Cách mạng công nghiệp 4.0: Cơ hội song hành cùng thách thức
Muốn thành công phải có đột phá về giáo dục | |
Để không lỡ “chuyến tàu” Cách mạng Công nghiệp 4.0 |
Tận dụng cơ hội nhiều tiềm năng
Theo bà Hồ Thị Kim Thoa, Thứ trưởng Bộ Công Thương, với nội dung cơ bản là tạo ra cấu trúc và sự vận hành mới cho nền sản xuất dựa trên ứng dụng công nghệ cao, mạng lưới Internet của vạn vật, trí tuệ nhân tạo... Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 dựa trên nền tảng công nghệ số và tích hợp tất cả các công nghệ thông minh để tối ưu hóa quy trình, phương thức sản xuất… Điều này sẽ tác động lớn đến công nghệ in 3D, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ tự động hóa, robot…
Ảnh minh họa |
Trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, viễn cảnh các nhà máy thông minh trong đó các máy móc được kết nối Internet và liên kết với nhau qua một hệ thống có thể tự hình dung toàn bộ quy trình sản xuất rồi đưa ra quyết định sẽ không còn xa vời.
Do đang trong giai đoạn khởi phát, nên đây là cơ hội quý mà Việt Nam phải nhanh chóng đón bắt để tranh thủ đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và sớm thực hiện được mục tiêu trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
“Tuy nhiên, nếu không định hướng được rõ ràng mục tiêu, cách thức tiếp cận và tham gia thông qua chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới giáo dục, phát triển khoa học và công nghệ phù hợp thì sức ép đặt ra cho Việt Nam bởi cuộc CMCN 4.0 là rất lớn”, bà Thoa nêu rõ.
Bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng - Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, Bộ Công Thương thì cho rằng, đặc trưng lớn nhất của kinh tế số là tính kết nối giữa các chủ thể và chu trình kinh tế nhờ vào sự phát triển của hạ tầng CNTT và Internet, mà đỉnh cao là mạng lưới vạn vật kết nối.
Tính kết nối cao độ này giúp tối ưu hóa các nguồn lực để sản xuất ra những sản phẩm đáp ứng tốt nhất với nhu cầu của thị trường, giúp lược bỏ nhiều khâu trung gian trong dây chuyền cung ứng và tăng cơ hội tiếp cận chuỗi giá trị toàn cầu cho các chủ thể của nền kinh tế.
Tại Việt Nam, đến thời điểm này, kinh tế chia sẻ chưa thực sự phát triển, mặc dù việc cho thuê những tài sản ít sử dụng đã và đang tồn tại. Tuy nhiên, một khảo sát mới công bố của Công ty Nielsen cho thấy kinh tế chia sẻ có tiềm năng lớn để phát triển tại Việt Nam.
Theo khảo sát, cứ bốn người Việt được hỏi thì có ba người cho biết thích ý tưởng kinh doanh về mô hình này (chiếm 75%). Mức độ sẵn sàng về ứng dụng TMĐT của người dân và DN cũng như quy mô thị trường TMĐT cũng ở mức trung bình khá của khu vực.
Theo Báo cáo Thương mại điện tử Việt Nam 2016, giá trị mua hàng trực tuyến của một người trong năm ước tính đạt khoảng 170$ và doanh số thu từ TMĐT B2C đạt khoảng trên 5 tỷ USD, chiếm 3% tổng mức bán lẻ hàng hóa cả nước, ước tính tăng 20% so với năm 2015.
Xét lại mô hình tăng trưởng
Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, thực tế Việt Nam đang đặt ra yêu cầu phải tái cơ cấu lại thị trường lao động gắn kết chặt chẽ với quá trình tái cơ cấu của ngành. Cụ thể: Tạo dựng môi trường và vị thế để lao động trình độ cao hoạt động; đổi mới giáo dục - đào tạo theo hướng chuẩn hóa, hiện đại; thực hiện đào tạo lại, đào tạo bổ sung cho lực lượng lao động có trình độ thấp, ưu tiên các kiến thức và kỹ năng liên quan tới ứng dụng công nghệ thông tin, tự động hóa, khả năng quản lý và phân tích thông tin…
“Thị trường lao động với trên 90% lao động trong lĩnh vực công nghiệp hiện là lao động giản đơn, trình độ tay nghề thấp đòi hỏi Chính phủ cần có một chương trình hỗ trợ riêng, tập trung vào việc nâng cao trình độ và tay nghề, kiến thức chuyên sâu của nhóm đối tượng này”, một chuyên gia đề xuất.
Cùng với vấn đề về giáo dục, một số chuyên gia còn nhấn mạnh đến việc muốn ứng dụng được công nghệ 4.0 thì con người phải có trí tuệ thì mới tham gia vào được quá trình sản xuất. Bởi lẽ một nền kinh tế sáng tạo thì bản thân từng con người trong đó phải có sự sáng tạo. Đây là thách thức cơ bản nhất của những nước đi sau, thậm chí còn bị đặt ra bên lề sự phát triển chung của toàn nhân loại.
Ở góc nhìn của mình, bà Louise Chamberlain, Giám đốc UNDP Việt Nam cho rằng, những đột phá về công nghệ sẽ giúp cải thiện mức hiệu quả và con người sẽ được tiếp cận với nhiều sản phẩm và dịch vụ mới có chất lượng tốt, bao gồm sức khỏe và giáo dục – với chi phí thấp hơn và tính hiệu quả cao hơn. Ở mức độ kinh tế vĩ mô, CMCN 4.0 sẽ có tác động tích cực đến lạm phát toàn cầu bởi các đột phá kỹ thuật sẽ giúp tiết kiệm đầu vào và do đó giảm áp lực chi phí.
Với tầm quan trọng sống còn của yếu tố con người đối với thành công của nền kinh tế, từ những kinh nghiệm cụ thể của Mexico về cải thiện giáo dục ở tất cả các cấp và các hành động quan trọng khác, bà Louise Chamberlain cho rằng Việt Nam cần xem xét nghiêm túc vấn đề này.
Th.S Trần Việt Hòa, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) thì cho rằng trong bối cảnh của CMCN 4.0, khi tri thức và khoa học công nghệ mới đã thay thế dần và giảm dần vai trò của các yếu tố đầu vào truyền thống (lao động, tài nguyên...) thì việc xem xét lại mô hình tăng trưởng là một yêu cầu cấp thiết. Cùng với khả năng tái phân bố lại hoạt động sản xuất mà biểu hiện rõ nét là xu hướng hồi hương các nhà máy chế tạo về lại các quốc gia phát triển sẽ buộc chúng ta xác định lại những động lực chính của quá trình công nghiệp hoá.
Cụ thể, Việt Nam cần thay đổi mô hình tăng trưởng, mô hình công nghiệp hoá, định hướng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, theo hướng: nâng cao chất lượng tăng trưởng dựa vào việc nâng cao năng suất lao động, nâng cao tỷ lệ đóng góp của các yếu tố về công nghệ, sáng tạo trong giá trị sản xuất công nghiệp.
Bên cạnh đó, quá trình công nghiệp hoá cần dựa vào việc nâng cao năng lực nội tại của nền kinh tế, khả năng cạnh tranh của các DN trong nước, tập trung xuất khẩu những sản phẩm có giá trị gia tăng cao mà Việt Nam có lợi thế cạnh tranh.
Ngoài ra, cần đẩy mạnh thu hút đầu tư, chuyển giao công nghệ từ các nước phát triển trong các ngành đòi hỏi trình độ công nghệ, trình độ quản lý cao; gắn thu hút đầu tư FDI với chuyển giao, hấp thụ công nghệ để tăng cường năng lực của DN nội địa, đào tạo và chuyển giao trình độ chuyên môn, kỹ năng cho người lao động.