Bước chuyển mình tích cực ở huyện nghèo Sơn Động
Sơn Động là huyện vùng cao của tỉnh Bắc Giang có diện tích đất lâm nghiệp khá lớn, chiếm 82,67% tổng diện tích tự nhiên toàn địa bàn (844,32 km2) với hệ thống động thực vật phong phú và nhiều tài nguyên khoáng sản quý như quặng đồng, quặng sắt, than đá... Tuy nhiên, đời sống vật chất, tinh thần của bà con còn rất nhiều khó khăn.
Gia đình chị Nguyễn Thị Diện ở xã Tuấn Đạo vay vốn trồng cây ăn quả |
Trong những năm qua, được sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước, nhân dân các dân tộc huyện Sơn Động đã phát huy truyền thống cách mạng, chủ động vượt qua khó khăn thách thức, khai thác tiềm năng lợi thế sẵn có, đạt được nhiều thành tựu quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội.
Đặc biệt, nhờ tiếp nhận và thực hiện lồng ghép hiệu quả các chương trình dự án 135, 134 và 30a, di dân tái định cư, tín dụng ưu đãi đã giúp cho diện mạo nông thôn miền núi Sơn Động đổi thay không ngừng. Các lĩnh vực kinh tế, an sinh xã hội đã chuyển biến tích cực.
Lãnh đạo NHCSXH tỉnh Bắc Giang cho biết, sau 5 năm lồng ghép các chương trình, dự án đầu tư nguồn vốn, thực hiện cho vay 12 chương trình tín dụng ưu đãi với trên 520 tỷ đồng và gần 12.000 hộ vay vốn. Hầu hết các chương trình và nguồn vốn tín dụng ưu đãi của NHCSXH được uỷ thác qua các tổ chức hội, đoàn thể làm cầu nối vững chắc chuyển nhanh và đầy đủ tới các đối tượng có nhu cầu vay vốn.
Cùng với đó, ngân hàng đã duy trì tổ chức giao dịch tại các xã, thị trấn theo lịch cố định hàng tháng, tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận nguồn vốn chính sách. Việc cho vay cũng được bình xét công khai dân chủ ở các Tổ tiết kiệm và vay vốn có sự chứng kiến của trưởng thôn.
Thông qua việc vay vốn chính sách, các hộ gia đình ở vùng núi cao Sơn Động đã đầu tư chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tập trung sản xuất trồng trọt, chăn nuôi theo hướng hàng hóa, đồng thời làm tốt công tác khoanh nuôi, bảo vệ, trồng rừng nâng độ che phủ của rừng. Từ việc sử dụng hợp lý, đúng mục đích nguồn vốn ưu đãi, nhiều hộ đã thoát cảnh nghèo khó, vươn lên làm giàu, xây dựng mô hình kinh tế cho thu nhập cao như: mô hình chăn nuôi trâu, bò của chị Hoàng Thị Luận ở xã Thạch Sơn, trại nuôi lợn thương phẩm của ông Phạm Văn Mẽ ở thị trấn Thanh Sơn, mô hình trồng rừng của gia đình chị Hoàng Thị Hạnh ở xã Thạch Sơn,...
Tiêu biểu trong các mô hình làm kinh tế hiệu quả tại vùng cao Sơn Động phải kể đến gia đình chị Nguyễn Thị Diện ở thôn Đào Tuấn. Từ một hộ nghèo được Hội Phụ nữ xã giúp đỡ đã có cơ hội vay 30 triệu đồng vốn ưu đãi chăn gà đồi, cải tạo vườn tạp trồng cây ăn quả có thu nhập cao, thoát hẳn nghèo.
Còn ở xã Long Sơn hiện có gần 400 hộ sử dụng trên 10 tỷ đồng của NHCSXH trồng được 2.718ha rừng. Một số gia đình đồng bào dân tộc Dao, Tày, Nùng nhờ sự hỗ trợ của vốn ưu đãi phát triển kinh tế vườn đồi, vườn rừng, thoát cảnh nghèo khó, mua sắm cả máy cày, làm cỏ, ô tô bán tải.
Chủ tịch UBND xã Long Sơn cho biết, hiện nay xã không còn đất trống, đồi trọc. Nguồn thu chính của người dân đã hoàn toàn dựa vào các cây trồng đặc thù của rừng nguyên liệu giấy, cây ba kích, nấm, măng tre có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm và làm tốt công tác hoàn trả vốn vay ngân hàng. Điển hình như ông Hạp, chị Hòa ở thôn Thượng trồng 5ha rừng thông, keo từ nguồn vốn ưu đãi và dự án phát triển lâm nghiệp Việt Đức đã có lãi ròng ngót 200 triệu đồng/năm.
Theo thống kê, từ năm 2010 - 2015 ở Sơn Động có 10.188 hộ thoát nghèo, trong đó hầu hết những hộ này đã và đang vay vốn, sử dụng vốn vay từ NHCSXH. Điều này khẳng định, tác dụng và tầm quan trọng của nguồn vốn ưu đãi. Để nguồn vốn tiếp tục phát huy hiệu quả, cấp uỷ, chính quyền huyện Sơn Động tiếp tục chỉ đạo sát sao hoạt động của NHCSXH trên địa bàn, đồng thời chỉ đạo các hội, đoàn thể nâng cao chất lượng uỷ thác, đồng thời tăng cường sự phối hợp giữa NHCSXH với các cơ quan chuyên môn của huyện triển khai tổ chức tập huấn chuyển giao KHKT cho nông dân nhằm phát huy tối đa hiệu quả đồng vốn vay.