Các ngân hàng thương mại có thể dùng chung cây nạp tiền
Trong khuôn khổ Hội thảo an toàn, an ninh thông tin không gian mạng (Cyber Security 2018) do IDG Việt Nam, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam và các đơn vị thuộc khối công nghệ tài chính và bảo mật thông tin phối hợp tổ chức tại TP.HCM (từ ngày 28-29/11), ông Vũ Văn Xứng, Cục trưởng Cục Quản lý mật mã dân sự và Kiểm định sản phẩm mật mã (thuộc Ban Cơ yếu của Chính phủ) đã trình bày về các giải pháp triển khai hệ thống máy ATM đảm bảo các yêu cầu bảo mật của hệ thống ngân hàng.
Tại bài trình bày của mình, ông Xứng dành nhiều thời gian giới thiệu về hệ thống máy nạp tiền di động mà theo ông nếu phát triển mạnh trong hệ thống NHTM thì sẽ mang lại hiệu quả cao trong việc tiết giảm thời gian, chi phí giao dịch cho cả khách hàng và các nhà băng, đồng thời hỗ trợ thúc đẩy hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt trong toàn xã hội.
Thông tin cụ thể về công nghệ nạp tiền di động này, ông Xứng cho biết, hiện nay một nhóm kỹ sư trẻ đã nghiên cứu và cho ra đời sản phẩm máy nạp tiền di động vào tài khoản ngân hàng. Loại máy này được thiết kế dựa trên các nền tảng kết nối trực tuyến cho phép khách hàng đăng ký nạp tiền vào ví điện tử, dùng ví định danh điện tử (e-KYC) để liên kết với tài khoản tại 34 NHTM ở Việt Nam.
Khách hàng có thể tự nạp tiền vào ví điện tử của mình thông qua phần mềm nhận dạng tiền với mức độ chính xác cao và chỉ phải chịu trách nhiệm về tiền giả, còn các trách nhiệm khác liên quan đến kết nối giao dịch, bảo mật sẽ do chủ sở hữu và đơn vị quản lý cây nạp tiền chịu trách nhiệm.
Ông Xứng cũng cho hay, hiện nay nhóm thực hiện dự án hệ thống máy nạp tiền di động kể trên đã liên kết với CTCP dịch vụ nền di động Việt Nam – đơn vị sở hữu ví điện tử Vimass - để triển khai thử nghiệm hệ thống công nghệ này. Hiện, các cây nạp tiền di động Vimass đầu tiên đã hoàn tất và 100% các giao dịch đều được chứng thực bằng chữ ký số. Chi phí để đầu tư cây nạp tiền di động chỉ khoản 100 triệu đồng/máy ATM (giảm 2-3 lần so với chi phí đầu tư máy ATM truyền thống của các NHTM).
Vị đại diện Cục Quản lý mật mã dân sự cũng thông tin, mọi giao dịch mở tài khoản hoặc nạp tiền bằng máy nạp tiền di động như trên đều được áp dụng biện pháp bảo mật mức D - mức cao nhất theo Quyết định 630/QĐ-NHNN của NHNN (áp dụng từ 1/1/2019) và phù hợp với chuẩn quốc gia theo Thông tư 161/2016/TT-BQP của Bộ Quốc phòng về ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về mật mã dân sự sử dụng trong lĩnh vực ngân hàng. Chính vì vậy, trong những năm tới việc phát triển hệ thống cây nạp tiền di động sẽ được nghiên cứu, hoàn thiện và kết nối đến hệ thống các NHTM trong cả nước. Khi đó, các NHTM có thể dùng chung các cây nạp tiền mà không cần phải đầu tư các mẫu khác nhau như các mẫu cây ATM như hiện nay. Việc kết nối các máy nạp tiền với tài khoản ngân hàng và hệ thống với hệ thống xử lý dữ liệu đều được số hóa và bảo mật bằng công nghệ chữ ký số dựa trên nền tảng sinh trắc học vân tay và cơ sở dự liệu định danh công dân quốc gia.
Tại Cyber Security 2018, các nội dung liên quan đến: An toàn, bảo mật thông tin trong hệ sinh thái thành phố thông minh; xu hướng công nghệ bảo mật thanh toán hiện đại; hệ thống phòng thủ mạng trong doanh nghiệp; và các giải pháp an ninh cho điện toán đám mây và các ứng dụng tài chính… sẽ lần lượt được các chuyên gia trong và ngoài nước chia sẻ và thảo luận. Trong ngày mai (29/11), các chuyên đề liên quan đến hoạt động thanh toán và số hóa ngân hàng bán lẻ như: giải pháp phát triển thanh toán không dùng tiền mặt an toàn; xây dựng hệ sinh thái cho ngân hàng bán lẻ trên nên tảng công nghệ số; an ninh mạng và bảo mật thanh toán – yếu tố then chốt để nâng cao hiệu quả hoạt động và mở rộng khách hàng… sẽ tiếp tục được các diễn giả trình bày và chia sẻ. |