Nâng cao năng lực cạnh tranh để đón các FTA
Xuất khẩu của Việt Nam dự báo sẽ tăng mạnh sau khi TPP được ký kết |
Cơ hội lớn từ hội nhập
Phát biểu tại diễn đàn, AmCham và EuroCham đều đánh giá cao những nỗ lực và kết quả đã đạt được của Việt Nam trong việc cải thiện môi trường kinh doanh. “EuroCham rất phấn khởi ghi nhận những nỗ lực gần đây của Chính phủ Việt Nam trong việc cải thiện môi trường kinh doanh và tăng khả năng cạnh tranh của Việt Nam, ví dụ như thông qua việc ban hành Nghị quyết số 19/NQ-CP/2015 ngày 12/3/2015”, ông Tomaso Andreatta - Phó Chủ tịch EuroCham cho biết trong bài phát biểu của mình tại Diễn đàn.
Trong khi AmCham ghi nhận, Việt Nam đã rất thành công trong hội nhập kinh tế quốc tế nói chung và hội nhập kinh tế với Mỹ nói riêng. Điều đó thể hiện qua con số tổng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Mỹ trong năm 2014 tăng tới 20%, đạt 36,3 tỷ USD và dự báo đến năm 2020 con số này có thể tăng lên 72 tỷ USD. Không những vậy, năm 2014, Việt Nam cũng đã vươn lên trở thành nhà cung cấp hàng đầu ASEAN cho thị trường Mỹ khi chiếm tới 22% tổng kim ngạch xuất khẩu của các nước ASEAN sang Mỹ, và có thể đạt 30% năm 2020.
Bên cạnh đó, các tổ chức quốc tế đều cho rằng các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đang đàm phán và ký kết vào thời gian tới như FTA Việt Nam – EU, TPPP cũng như việc Việt Nam tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) sẽ thúc đẩy sự tăng trưởng lâu dài cho nền kinh tế Việt Nam.
Theo Eurocham, việc ký kết FTA này sẽ giúp Việt Nam thành công trong việc cải cách nền kinh tế, từ đó gia tăng niềm tin của các nhà đầu tư quốc tế và khuyến khích trao đổi thương mại ở phạm vi toàn cầu. Không chỉ vậy, việc tiếp tục mở cửa thị trường để thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài có thể giúp tăng cường chuyển giao kỹ năng và công nghệ, yếu tố này sẽ giúp Việt Nam tránh khỏi "bẫy thu nhập trung bình".
Trong khi AmCham cho rằng, với các hoạt động đổi mới và cải cách, Việt Nam nhìn chung có thể được hưởng lợi nhiều nhất từ TTP. AmCham dẫn chứng qua tính toán của một số chuyên gia rằng với TTP, xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng 28,4%. Ngoài ra, mức tăng trưởng GDP với TTP dự kiến rất cao. Theo Ngân hàng Thế giới, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hàng năm của Việt Nam là 7,4% trong giai đoạn 1990-2007, và dự báo đạt 5,6% trong giai đoạn 2008-2018. Với TPP, GDP của Việt Nam năm 2025 có thể cao hơn so với ước tính đường cơ sở là 10,5%.
Nâng cao năng lực cạnh tranh
Tuy nhiên, các tổ chức quốc tế đều cho rằng, Việt nam cần tiếp tục cải cách và nâng cao hơn nữa năng lực cạnh trành để đón các cơ hội mà hội nhập mang lại.
Theo AmCham, phải nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp hướng tới hội nhập kinh tế quốc tế. Sở dĩ như vậy do năng lực của các doanh nghiệp vừa và nhỏ (“SMEs”) tại Việt Nam nhìn chung còn yếu để có thể tham gia vào chuỗi cung ứng cho các nhà máy FDI. Chỉ 36% trên tổng số doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào mạng lưới sản xuất theo định hướng xuất khẩu, so với gần 60% ở Malaysia và Thái Lan. Chỉ có 21% các SMEs Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, và sự đóng góp của SMEs trong kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam thấp hơn nhiều so với các nước khác...
Cho rằng, phát triển kinh tế - xã hội trong tương lai sẽ phụ thuộc vào khả năng hội nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu để có thể hưởng lợi từ các nguồn vốn và công nghệ trên thế giới, tiếp cận thị trường toàn cầu, AmCham khuyến nghị, cần ban hành pháp luật mới về SMEs và lựa chọn 5 lĩnh vực công nghiệp để phát triển các cụm công nghiệp và sản phẩm trong chuỗi giá trị: điện tử, dệt may, chế biến thực phẩm, máy móc nông nghiệp, du lịch.
Các kế hoạch hành động cần bao gồm hợp tác với khu vực tư nhân, đặc biệt là doanh nghiệp FDI, giúp Chính phủ và các doanh nghiệp xác định các chính sách ưu đãi để phát triển SMEs thành công ở các nước khác và các yêu cầu cho việc gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu và tăng cường hỗ trợ các cụm công nghiệp.
Ngoài ra, cần phải có một hệ thống giáo dục hiện đại để hỗ trợ sự phát triển nói trên; phát triển các nghiên cứu sáng tạo cho lĩnh vực sản xuất; áp dụng các quy chuẩn nguyên tắc thực hành kế toán được chấp nhận trên toàn cầu, các thủ tục hành chính thuế được sắp xếp hợp lý và minh bạch…
Không chỉ cộng đồng doanh nghiệp, theo AmCham, các cơ quan chính quyền địa phương và trung ương cũng cần nâng cao năng lực cạnh tranh và triển khai thủ tục được phân cấp trong vai trò nhà cung cấp các dịch vụ của Chính phủ cho các doanh nghiệp, chuẩn bị cho hội nhập kinh tế quốc tế.