Cải thiện môi trường kinh doanh: Con đường nào để Việt Nam thăng hạng?
Ổn mà chưa ổn
Nhìn lại bảng xếp hạng môi trường kinh doanh 2014 (Doing Business - DB) của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam đứng thứ 99, giảm một bậc so với năm ngoái nhưng vẫn ở mức trung bình (trên tổng số 189 nền kinh tế). Con số ấy về cơ bản là chấp nhận được xét trong bối cảnh Việt Nam là quốc gia thuộc nhóm có thu nhập trung bình. Xét dưới những nghiên cứu cụ thể, lại cho thấy những điểm thú vị nhưng đáng để suy ngẫm.
Theo nghiên cứu của chuyên gia cải thiện môi trường kinh doanh Olin McGill thuộc USAID GIG (dự án Quản trị nhằm tăng trưởng toàn diện của Cơ quan Phát triển Hoa Kỳ), chỉ số DB dường như cho thấy mối quan hệ thuận chiều với sự thịnh vượng. Chuyên gia này dẫn chứng, mức GNI năm 2012 trung bình ở các quốc gia có xếp hạng DB 2014 từ 1-30; 31-60; 61 – 90; 91 – 120 lần lượt là 35.155 USD; 20.642 USD; 10.348 USD; 7.545 USD. Tuy nhiên với thứ hạng 99, Việt Nam chỉ có GNI ở mức 1.400 USD, thấp hơn tới 6.145 USD so với mức trung bình của nhóm các nước nằm trong xếp hạng 91-120.
Thậm chí, nếu nhìn xuống cả những nhóm dưới nữa, GNI của Việt Nam cũng không bằng. Cũng theo ông Olin McGill, nhìn từ giai đoạn 2004 đến nay, xu hướng cải thiện thu nhập GNI ở Việt Nam khá tích cực, song so với trung bình thế giới, hay với những quốc gia trong khu vực như Trung Quốc, Malaysia thì tốc độ lại không bằng, dẫn tới thực tế khoảng cách GNI giữa Việt Nam với các nước và thế giới ngày càng rộng.
Thực tế này đặt ra vấn đề, Việt Nam phải nỗ lực vươn lên cải thiện hơn nữa môi trường kinh doanh. Không ám chỉ Việt Nam nhất nhất phải đạt được mức GNI ngang bằng với mức trung bình khi nằm trong nhóm xếp hạng trên nhưng chuyên gia Olin McGill cho rằng, mức chênh lệch này có thể giảm xuống nếu môi trường kinh doanh được cải thiện mạnh mẽ hơn.
Các chuyên gia khuyến nghị rút ngắn thời gian, thủ tục cho xuất khẩu - nhập khẩu
Chỉ 2 vấn đề đã thấy phức tạp
Cụ thể, trong “vô số” các chỉ số DB cần cải thiện hiện nay, chuyên gia Olin McGill tập trung vào một trong những chỉ số mà ông cho rằng cần ưu tiên cải thiện ngay là “Giao dịch thương mại qua biên giới”. Theo DB 2014, các DN tại Việt Nam đang mất tới 21 ngày để chuẩn bị các thủ tục, tài liệu cho xuất khẩu và nhập khẩu.
Theo chuyên gia này, thời gian như vậy vẫn quá dài và hoàn toàn có thể giảm xuống vì thời gian chỉ cần chậm lại một ngày sẽ ảnh hưởng 1% tới tổng kim ngạch của Việt Nam. Trong khi đó, nếu nỗ lực để đứng được trong tốp 10 nền kinh tế có chỉ số này tốt nhất thì có thể tạo thêm khoảng 3,5 triệu việc làm mới cho người lao động.
Đồng tình với quan điểm này, TS. Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, Việt Nam là một nền kinh tế rất mở với kim ngạch xuất nhập khẩu gần 300 tỷ USD/năm. Do vậy nếu giảm được chi phí, thời gian thì tác động mang lại cực kỳ lớn.
Bên cạnh đó, một vấn đề khác cần cải thiện là về chỉ số nộp thuế (Việt Nam đứng thứ 149 trong DB 2014). Ông Olin McGill khẳng định, con số 872 giờ mỗi năm mà các DN phải bỏ ra liên quan đến hoàn tất các nghĩa vụ thuế hiện nay là quá khủng khiếp. “Cần đẩy mạnh các nỗ lực để giảm mạnh thời gian này, đặc biệt là nộp phí bảo hiểm xã hội, thuế thu nhập DN và thuế giá trị gia tăng” – chuyên gia này nhấn mạnh.
Vi tính hóa, số hóa quá trình nộp thuế sẽ là cách thức quan trọng để giảm thời gian nộp thuế xuống. Theo tính toán của chuyên gia này, số lần nộp các loại thuế, phí này có thể giảm từ 32 lần hiện nay xuống 6 lần, qua đó giúp giảm đáng kể thời gian nộp thuế cho các DN. Bộ Tài chính Việt Nam đang quyết tâm giảm được 200 giờ trong tổng thời gian nộp thuế ngay trong năm nay.
Nhưng chuyên gia Olin McGill cũng lưu ý, trước khi vi tính hóa thì phải đơn giản hóa được các thủ tục trên giấy tờ trước đã. “Nếu như thủ tục trên giấy tờ còn phức tạp thì tự động hóa vẫn phức tạp. Hơn nữa khi áp dụng hệ thống trực tuyến mà thấy không hoạt động tốt thì cũng cần tìm hiểu ngay xem nguyên nhân ở đâu. Mà nguyên nhân đầu tiên cần làm rõ là lương đã đủ để đảm bảo đời sống “tươm tất” cho cán bộ thuế chưa?. Nếu câu trả lời là chưa thì chúng ta cũng sẽ hiểu được tại sao vấn đề vẫn phức tạp” - Olin McGill hàm ý tới vấn đề thu nhập của cán bộ, nhân viên làm trong ngành thuế hiện nay.
Theo các chuyên gia, thực tế lương của cán bộ thuế, hải quan có nơi cao hơn tối đa 2 lần so với công chức bình thường. Nhưng có lẽ như vậy vẫn chưa đủ, nên vẫn còn hiện tượng một số phần công việc dù đã được điện tử hóa nhưng vẫn “phức tạp”, DN vẫn phải mất nhiều thời gian và chi phí.
“Có một thực tế là vẫn có những cán bộ thuế giỏi bỏ đi để tìm các công việc khác” - bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội tư vấn Thuế Việt Nam cho biết. Để giữ chân những cán bộ có năng lực, đề xuất của bà Cúc là cần mạnh tay giảm biên chế với nhưng người không làm được việc. Đồng thời với những người làm việc tốt, cần tăng thêm lương cho họ mà không khống chế mức trên tối đa 2 lần như hiện nay.
Ngoài thu nhập, yếu tố quan trọng nữa là phải có các quy định, kỷ cương chặt chẽ, nghiêm khắc và minh bạch hơn loại được các biểu hiện nhũng nhiễu. Tóm lại, thể chế minh bạch đi cùng với quy trình rõ ràng và thu nhập xứng đáng là con đường để cải cách cho ngành thuế nói chung, cho chỉ số về nộp thuế nói riêng.
Đỗ Lê