doanh dịch vụ việc làm; kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng xe ô tô; kinh doanh dịch vụ đóng mới, hoán cải, sửa chữa, phục hồi phương tiện thủy nội; kinh doanh dịch vụ quản lý, vận hành nhà chung cư; sản xuất mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe gắn máy; kinh doanh dịch vụ lữ hành…