Cải thiện môi trường kinh doanh: Cuộc đua không ngừng nghỉ
Cạnh tranh và chia sẻ
“Cuộc cạnh tranh giữa các địa phương để thu hút nguồn lực là một vòng xoáy vô cùng, không có nhiều không gian cho sự dừng lại, thậm chí là dừng lại chỉ để nghỉ ngơi”. Những dòng chia sẻ đầy tâm huyết của Bí thư tỉnh uỷ Đồng Tháp, ông Lê Minh Hoan trên tờ báo của tỉnh này ít ngày qua phần nào cho thấy áp lực của các địa phương trong việc chạy đua cải thiện môi trường kinh doanh. Và việc DN giờ đây được chấm điểm điều hành của tỉnh qua khảo sát Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2014 đang tạo sức ép về cải cách lên chính quyền địa phương.
Năm nay, Đồng Tháp vươn lên xếp thứ 2/63 tỉnh, thành phố về PCI, tăng 4 bậc so với năm trước đó, góp phần giữ vững vị trí trong nhóm dẫn đầu liên tục kể từ khi công bố bảng xếp hạng hàng năm. Với Đồng Tháp, cũng như nhiều tỉnh thành khác, PCI đã tạo đà cho một cuộc chạy đua “vượt lên chính mình” để nâng cao năng lực cạnh tranh của địa phương.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Ban Pháp chế - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) – cơ quan phối hợp thực hiện PCI cho rằng, PCI đã tạo ra 4 tác động lớn nhất và có ý nghĩa quan trọng nhất. Đầu tiên là thay đổi tư duy của bộ máy chính quyền về chất lượng điều hành.
Trước đây khi nói tới môi trường kinh doanh, người ta thường chỉ nói tới địa lý, cơ sở hạ tầng, nhân lực… Nhưng 10 năm qua đã có sự thay đổi lớn trong nhận thức về vai trò, ý nghĩa của chất lượng điều hành, đặc biệt là bộ máy lãnh đạo tỉnh.
Thứ hai, PCI trao quyền cho các DN đánh giá chính quyền. Điều này là bước chuyển biến lớn bởi nhiều năm trước, phần lớn các quan điểm đều cho rằng “DN có quyền gì mà đánh giá chính quyền!”.
Thứ ba, PCI mang ý nghĩa thúc đẩy cải cách. Cuối cùng, nó góp phần đẩy mạnh liên kết vùng và chia sẻ kinh nghiệm giữa các tỉnh. “PCI thôi thúc các địa phương, buộc họ nghĩ rằng nếu Đà Nẵng, Đồng Tháp, Bình Dương, Bắc Ninh… làm được thì tại sao địa phương của tôi lại không làm được? Các mô hình đối thoại với DN ở Lào Cai, về thủ tục đất đai ở Đà Nẵng… đã mang lại nhiều hiệu quả, nhờ đó đã được chia sẻ và nhân rộng”, ông Đậu Anh Tuấn dẫn chứng.
Còn theo những chia sẻ của Bí thư tỉnh uỷ Đồng Tháp Lê Minh Hoan, thì cùng với PCI, tỉnh này đã trải qua cả một hành trình thay đổi tư duy của bộ máy công quyền. “Chúng ta mạnh dạn thay đổi từ nhận thức đến hành động, từ ứng xử theo kiểu xin - cho đến đồng hành cùng DN, từ suy nghĩ cho DN đến suy nghĩ như DN, từ tư duy quản lý, điều hành DN đến kiến tạo môi trường tốt nhất cho hoạt động của DN”, ông Hoan chia sẻ.
Đà Nẵng lấy lại vị trí đứng đầu trong bảng xếp hạng cạnh tranh cấp tỉnh |
Cuộc đua cải cách “nhiều, tốt, mạnh”
Đại diện địa phương dẫn đầu PCI năm nay, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho biết, với tỉnh này việc trụ hạng là cả một vấn đề hết sức to lớn. Vì trong cuộc cạnh tranh này, không chỉ là các địa phương với nhau, mà còn cả với các nước trong khu vực. Tất cả cùng cải cách, nên khác biệt chỉ ở chỗ ai cải cách nhiều hơn, tốt hơn, mạnh mẽ hơn.
Theo ông Thơ, thời gian tới môi trường cạnh tranh giữa các tỉnh trong nước, hay giữa các nước trong khu vực cũng như toàn thế giới sẽ ngày càng quyết liệt, gay gắt hơn để thu hút đầu tư. Không chỉ Đà Nẵng mà các tỉnh thành khác phải hết sức vất vả với nỗ lực đưa ra các chính sách, chủ trương, biện pháp mới. DN ngày càng khó tính hơn, đòi hỏi nhiều hơn và chính quyền phải đưa ra cái mới hơn, thiết thực hơn nữa cho DN.
Còn đối với tỉnh Đồng Tháp, ông Châu Hồng Phúc, Phó chủ tịch UBND tỉnh cho biết, vấn đề quan trọng là tiếp tục phát huy điểm mạnh, hạn chế điểm yếu. “Trước mắt có 3 điểm yếu mà chúng tôi khắc phục từ từ và thấy có chuyển biến hàng năm là cải cách thủ tục hành chính, cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng. Đây là những điểm nghẽn mà chúng tôi sẽ tiếp tục tập trung khắc phục thời gian tới”, ông Phúc bộc bạch.
Chính quyền tỉnh Đồng Tháp luôn nêu cao khẩu hiệu “đồng hành cùng DN” trong toàn bộ bộ máy chính quyền, xem sự phát triển của DN là trách nhiệm của chính quyền tỉnh. Vì vậy, tỉnh xác định phải chủ động tiếp cận gặp gỡ DN, tìm hiểu nắm bắt thuận lợi và khó khăn của DN, cái gì DN đề nghị mà thấy làm được thì đáp ứng ngay. Trên cơ sở đó, DN yên tâm để phát triển và tiếp tục đầu tư ở địa bàn.
Theo ông Phúc, một vấn đề mấu chốt nhất là xây dựng chính quyền thân thiện để DN tin tưởng rằng, đầu tư ở đây thì quyền lợi của DN luôn được đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật; được tạo mọi điều kiện thuận lợi trong khuôn khổ pháp luật cho phép; những khó khăn luôn được tháo gỡ kịp thời…
Ông Doãn Văn Hưởng, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai, địa phương xếp ở vị trí thứ 3 trong bảng xếp hạng PCI năm nay lại đặc biệt nhấn mạnh tới vai trò người lãnh đạo chính quyền tỉnh. Ông Hưởng nhìn nhận, PCI thể hiện rõ năng lực bộ máy chính quyền. Vì vậy để cải thiện, đầu tiên lãnh đạo phải thực sự năng động, thấy được vai trò DN. DN có môi trường tốt, sẽ đem vốn đầu tư phát triển.
Ông khẳng định, những điểm mạnh nổi bật mang tới thứ hạng cao cho Lào Cai là sự minh bạch trong các thủ tục hành chính. Theo các lĩnh vực tỉnh thường xuyên tổ chức các buổi làm việc, nghe DN phản ánh và trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho DN. Với những vấn đề lớn cần giải quyết, có thể thành lập các ban chỉ đạo trực tiếp tháo gỡ khó khăn cho DN đối với các dự án có tính chất trọng điểm…