Cải thiện môi trường kinh doanh: Những nỗ lực chưa “cùng nhịp”
Những nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh (MTKD) của Việt Nam thời gian qua được các tổ chức quốc tế, cộng đồng DN trong và ngoài nước đánh giá cao. Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Minh Thảo, Phó trưởng ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - CIEM), kết quả thể hiện không đều ở các địa phương và vẫn có những nơi hầu như “chưa làm gì”…
Bà có thể cho biết cụ thể hơn về kết quả cải thiện MTKD và nâng cao năng lực cạnh tranh (NLCT) của Việt Nam trong năm qua?
Bà Nguyễn Minh Thảo |
Theo báo cáo NLCT toàn cầu 2015-2016 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), Việt Nam có sự cải thiện đáng kể về vị trí xếp hạng, khi tăng 12 bậc so với năm 2014, lên 56/140. Quan trọng hơn, Việt Nam đã liên tục có sự cải thiện về xếp hạng kể từ năm 2012, và năm 2015 đạt mức tăng bậc nhiều nhất. Trong khu vực ASEAN, NLCT của Việt Nam hiện đứng thứ 6, sau các quốc gia: Singapore (thứ 2); Malaysia (thứ 18); Thái Lan (thứ 32); Indonesia (thứ 37) và Philippines (thứ 47).
Bên cạnh đó, mức độ cải thiện về MTKD và NLCT của Việt Nam cũng đã được WB ghi nhận. Theo báo cáo Doing Business 2016, WB xếp hạng MTKD của chúng ta ở vị trí 90, tăng 3 bậc so với một năm trước, với 5/10 lĩnh vực có cải thiện. Trong đó, có những lĩnh vực cải thiện tốt như Tiếp cận điện năng 22 bậc; Khởi sự kinh doanh tăng 6 bậc; Tiếp cận tín dụng tăng 8 bậc...
Có được sự ghi nhận như vậy phần nào phản ánh những nỗ lực của Việt Nam trong việc tham gia hội nhập kinh tế quốc tế, với việc đàm phán và ký kết hàng loạt các Hiệp định thương mại tự do (FTA). Bên cạnh đó, những cải cách chính sách và thủ tục hành chính nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo MTKD thuận lợi hơn cho DN cũng bước đầu mang lại các tác động tích cực.
Điển hình như việc ban hành và chỉ đạo sát sao của Chính phủ trong việc thực hiện hai Nghị quyết số 19 (ngày 18/3/2014 và ngày 12/3/2015) về cải thiện MTKD, nâng cao NLCT; xây dựng, sửa đổi các bộ luật liên quan đến hoạt động kinh doanh theo chuẩn mực quốc tế như Luật DN, Luật Đầu tư, Luật Phá sản DN; ban hành Nghị quyết số 59 ngày 7/8/2015 về triển khai thi hành Luật DN và Luật Đầu tư; Quyết định số 2026/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu…
Còn những yếu tố chưa cải thiện, thậm chí suy giảm thì sao, thưa bà?
Tuy có những cải thiện được ghi nhận như vậy nhưng trên thực tế, DN vẫn đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Đơn cử như theo khảo sát của WEF, việc chính sách không ổn định, lao động đào tạo không phù hợp và ý thức lao động kém… là những khó khăn lớn nhất hiện nay của các DN. Cộng đồng DN, nhất là các DN tư nhân trong nước, cũng chưa nhận được nhiều sự hỗ trợ, hướng dẫn cần thiết từ cơ quan quản lý Nhà nước để có thể chuẩn bị được kế hoạch hội nhập phù hợp, qua đó hiện thực hóa các cơ hội có được.
Trong khi theo báo cáo NLCT toàn cầu 2015-2016 của WEF, trụ cột Hiệu quả thị trường hàng hóa của Việt Nam đứng vị trí 83, tụt 5 bậc so với năm trước đó, với đa số các chỉ số thành phần nằm ở nửa dưới của bảng xếp hạng. Còn theo Doing Business 2016, vẫn có những lĩnh vực chúng ta bị giảm bậc và điểm số như thời gian thực hiện các thủ tục cấp giấy phép xây dựng kéo dài thêm 52 ngày; số thủ tục trong đăng ký sở hữu tài sản tăng lên; chỉ số giao dịch thương mại qua biên giới giảm 1 bậc do các bất cập trong quản lý chuyên ngành…
Với những nỗ lực chúng ta đã và đang làm để cải thiện MTKD, vị trí xếp hạng của Việt Nam sẽ tiếp tục có sự cải thiện đáng kể |
Theo bà, nguyên nhân nào khiến chúng ta vẫn có những điểm hạn chế trong cải thiện MTKD như vậy?
Mặc dù chúng ta đã có nhiều nỗ lực cải thiện MTKD mạnh mẽ trong thời gian qua, nhưng kết quả của nó thì phải đến kỳ báo cáo đánh giá tiếp theo mới được ghi nhận. Do vậy trong năm 2015, MTKD và NLCT vẫn còn nhiều lĩnh vực chưa được cải thiện.
Nhưng điều khiến tôi quan ngại là sự vào cuộc chưa thực sự đồng bộ, quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương. Đơn cử, chúng ta thấy sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, NHNN, EVN… nên những lĩnh vực gồm Khởi sự kinh doanh, Thuế và Bảo hiểm xã hội, Hải quan, Tiếp cận tín dụng, Tiếp cận điện năng đã có sự cải thiện tốt trong thời gian vừa qua. Trong khi đó, các chỉ số có sự giảm điểm xếp hạng như Cấp phép xây dựng, Giao dịch thương mại qua biên giới… chưa có sự quan tâm sát sao của các cơ quan liên quan.
Đáng quan ngại nhất là thủ tục quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. Những bất cập của hoạt động này không chỉ là nguyên nhân dẫn tới thứ hạng chỉ số Giao dịch thương mại qua biên giới của Việt Nam liên tục giảm bậc trong hai năm gần đây (mỗi năm giảm 1 bậc), mà còn tạo gánh nặng cho DN, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới MTKD.
Đây là lĩnh vực đòi hỏi phải có sự vào cuộc của nhiều bộ, ngành (khoảng 10 bộ, cơ quan liên quan). Và điều đó cũng cho thấy, các bộ, ngành liên quan vẫn chưa cùng một nhịp trong nỗ lực cải cách.
Như bà nói, chúng ta có thể kỳ vọng vào việc cải thiện NLCT và MTKD trong năm nay?
Tôi tin rằng với những nỗ lực chúng ta đã và đang làm để cải thiện MTKD thì vị trí xếp hạng của Việt Nam sẽ tiếp tục có sự cải thiện đáng kể. Theo đó, tôi tin rằng các chỉ số về Khởi sự kinh doanh, Tiếp cận điện năng, Tiếp cận tín dụng, Thuế và bảo hiểm xã hội, Bảo vệ cổ đông thiểu số sẽ đạt được mục tiêu tối thiểu mức trung bình của nhóm nước ASEAN-4. Các chỉ số còn lại e rằng sẽ không đạt được mức độ cải thiện như kỳ vọng, nếu không có được sự vào cuộc quyết liệt và hợp tác tốt của các cơ quan quản lý có liên quan.
Nhìn chung, mục tiêu đạt được mức trung bình của nhóm nước ASEAN-4 trên tất cả các chỉ số MTKD vẫn là một thách thức và cần nỗ lực rất lớn. Và tất nhiên, để nâng cao NLCT cũng cần có sự hợp tác của cộng đồng DN. Các DN trong nước cần có một tâm thế chủ động, luôn sáng tạo và đổi mới, cập nhật nhanh chóng các thông tin về chính sách, cơ hội, thách thức từ các FTA mà Việt Nam tham gia.
Xin cảm ơn bà!