Brexit và tác động đến Fed
Brexit làm “lung lay” vị thế trung tâm tài chính London | |
Bảng Anh lại rơi xuống thấp nhất 31 năm, yên Nhật tăng mạnh | |
Brexit có thể khiến nhiều NHTW châu Á nới lỏng tiền tệ |
Biên bản cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tháng 6 vừa qua cho thấy, yếu tố hậu Brexit có tác động lớn ra sao đến quyết định tăng lãi suất của cơ quan này.
Ảnh minh họa |
Cụ thể, cuộc họp chính sách ngày 14-15/6 và biên bản cuộc họp này vừa được công bố ngày 6/7 có đưa ra gợi ý, việc tăng lãi suất hay không cần chờ những tác động rõ ràng hơn từ cuộc bỏ phiếu Brexit.
“Các thành viên về cơ bản nhất trí rằng, để trước khi tiến hành một bước đi mới trong chính sách tiền tệ thì cần thận trọng quan sát kỹ những dữ liệu về các hệ quả của cuộc bỏ phiếu đi hay ở lại EU của Anh” – biên bản cuộc họp cho biết.
Điều này cho thấy, những quan chức nắm giữ lá phiếu quyết định tăng hay không tăng lãi suất của Ủy ban Thị trường Mở của Fed cũng rất dõi theo tiến triển của sự kiện Anh rời EU này. Quả thật, sự thận trọng đó của Fed đã không thừa.
Kết quả bỏ phiếu Brexit đã gây sốc với các NĐT và TTCK toàn cầu đã bị cuốn phăng 2 nghìn tỷ USD trong phiên giao dịch ngay sau ngày có kết quả bỏ phiếu.
Các biến động, lo âu từ đó đến nay vẫn còn và các NĐT tin rằng sẽ còn phải mất nhiều thời gian nữa trước khi Anh và EU có thể đi đến thống nhất các quy định mới về tài chính, thương mại và xuất nhập cảnh.
Cùng với những diễn biến của sự kiện Brexit và các thông tin không mấy tích cực về thị trường lao động, một số NĐT và nhà phân tích dự đoán Fed sẽ “đóng băng” lãi suất ở mức hiện tại cho đến hết năm 2017.
“Để có thể tăng lãi suất thì chúng ta sẽ cần phải nhìn thấy sự cải thiện dữ liệu kinh tế của vài tháng liên tục” - Brian Jacobsen, Giám đốc chiến lược danh mục đầu tư tại Wells Fargo Funds nêu quan điểm. Trong khi đó sau khi thông tin biên bản cuộc họp vừa qua được công bố, lợi suất trái phiếu kỳ hạn dài của Kho bạc Mỹ đã xuống mức thấp kỷ lục.