Để cải thiện môi trường kinh doanh
Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh luôn được xem là điểm nóng. Các nước trong khu vực và thế giới không bao giờ dừng lại chờ chúng ta thay đổi để cùng tiến. Ngược lại, họ liên tục cải tiến, vì vậy chúng ta sẽ không theo kịp, không quyết liệt trong cải cách thì ắt chúng ta sẽ trở nên tụt hậu, chưa nói là lạc hậu.
Thủ tướng Chính phủ từng khẳng định: Việt Nam không thể chấp nhận vị trí hiện tại về môi trường kinh doanh (MTKD), mà cần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Điều này, chúng ta có thể làm được, không có lý do gì không cải thiện được... Tuy nhiên, thực tiễn đang cho thấy, còn rất nhiều việc phải thật kiên quyết xử lý mới đạt điều Thủ tướng yêu cầu.
Xung quanh vấn đề này, Thời báo Ngân hàng trích đăng một số ý kiến về một phần thực trạng hiện nay và khuyến nghị giải quyết.
TS.Lê Đăng Doanh: Nạn tham nhũng vặt rất phổ biến
TS.Lê Đăng Doanh |
Tham nhũng là vấn đề nhức nhối trong MTKD của Việt Nam. Nạn tham nhũng vặt rất phổ biến với DN, với người dân khi sử dụng dịch vụ công. Báo cáo điều tra DN về Tổn thất tham nhũng ở Việt Nam được DEPOCEN công bố tháng 8/2014 cho thấy, tham nhũng làm giảm đáng kể tốc độ tăng trưởng kinh tế, làm sai lệch phân bố nguồn lực, làm méo mó nguyên tắc cạnh tranh của kinh tế thị trường, giảm hiệu quả đầu tư, làm giảm đáng kể động lực đầu tư tư nhân, tạo việc làm và thu nhập của DN…
Nguy hại là một số tài năng sẽ bị hút vào những ngành tham nhũng. Nghiêm trọng hơn, một số chức vụ quan trọng được trao cho những người kém năng lực và đạo đức vì họ đút lót. Người có tài năng sẽ nản chí và bị gạt ra bên lề. Một số người trẻ nhìn thấy tấm gương tham nhũng, sẽ không học hành nghiêm túc, chỉ tìm cách "quan hệ, móc nối", đút lót để tiến thân, giáo dục sẽ bị biến dạng nghiêm trọng.
DN lương thiện, không đút lót sẽ bị thiệt thòi, có thể sẽ chán nản vì không thể cạnh tranh. Tham nhũng dẫn đến an toàn lao động, vệ sinh an toàn thực phẩm, ô nhiễm môi trường... không được kiểm soát vì có thể đút lót thanh tra để tiếp tục vi phạm. Tham nhũng trong đấu thầu, xây dựng cơ bản làm đội chi phí lên cao, chất lượng công trình thấp, không an toàn, dễ hư hỏng.
Tôi rất hoan nghênh Nghị quyết 19 của Chính phủ, tuy nhiên cần bổ sung thêm nội dung chống tham nhũng nữa. Nếu không hạn chế và kiểm soát được tham nhũng ở mức độ nhất định, MTKD của Việt Nam sẽ khó có thể được cải thiện một cách cơ bản.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban pháp chế VCCI: MTKD đang kém hấp dẫn hơn
Ông Đậu Anh Tuấn |
Các DN FDI đều chia sẻ cảm nhận chung là MTKD của Việt Nam đang kém hấp dẫn hơn các quốc gia cạnh tranh khác về tham nhũng, chi phí không chính thức, gánh nặng các quy định pháp luật, chất lượng dịch vụ công và chất lượng của cơ sở hạ tầng. Trong Chỉ số Năng lực cạnh tranh Toàn cầu 2014-2015 (GCI) được công bố mới đây, Việt Nam đứng thứ 75 về tham nhũng.
Để hiểu kỹ hơn về hoạt động tham nhũng tại Việt Nam, điều tra PCI-FDI đã đặt ra nhiều câu hỏi về những hoạt động kinh doanh mà DN FDI có nguy cơ đối mặt với tham nhũng. Khoảng 17% các DN thừa nhận đã trả tiền bôi trơn để có được giấy phép đầu tư, và 31% trả hối lộ khi cạnh tranh giành các hợp đồng của Chính phủ. Câu hỏi tiếp theo là DN có gặp bất lợi trong quá trình đấu thầu nếu họ từ chối chi tiền hoa hồng không. 89% trả lời họ ít nhiều đều gặp bất lợi.
Trên 66% DN đã chi trả chi phí không chính thức khi làm thủ tục tại cảng, tăng gần 9 điểm % so với năm ngoái và là con số cao kỷ lục qua tất cả các kỳ điều tra PCI-FDI. Trên 60% DN đồng ý với nhận định rằng, các cán bộ nhà nước sử dụng việc giám sát tuân thủ pháp luật ở địa phương để đòi hỏi chi phí không chính thức từ các DN, tăng hơn 14 điểm % so với năm ngoái và cao gấp hai lần tỷ lệ DN đồng ý với nhận định này trong các năm trước. Và 22% DN lựa chọn không sử dụng tòa án khi có tranh chấp vì họ quan ngại về tình trạng “chạy án” trong quá trình giải quyết.
Chi phí hối lộ cũng tăng lên, khoảng 32% DN cho biết tổng số tiền chi trả bôi trơn của họ lên tới hơn 1% thu nhập mỗi năm, năm nay con số này là 38%.
PGS.TS. Ngô Trí Long: Cần tạo sức ép và quy trách nhiệm
PGS.TS. Ngô Trí Long |
Chính phủ tái khẳng định tiếp tục cải thiện MTKD, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia với việc ban hành Nghị quyết 19 và đã mang lại kết quả bước đầu.
Nhưng hiện nay, nhiều nội dung cải cách về cải thiện MTKD vẫn dừng lại ở trên văn bản của Chính phủ, bộ và cơ quan ngang bộ. Cần có những quy định rõ ràng hơn, đầy đủ hơn về trách nhiệm cùng những giải pháp cụ thể tạo ra sức ép phải thực hiện đối với các cấp thừa hành, trực tiếp. Nếu không, đội ngũ này sẽ có thể vô hiệu hóa những tiến bộ của các cải cách được đưa ra từ lãnh đạo cấp cao.
Nhìn chung, hiện đa số DN thường lo lắng về khả năng xuất hiện rủi ro đối với đối thủ đi cửa sau, đối thủ là “sân sau”, có “quan hệ” với các cơ quan công quyền. Phải tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng, ngăn chặn các DN “sân sau”, đi cửa sau. Việc ngăn chặn này không chỉ là biện pháp chống tham nhũng mà còn là cách cải thiện MTKD hữu hiệu.
Cần kiểm soát các dạng độc quyền ảnh hưởng đến lợi ích của DN và người dân. Trong nền kinh tế thị trường, mối lo thường trực của cơ quan chức năng là duy trì MTKD lành mạnh. Tuy nhiên, trong quá trình cạnh tranh, thường xuất hiện các dạng độc quyền.
Muốn cải thiện xếp hạng MTKD, các cơ quan quản lý cần đổi mới từ nhận thức và cách tiếp cận với các giải pháp, nếu không rất khó đạt mục tiêu.
Cần có hệ thống đánh giá, giám sát kết quả thực thi cải thiện MTKD. Không chỉ nghe các cơ quan chức năng báo cáo kết quả về các chỉ số cải thiện mà cần có điều tra do tổ chức độc lập thực hiện để đánh giá khách quan, trung thực những kết quả cải cách.
Tham nhũng là lĩnh vực mà Việt Nam gần đây bị các nhà đầu tư đánh giá khá thấp trong các bảng xếp hạng quốc tế. Năm 2014, Việt Nam xếp thứ 119 trên 175 nước trong Chỉ số nhận thức tham nhũng của Tổ chức Minh bạch Quốc tế, xếp thứ 126 trong Chỉ số kiểm soát tham nhũng của Ngân hàng Thế giới và đứng thứ 74 trong Xếp hạng đánh giá rủi ro quốc gia. Trong tất cả các xếp hạng này, Việt Nam có số điểm khá xa so với điểm trung vị - nghĩa là 34% các quốc gia xếp hạng giữa Việt Nam và nước trung vị. |