Buôn lậu tinh vi, nan giải xử lý
Phát hiện vụ xuất lậu 80 cây vàng qua đường hàng không | |
Nhôm đồng đội lốt… vải vụn |
Buôn lậu gia tăng
Đại tá Võ Văn Lanh, Phó trưởng phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an TP. Đà Nẵng cho biết, hiện thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu thường là xé lẻ hàng từ ô tô, xe đông lạnh, xe máy, thường xuyên thay đổi phương tiện di chuyển từ tỉnh này sang tỉnh khác, để lẩn tránh sự phát hiện của lực lượng chức năng. Bên cạnh đó, còn có hiện tượng nhập lậu xe ô tô có giá trị lớn, trên danh nghĩa quà tặng, nhằm trốn thuế…
Tình hình buôn lậu, gian lận thương mại vẫn diễn biến phức tạp |
Đại diện ngành hải quan TP. Đà Nẵng nêu thực trạng, một số DN lợi dụng những thông thoáng về thủ tục hải quan điện tử để nhập khẩu, xuất khẩu hàng sai số lượng, mặt hàng, thậm chí xuất khẩu nhiều mặt hàng cấm. Đây là thủ đoạn vi phạm mới trong khai báo hàng hóa, lợi dụng việc xuất, nhập khẩu các mặt hàng được phân vào luồng xanh và luồng vàng mà cơ quan chức năng không kiểm tra thực tế hàng hóa để buôn lậu.
Mới đây, tại cảng Tiên Sa, lực lượng chức năng đã phát hiện một số lượng lớn đồng, nhôm trong 6 container, gồm 98 tấn đồng đã qua sử dụng và 41 tấn nhôm dạng khối... được khai báo núp bóng danh nghĩa vải vụn chuẩn bị xuất đi Thái Lan và Ấn Độ.
Điều đáng nói, khi làm thủ tục thông quan, theo khai báo như trên thì số hàng trên dễ dàng được đưa vào hệ thống phân luồng xanh, được miễn kiểm tra hồ sơ giấy tờ và miễn kiểm tra thực tế hàng hóa.
Trước đó, hải quan địa phương cũng đã phát hiện lô hàng lậu nhập khẩu từ châu Phi về Đà Nẵng của Công ty TNHH Vạn An có trụ sở tại Đà Nẵng. Công ty này đã đăng ký tờ khai nhập khẩu, nộp thuế cho lô hàng theo khai báo là đá cẩm thạch dạng khối, trọng lượng 40 tấn, chứa trong 2 container, lô hàng cũng đã được phân luồng xanh…
Tuy nhiên, khi mở niêm phong, lực lượng chức năng lại phát hiện hơn 577 kg ngà voi, 122,5 kg sừng tê giác ngụy trang trong 12 khối đá giả, được làm rỗng bên trong.
Nan giải xử lý
Có thể nói, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển, kinh doanh hàng cấm, trong đó có hiện tượng lợi dụng ưu đãi trong chính sách xuất nhập khẩu để buôn lậu, đã và đang gây khó cho các cơ quan chức năng không riêng tại TP. Đà Nẵng.
Thậm chí, có nhiều trường hợp các đối tượng còn sửa chữa, giả mạo hồ sơ chứng từ, con dấu, chữ ký của cơ quan chức năng để trốn thuế, nhập lậu hàng cấm. Đấu tranh chống các loại tội phạm này luôn gặp nhiều trở ngại, vướng mắc. Bởi, việc thu thập thông tin về các vi phạm trên hiện rất khó khăn.
Ngoài ra, còn do tâm lý e ngại bị DN khiếu nại gây cản trở hoạt động xuất nhập khẩu, nên chỉ khi có thông tin thật chính xác, cơ quan chức năng mới tổ chức kiểm tra hàng hóa. Do đó, số vụ buôn lậu và trốn thuế trót lọt trong thực tế chắc chắn lớn hơn nhiều so với số vụ bị phát hiện.
Cũng liên quan đến việc phát hiện, xử lý hàng lậu, hàng giả còn khó khăn, nan giải, ông Phan Văn Kha, Giám đốc Sở Công Thương TP. Đà Nẵng đưa ra dẫn chứng, hầu hết các chai rượu ngoại bán trên thị trường đều có tem, nhưng khi quản lý thị trường đến làm việc lại không thể mở ra để kiểm tra, thậm chí mở ra cũng khó có cách nào để xác định được rượu giả, rượu thật.
Chưa kể, nếu mở ra mà không xác định được thì quản lý thị trường phải bỏ tiền mua. Được biết, để xác định rượu giả, phải lấy mẫu gửi ra Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an kiểm định chất lượng. Thế nhưng, việc đưa một mẫu đi kiểm định như vậy rất tốn kém, trong khi giá thành một chai rượu ngoại chỉ khoảng 500 nghìn đồng…
Ngoài những khó khăn khách quan trên, về phần nội bộ các cơ quan hữu quan, việc phối hợp giữa các đơn vị vẫn chưa tốt, “mạnh ai nấy làm”, dẫn tới việc quản lý địa bàn vẫn chưa sâu sát và xử lý không nghiêm…
Trước nhiều khó khăn của các lực lượng chức năng trong việc đấu tranh với nạn buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển, kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu trên địa bàn, UBND TP. Đà Nẵng yêu cầu, các lực lượng quản lý thị trường phải tăng cường bám sát địa bàn.
Theo đó, cần tập trung lực lượng để nắm bắt thị trường, thực hiện tốt công tác dự báo, trinh sát, nghiêm khắc xử lý các hành vi vi phạm. Chú trọng phát hiện các thủ đoạn, hành vi vi phạm mới để có biện pháp ngăn chặn...
Đồng thời, đẩy mạnh và đổi mới công tác tuyên truyền để phản ánh đầy đủ nội dung công tác này; tăng cường công tác phối hợp trong điều tra, trinh sát, kiểm soát thị trường. Trong đó, ưu tiên kiểm tra kiểm soát các mặt hàng thực phẩm, thuốc lá, rượu, xăng dầu, khí hóa lỏng, phân bón, thuốc tân dược...