Cần cải thiện đầu tư vào nông nghiệp
Thời gian gần đây, mặc dù đã có những DN lớn, với tài sản “tỷ đô” trên sàn chứng khoán đầu tư vào nông nghiệp như Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai với các mảng sản phẩm mía đường, bắp, cao su bắt đầu tạo ra doanh thu và lợi nhuận và có xu hướng tăng dần. Do sản xuất quy mô lớn, kết hợp áp dụng khoa học kỹ thuật triệt để, nên sản phẩm nông nghiệp của Hoàng Anh Gia Lai có biên lợi nhuận lớn (30% - 40%), vượt xa so với các công ty cùng ngành (chỉ ở mức 10% - 20%).
Bên cạnh đó, còn là Tập đoàn Vingroup đầu tư 2.000 tỷ đồng vào Công ty VinEco sản xuất rau sạch, hay Tập đoàn Hòa Phát tham gia thị trường thức ăn chăn nuôi với vốn đầu tư là 300 tỷ đồng, kỳ vọng thị phần mục tiêu 10 năm tới là 10%...
90% DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp có vốn dưới 10 tỷ đồng |
Nhưng theo các chuyên gia, khả năng thu hút đầu tư vào nông nghiệp hiện còn rất thấp, chỉ chiếm 5,4% – 5,6% trong tổng mức đầu tư của toàn xã hội. Chỉ có 1% DN đầu tư vào nông nghiệp, và 90% DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp có vốn dưới 10 tỷ đồng. Trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), lĩnh vực nông nghiệp cũng rất khiêm tốn, chiếm 2,17% tổng vốn FDI vào Việt Nam. Trong nhiều năm liền, từ 2013 đến nay, mức độ tăng trưởng vốn FDI vào nông nghiệp chỉ trong khoảng 0,4% (2013) đến 1,6% (2015).
Ông Bùi Trinh, Chuyên gia kinh tế Tổng cục Thống kê cho rằng, không chỉ cơ cấu về giá trị gia tăng của nhóm ngành nông nghiệp giảm, mà tốc độ tăng trưởng của nhóm ngành này thấp và có xu hướng ngày càng sút giảm trong những năm gần đây. Nguyên nhân chủ yếu là do chi phí đầu vào tăng cao, khiến giá trị gia tăng của nhóm ngành nông nghiệp ngày càng xuống dốc.
Cụ thể ba năm trở lại đây, giá chi phí đầu vào của ngành nông nghiệp (giống, phân bón thuốc trừ sâu, thức ăn chăn nuôi...) ngày càng tăng, hầu hết phải nhập khẩu từ nước ngoài hoặc của các DN FDI.
Ngoài ra, chính sách thuế cũng góp phần làm tăng giá thành các sản phẩm này. Điều này khiến cho DN ngành nông nghiệp khi bán sản phẩm của mình trong nước không thể cạnh tranh về giá thành, triệt tiêu động cơ đầu tư để làm các sản phẩm phụ trợ.
Về thu hút vốn FDI, theo chuyên gia Vũ Thị Minh, Trường đại học Kinh tế quốc dân thì, ba năm gần đây thì tỷ lệ FDI trong lĩnh vực nông nghiệp trong tổng FDI đăng ký vào Việt Nam có tăng, nhưng chưa xứng với tầm của ngành sản xuất nhiều sản phẩm xuất khẩu chủ lực như nông nghiệp.
Con số tăng trưởng (so với các ngành khác) còn rất thấp, ba năm gần đây, từ 2013 - 2015, tỷ lệ FDI trong lĩnh vực nông nghiệp trong tổng FDI đăng ký vào Việt Nam tương ứng là 0,4% và 0,6% và 1,6%. Lý do việc vốn FDI ít đổ vào lĩnh vực nông nghiệp ở Việt Nam bao gồm thời gian thu hồi vốn dài và tỷ lệ lợi nhuận thấp, rủi ro cao, các chính sách chưa phù hợp…
Và mặc dù đã có 50 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam. Nhưng một phần ba tổng số lượng FDI đến từ Đài Loan và Hồng Kông. Các nước tiên tiến trong lĩnh vực nông lâm thủy sản như Hoa Kỳ, Pháp, Australia, Canada… chiếm tỷ lệ rất nhỏ về số lượng dự án và giá trị vốn.
Sự thành công của DN đầu tư vào nông nghiệp được nhìn thấy rõ nét nhất là khi niêm yết trên sàn chứng khoán. Hiện nay, quy mô DN nông nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán rất nhỏ, chỉ khoảng 20 DN. Quy mô vốn hóa của cả ngành cũng khá nhỏ, khoảng 3% vốn hóa toàn thị trường.
Trong đó, DN có quy mô vốn lớn nhất đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp hiện nay (khoảng 18.000 tỷ đồng) là Hoàng Anh Gia Lai. Kế đến là mía đường, thứ ba là thủy sản (Tập đoàn Minh Phú, Công ty cổ phần Hùng Vương). DN đầu tư vào nông nghiệp đang trong bối cảnh “kẻ ở người đi”. Và thực tế, thị trường cũng chứng kiến nhiều DN nhanh chóng rút khỏi lĩnh vực nông nghiệp sau một thời gian ngắn, khi giá các mặt hàng nông sản sụt giảm thất thường, thời tiết không thuận lợi…