BT đang làm cạn kiệt nguồn lực đất đai
Đầu tư theo hình thức BT – dư luận ít phản ứng vì dân ít thông tin | |
Tín dụng BOT, BT giao thông: Quan trọng là kiểm soát được rủi ro | |
Thu hút vốn ngoại cho các dự án BOT và BT |
BT đang “sốt” hơn BOT
Gần đây, các dự án BT đang trở thành mối quan tâm khắp cả nước. Thay vì góp phần giảm áp lực đầu tư cho NSNN, mang lại lợi ích cho Nhà nước, cho xã hội thì BT lại đang rất dễ bị bóp méo, biến tướng trở thành mảnh đất màu mỡ cho cơ chế xin – cho và tham nhũng, bào mòn nguồn lực đất đai. Nhà đầu tư đắc lợi vì những khoản sinh lời vô cùng lớn từ cơ hội sở hữu những mảnh đất đắc địa còn Nhà nước thì thiệt đơn thiệt kép, xã hội thì phải sử dụng những công trình chất lượng thấp giá lại cao.
Nhận công trình làm đường quanh Khu tưởng niệm Chu Văn An, Bitexco được nhận vốn đối ứng là khu đô thị The Manor Central Park |
Chỉ cần bỏ 700 tỷ đồng làm 5 km đường Lê Văn Lương, nhà đầu tư đã có 197 ha đất xây khu đô thị để bán. Khi nhận đất, Nhà nước tính giá 8,5 triệu đồng/m2, khi xây đô thị xong giá bán ở đó lên tới 30-40 triệu đồng/m2. Hay chỉ cần làm con đường 3,5 km đường Lê Đức Thọ, nhà đầu tư có được 70 ha đất. Hay dự án đường trục phía Nam dài 41 km đường, được trao cho CIENCO 5 đổi lại CIENCO 5 có được 2 khu đất mênh mông để xây khu đô thị mới Thanh Hà và Mỹ Hưng. Nhưng sau 9 năm, mới chỉ có 12 km đường được làm, khu đô thị Thanh Hà đã được bán lại cho nhà đầu tư khác…
Hơn nữa, BT đang an toàn hơn so với BOT vì chắc chắn là có đất để làm dự án khác, lại được Chính phủ tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho dự án mới, không cần phải đặt trạm chờ thu phí để hoàn vốn như BOT. Có lẽ vì thế, suốt một thời gian dài, các dự án BT cứ lặng lẽ được triển khai và đến nay thì đã trở thành “cơn sốt” đại trà trên khắp cả nước.
GS. - TS. Đặng Hùng Võ – nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường điểm lại từ tháng 4/2015 đến 3/2016, ở TP. Hồ Chí Minh đã có 11 dự án BT. Tại thời điểm tháng 6/2016, UBND thành phố cũng đã phê duyệt 4 dự án BT. Ở Hà Nội, tính đến năm 2012 có 63 dự án BT. Đến năm 2014 có 24 dự án BT được triển khai. Thống kê ở tháng 6/2017 thấy có 16 dự án đã triển khai từ năm 2015. Nếu tính ở 63 tỉnh, thành thì sẽ là bao nhiêu?
“Vậy bao nhiêu đất để trả cho nhà đầu tư cho vừa!”, GS. Đặng Hùng Võ nói. Với sự “nở rộ” của các dự án BT như hiện nay thì chẳng bao lâu nguồn lực tài nguyên đất sẽ cạn kiệt.
TS.Phạm Quang Tú (chuyên gia của Tổ chức Oxfam) chỉ ra rằng, hàng loạt dự án BT vừa qua không xuất phát từ nhu cầu của xã hội, của nền kinh tế, cũng không nằm trong quy hoạch, mà nó chỉ phục vụ cho mục đích trục lợi của nhà đầu tư và lợi ích nhóm. Cũng cùng quan điểm này, PGS-TS. Lê Huy Trọng (Kiểm toán Nhà nước) nêu trường hợp “dự án BT như bảo tàng Hà Nội có xuất phát từ nhu cầu người dân hay không?”.
Dưới góc nhìn của các chuyên gia và kiểm toán thì vấn đề của BT “sốt” hơn BOT rất nhiều vì những tổn hại gây ra cho nguồn lực của toàn dân, quyền lợi của người dân. Nhưng chẳng qua xã hội không có thông tin nên “chưa phản ứng”.
Đã đến lúc vĩnh biệt “đổi đất lấy hạ tầng”
Ông Tú chỉ ra sự thiếu minh bạch và lợi ích nhóm lộ rất rõ vì chủ trương đầu tư, các dự án, lĩnh vực cần kêu gọi đầu tư không được công bố rộng rãi, không được đấu thầu công khai. Do không bị cạnh tranh đấu thầu công trình, nên khi nhà đầu tư bàn giao cho Nhà nước thì hoặc chi phí cao, hoặc chất lượng thấp, thậm chí là cả 2.
Khi dự án hoàn thành, lẽ ra phải thực hiện kiểm toán kỹ thuật và kiểm toán tài chính để xác định chính xác chất lượng, giá trị, làm cơ sở cho việc “thanh toán” bằng quỹ đất, song do BT không bắt buộc kiểm tra kiểm toán, chỉ là quyết toán, giá cả cuối cùng luôn phụ thuộc vào các quyết định chủ quan của cơ quan hoặc cá nhân có thẩm quyền phê duyệt nên “đây là lỗ hổng lớn nhất và là mảnh đất màu mỡ nảy sinh tiêu cực tham nhũng và tiêu cực”, ông Tú nói.
Bà Trương Hải Yến (Kiểm toán Nhà nước) cho biết, sau khi kiểm toán 21 dự án BT thì hầu hết các dự án không nằm trong kế hoạch đầu tư trung hạn, không được thông qua HĐND, hầu hết là chỉ định thầu, các dự án BT được giao đất trước khi hoàn thành công trình BT với giá đất thấp hơn nhiều so với đơn giá đất tại thời điểm bàn giao công trình làm lợi cho nhà đầu tư, gây thiệt hại cho NSNN.
Bên cạnh đó, nhà đầu tư chỉ cần có số vốn chủ sở hữu bằng 10% hoặc 15% tổng mức đầu tư mà thôi, 85% còn lại được đi vay với lãi suất vay quy định, tối đa là 1,3 lần lãi suất TPCP. Như vậy thực chất 85% số vốn còn lại chính là vốn Nhà nước đi vay với lãi suất cao hơn là phát hành trái phiếu để tự đầu tư. Vậy là BT chẳng những không giúp giảm gánh nặng đầu tư cho NSNN mà còn trở thành gánh nặng hơn”, bà Yến nói.
Kết quả kiểm toán cũng cho thấy ở nhiều dự án chủ đầu tư không góp đủ 10 hay 15% từ vốn chủ sở hữu, mà họ đi vay để có đủ tỷ lệ 10 và 15% này. Như vậy vừa làm tăng giá dự án vừa gây rủi ro... Kiểm toán cũng phát hiện ra sai sót ở tất cả các khâu của dự án gây thất thoát trong quá trình thi công thực hiện dự án, chất lượng dự án kém. Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính 3.815,4 tỷ đồng đối với 21 dự án, tương đương 12,54% giá trị được kiểm toán (3.815,4 tỷ đồng/30.425 tỷ đồng).
“Đã đến lúc vĩnh biệt cơ chế “đổi đất lấy hạ tầng” tại các địa phương đã phát triển tốt, chỉ nên áp dụng ở nơi chậm phát triển, hạ tầng thiếu và ngân sách yếu”, GS. Võ phát biểu. Theo ông cần phải lấp đầy khoảng trống pháp luật bằng việc bổ sung các quy định về kiểm toán kỹ thuật để đánh giá chất lượng, kiểm toán tài chính để đánh giá giá trị đối với công trình hạ tầng và định giá đất đai khi trả cho nhà đầu tư.