Để không lỡ “chuyến tàu” Cách mạng Công nghiệp 4.0
Cách mạng Công nghiệp 4.0: Việt Nam cần chủ động để vượt lên | |
Hội nghị chuyên đề về Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 | |
Muốn thành công phải có đột phá về giáo dục |
Chính phủ trong thời gian gần đây đã nói nhiều tới cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) đang diễn ra mạnh mẽ. Đặc biệt trong kỳ họp thường kỳ tháng 3 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh đến chủ đề này, yêu cầu các bộ, ngành không chỉ dừng lại ở việc nói, mà phải thực sự hiểu và biết bản thân bộ, ngành mình phải làm gì để tận dụng được các thời cơ cũng như hóa giải được các thách thức của cuộc cách mạng này.
Việt Nam có thể bắt kịp và vượt lên?
Trước câu hỏi nêu trên, một số chuyên gia cho rằng: Trong ngắn hạn là khó khăn và trong trung hạn cũng là một vấn đề còn bỏ ngỏ lời giải. Bởi như theo lý giải của ông Đặng Việt Dũng, Giám đốc điều hành Uber Việt Nam, CMCN 4.0 về cơ bản là dựa trên nền kinh tế tri thức.
Khi rất nhiều công việc đã được “người máy hóa” rồi (người máy chiếm lĩnh nhiều công việc hiện nay) thì con người sẽ đóng vai trò rất quan trọng trong việc đưa ra các quyết định. Muốn vậy, phải có được những con người có tri thức, được giáo dục rất tốt để có thể đưa ra những quyết định chính xác nhất. Điều này đòi hỏi việc cải cách giáo dục là tất yếu. Nhưng dù cải cách giáo dục được thực hiện tốt thì cũng phải mất một thời gian nhất định mới cho thấy tác dụng.
Diễn đàn CEO 2017: “Cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 - được và mất” |
Bên cạnh đó, CMCN 4.0 rất mới nên nếu Việt Nam đón nhận và bắt kịp được nhanh, thì sẽ vừa giúp bắt kịp xu thế của thời đại, vừa giúp phát triển vượt lên. Tuy nhiên, điều đó phụ thuộc rất nhiều vào các chính sách đưa ra. Hiện nay, các chính sách của chúng ta vẫn đang phải ưu tiên việc giữ ổn định lên hàng đầu, nên sẽ cần thời gian để lồng ghép, chuyển hóa để bắt kịp xu hướng mới này. Ngoài ra, để nắm bắt được CMCN 4.0 thì bản thân các DN cần coi đây là thành phần cốt lõi chứ không chỉ dừng lại ở kỳ vọng và mong muốn.
Tuy nhiên, cũng có nhiều chuyên gia, lãnh đạo DN cho rằng, CMCN 4.0 là cơ hội lớn và Việt Nam hoàn toàn có thể đón đầu, tận dụng để vượt lên. Bởi nhìn ở góc độ nào đó, chính những nước đã phát triển, đã có yếu tố A - cơ sở vật chất, điều kiện, thế mạnh… từ các cuộc CMCN trước, sẽ gặp phải nhiều nguy cơ hơn khi chuyển sang yếu tố B - chưa từng tồn tại và phát triển hoàn toàn khác yếu tố A.
“Việt Nam đi sau trong 3 cuộc cách mạng trước, chúng ta xây dựng nền tảng chưa được bao nhiêu. Trong khi các nước phát triển thì đã bỏ hàng triệu tỷ USD vào đó rồi nên có dám bỏ đi không? Chắc chắn rất khó! Mình chưa có cái trước (yếu tố A) nên mình làm ngay cái mới (yếu tố B) thì rất thuận lợi. Đấy chính là cơ hội cho Việt Nam”, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) nhận định.
Cùng quan điểm trên, chuyên gia kinh tế, TS.Lê Đăng Doanh cho rằng, CMCN 4.0 là một động lực rất mạnh mẽ để Việt Nam đổi mới. “Tăng trưởng của Việt Nam hiện nay đã đến giới hạn tự nhiên của nó. Nếu không thay đổi, Việt Nam sẽ gặp thách thức rất lớn. Thế nên tôi kỳ vọng, vẫn có cơ hội để Việt Nam đuổi kịp, vượt lên”, TS. Doanh nói.
Cần sáng kiến và đột phá
Tại Diễn đàn CEO 2017 với chủ đề “Cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 - được và mất” do Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức mới đây, nhiều diễn giả tỏ ra rất hứng khởi trước cơ hội mà CMCN 4.0 mang đến cho kinh tế Việt Nam và cho chính các DN. Và có một tinh thần chung là Việt Nam sẽ không phải theo sau để bắt kịp cuộc cách mạng này, mà phải chủ động và vượt lên để hội nhập và tận dụng. Các chuyên gia cho rằng, nếu từ Chính phủ, người dân, đến DN cùng đồng lòng chung sức thì Việt Nam có thể phát huy được lợi thế mà không phải dân tộc nào cũng có được.
Theo ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT, cần sớm có một sách lược để ứng xử với CMCN 4.0 một cách phù hợp nhất. “Chúng ta cần nhanh chóng có nguồn lực số, một dân tộc lập trình; cần xây dựng những hệ sinh thái để khởi nghiệp; cần có những hạ tầng hiện đại để sẵn sàng đón tiếp làn sóng cuộc CMCN 4.0 này. Chúng ta cũng rất cần những thành phố thông minh để tạo ra sự cạnh tranh vượt trội ngay từ bây giờ”, ông Bình nói.
Đồng quan điểm, ông Hùng cho rằng chúng ta cần chia làm 2 phần việc: Một mặt tiếp tục những chương trình lớn như làm cho Boeing, cho các DN Nhật Bản, đào tạo những lập trình viên đẳng cấp… Mặt khác, chúng ta cũng đào tạo lập trình viên để giải bài toán của chính chúng ta. Và khi đó, có thể Việt Nam sẽ nhanh chóng tạo ra hàng triệu người có đầy đủ kỹ năng để “mua vé” và ung dung bước vào “chuyến tàu” CMCN 4.0…