Cần chính sách ổn định để đầu tư
Tiếp tục tháo rào cho môi trường đầu tư | |
Cơ hội đầu tư ngành chế biến thủy sản | |
Đầu tư giá trị trong xu thế tích cực |
Theo ông Nguyễn Nội, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, khu vực đầu tư nước ngoài thời gian qua đã đóng góp tích cực trong phát triển kinh tế, xã hội. Đầu tư nước ngoài chiếm 20% GDP và chiếm hơn 70% kim ngạch xuất khẩu. Các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài nhận định, Việt Nam có chi phí rẻ, chính sách thông thoáng, thuế ổn định.
Đặc biệt, trong 10 năm trở lại đây, Việt Nam đã tích cực thay đổi, bổ sung nhiều về khung pháp lý để phù hợp với thực tiễn hoạt động, kinh doanh của doanh nghiệp trong và ngoài nước. Tuy nhiên, việc cơ sở hạ tầng còn chưa cân xứng, chất lượng nhân lực chưa phù hợp và một số chính sách không nhất quán đã khiến các nhà đầu tư nước ngoài (nhất là doanh nghiệp các nước châu Âu, Hoa Kỳ) chưa thật sự an tâm để tăng đầu tư vào Việt Nam.
Các nhà đầu tư Hoa Kỳ và EU rất quan tâm đến Việt Nam |
Mặc dù vậy, thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam đang rất khả quan. Cụ thể, đến ngày 20/12/2017, cả nước có gần 25.000 dự án còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký khoảng 318,72 tỷ USD. Trong đó, vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 172,35 tỷ USD, bằng 54% tổng vốn đăng ký còn hiệu lực.
Riêng trong 12 tháng của năm 2017 tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài là 35,88 tỷ USD, tăng 44,4% so với cùng kỳ năm 2016. Khu vực đầu tư nước ngoài đóng góp quan trọng vào kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam. Với kim ngạch xuất khẩu (chưa tính dầu thô) đạt 152,34 tỷ USD, tăng 23% so với cùng kỳ 2016 và chiếm 71,2% kim ngạch xuất khẩu.
Các doanh nghiệp nước ngoài đã đầu tư vào 19 (trong 21) ngành, trong hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng cao nhất với 58,4% tổng vốn đầu tư, tiếp theo là các lĩnh vực kinh doanh bất động sản, chiếm 16,7% tổng vốn đầu tư, đến sản xuất, phân phối điện, khí, nước chiếm 6,5% tổng vốn đầu tư. Đến nay đã có 125 quốc gia, vùng lãnh thổ có dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam. Trong đó, đứng đầu là Hàn Quốc chiếm 18,1% tổng vốn đầu tư, Nhật Bản đứng thứ hai, chiếm 15,5%, tiếp theo lần lượt là Singapore và Đài Loan, Hồng Kông...
Nếu so sánh với các nước trong khối ASEAN thì Việt Nam hiện đang dẫn đầu về thu hút đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, nhìn vào 115 quốc gia, vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam năm 2017, thì thấy hầu hết là ở khu vực châu Á, rất hiếm có nhà đầu tư đến từ châu Âu, Hoa Kỳ.
Bức tranh này cho thấy, việc thu hút đầu tư từ những tập đoàn đa quốc gia đến từ châu Ấu, Hoa Kỳ như Intel, Wallmart hay Siemens... của Việt Nam vẫn chưa đạt được.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI cho rằng, hiệp hội doanh nghiệp của nhiều quốc gia hay khu vực lớn trên thế giới hiện đã có mặt tại Việt Nam như Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (EuroCham), Hiệp hội Thương mại Mỹ (AmCham) để làm cầu nối cho các doanh nghiệp của mình đến Việt Nam tìm kiếm cơ hội đầu tư.
Nhìn chung, các nhà đầu tư Hoa Kỳ và EU rất quan tâm đến Việt Nam, nhưng họ ít thành công hơn nhà đầu tư châu Á, vì thị trường Việt Nam có quy mô nhỏ, chưa đáp ứng được những yêu cầu về độ minh bạch. Ngoài ra, bên cạnh sự khác biệt về văn hóa thì những thay đổi chính sách đối với các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam cũng khiến các doanh nghiệp lưỡng lự.
Những vướng mắc về chính sách đầu tư nước ngoài có trong rất nhiều lĩnh vực tại Việt Nam như, chế biến gỗ, sản xuất ô tô, thép, vận tải, y tế... Cụ thể, như quy định doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài nhập khẩu thuốc (dược phẩm), không được thực hiện việc trực tiếp phân phối thuốc, nguyên liệu làm thuốc, vận chuyển, bảo quản thuốc... Quy định này khiến doanh nghiệp nước ngoài không thiết lập được cơ sở lưu trữ thuốc, trong khi đây là một lĩnh vực được phép theo Luật Dược phẩm 2016 và cam kết của Việt Nam trong Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)...
Ông Nguyễn Nội cho rằng, việc thu hút đầu nước ngoài hiện nay còn nhiều bất cập, cần điều chỉnh phù hợp với hoàn cảnh mới, để Việt Nam chủ động hơn trong hội nhập kinh tế quốc tế.