Cải thiện chỉ số tiếp cận tín dụng: Cần sự vào cuộc của cả hệ thống
Trong những Nghị quyết 19, và nay là Nghị quyết 28 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, thì một trong những nhiệm vụ mà Chính phủ đặt ra là cải thiện và minh bạch hóa thông tin tín dụng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế được bình đẳng và thuận lợi hơn trong việc tiếp cận vốn tín dụng theo cơ chế thị trường với đích đến rõ ràng là đưa Việt Nam vào nhóm 30 nước đứng đầu trong nhóm các nước được Diễn đàn Kinh tế thế giới xếp hạng. Đây cũng là điều mà NHNN đã tích cực, chủ động tổ chức triển khai thực hiện nhiều năm qua, từ việc thành lập CIC đến các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn vay ngân hàng, từng bước cải thiện từng chỉ số thành phần có liên quan đến hoạt động ngân hàng.
Điều này có thể thấy rõ trong việc điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt của NHNN trong những năm qua nhằm kiểm soát lạm phát; ổn định lãi suất và kiểm soát tỷ giá. Những yếu tố này góp phần tạo nên một môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, nâng cao tính hấp dẫn của môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Đồng thời, tạo điều kiện cho các TCTD đảm bảo cân đối vốn và kịp thời hỗ trợ vốn phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; hỗ trợ giảm chi phí vay vốn cho các doanh nghiệp.
Khuôn khổ pháp lý đã được NHNN tập trung hoàn thiện để bảo vệ người cho vay, minh bạch thông tin tín dụng, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho ngân hàng thực hiện cho vay an toàn, hiệu quả, tăng khả năng tiếp cận tín dụng ngân hàng của người đi vay. Đặc biệt, việc ra đời Thông tư số 39/2016/TT-NHNN; Nghị quyết số 42/2017/QH14; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD… đã tạo cơ sở pháp lý xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm, xử lý các khoản nợ của các TCTD, đảm bảo quyền lợi người vay cũng như thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020.
Khả năng tiếp cận tín dụng đang ngày càng mở rộng với việc thực hiện có hiệu quả Đề án nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế đến năm 2020 (Quyết định số 1726/QĐ-TTg ngày 05/9/2016)… Chương trình kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp được triển khai sâu rộng trên toàn quốc cùng các chương trình tín dụng ưu đãi do chính các ngân hàng đưa ra; góp phần mở rộng cơ hội, tiết giảm chi phí sử dụng vốn cho cả doanh nghiệp và cá nhân.
Góp phần vào cải thiện khả năng tiếp cận tín dụng, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hoạt động thông tin tín dụng trong 5 năm qua đã có những bước tiến dài. Là một trụ cột quan trọng của cơ sở hạ tầng tài chính quốc gia, hiện Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia (CIC) đã mở rộng nguồn thông tin tới 100% các TCTD (kể cả gần 1.200 QTDND, các tổ chức tài chính vi mô), các bộ, ngành liên quan và trên 30 tổ chức tự nguyện để nâng cao chất lượng Cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng Quốc gia cả về chiều rộng và chiều sâu.
Để tiếp tục cải thiện chỉ số tiếp cận tín dụng, cần sự chung tay của các bộ ngành liên quan |
Năm 2019, CIC đặt mục tiêu nâng cao số lượng và chất lượng cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng quốc gia, phấn đấu nâng độ phủ thông tin lên trên 58%/dân số trưởng thành theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB); Phấn đấu mức tăng trưởng số lượng sản phẩm dịch vụ thông tin tín dụng cung cấp cho các TCTD từ 15-20%. Từ ngày 1/5/2019, CIC đã giảm giá 10% các sản phẩm thông tin tín dụng nhằm giúp ngân hàng và khách hàng tiết kiệm hàng tỷ đồng chi phí mua tin hàng năm, cũng như đẩy mạnh hơn việc vấn tin khách hàng, từ đó làm minh bạch hơn nữa hoạt động tín dụng của ngân hàng cũng như gia tăng cơ hội tiếp cận vốn ngân hàng của khách hàng.
Đặc biệt với Quỹ Tín dụng nhân dân, Tổ chức tài chính vi mô được hưởng mức giá bằng 20% so với mức giá sản phẩm tương ứng cung cấp cho TCTD. Ngân hàng Chính sách xã hội được áp dụng mức giá bằng 50% so với mức giá sản phẩm dịch vụ tương ứng cung cấp cho TCTD. Trước đó năm 2018, CIC đã thực hiện giảm giá dịch vụ 2 lần vào tháng 1/2018 (giảm 12%) và tháng 9/2018 (giảm 20%). Theo đánh giá của Nhóm WB, độ phủ thông tin tín dụng năm 2019 của Việt Nam được cải thiện lên 54,8%, chiều sâu thông tin tín dụng đạt 7/8 điểm, cao hơn mức bình quân các nước trong khu vực và khối OECD.
Tuy nhiên sự tụt hạng về chỉ số tiếp cận tín dụng tại Báo cáo Môi trường kinh doanh 2019 từ 29 xuống 32 đang là dấu hiệu cảnh báo cho công tác cải thiện chỉ số này trong những năm tiếp theo. Bởi Báo cáo của NHNN về cải thiện môi trường kinh doanh cho thấy, “qua nghiên cứu phương thức xác định điểm số tiếp cận tín dụng theo đánh giá của WB và kết quả tại báo cáo Môi trường kinh doanh 2019, NHNN nhận thấy những nội dung thuộc thẩm quyền quản lý của NHNN như thu thập và cung cấp thông tin của CIC và khuôn khổ pháp lý đối với hoạt động của công ty thông tin tín dụng tư nhân đều đã được WB ghi nhận và đánh giá tích cực tại các Báo cáo Môi trường kinh doanh 2009, 2011, 2014, 2015, 2016”. Trong khi đó từ 2015 đến 2017, khuôn khổ pháp lý tác động đến điểm số về quyền pháp lý tại Việt Nam không có nhiều sự thay đổi hiện đạt 8/12 điểm.
Như vậy dư địa cải thiện chỉ số này còn rất lớn với việc cải thiện thực trạng pháp luật về giao dịch bảo đảm, phá sản. Bên cạnh đó là những vướng mắc trong việc kết nối thông tin có ảnh hưởng trực tiếp đến chỉ số chiều sâu thông tin tín dụng liên quan đến chính sách cho phép các nhà cung cấp dịch vụ công ích (như điện, nước, mạng truyền thông…) cung cấp, chia sẻ thông tin về lịch sử giao dịch của khách hàng cho công ty thông tin tín dụng. Tuy nhiên, những vấn đề này nằm ngoài phạm vi quản lý và điều tiết của NHNN.
Ngày 29/3/2019, NHNN Việt Nam đã ban hành Tài liệu hướng dẫn Chỉ số Tiếp cận tín dụng theo tiêu chuẩn của WB nhằm hướng dẫn các bộ, cơ quan, địa phương có cách hiểu đúng, thống nhất về các chỉ số thành phần của Chỉ số Tiếp cận tín dụng, đánh giá thực trạng điểm số tiếp cận tín dụng của Việt Nam, các quy định pháp lý ảnh hưởng tới điểm số… để từ đó, phối hợp và đề xuất những khuyến nghị đối với các bộ, ngành nhằm cải thiện điểm số và thứ hạng chỉ số Tiếp cận tín dụng của Việt Nam.
Đặc biệt, thứ bậc xếp hạng không chỉ phụ thuộc vào mức độ cải thiện cơ chế, chính sách của một quốc gia mà còn phụ thuộc vào yếu tố khách quan như tốc độ cải thiện về mặt chính sách của các quốc gia khác. Hay nói cách khác một quốc gia không có sự cải thiện giữa các năm, hoặc cải thiện không đáng kể trong khi các quốc gia khác nếu có sự vượt trội thì thứ hạng của quốc gia không có sự cải thiện thường bị tụt hạng.
Vì vậy, để tiếp tục cải thiện chỉ số tiếp cận tín dụng, sự chủ động, tích cực cải thiện chỉ số này không chỉ cần nỗ lực NHNN mà cần sự chung tay của các bộ ngành liên quan trong việc hoàn thiện hành lang pháp lý cũng như chỉ đạo các đơn vị cung cấp dịch vụ công phối hợp cùng NHNN cung cấp thông tin để thông tin tín dụng không chỉ phủ rộng mà đủ sâu để trở thành điểm tựa niềm tin cho các NH khi xem xét cung cấp tín dụng cho DN và chính đơn vị cung cấp thông tin.