Cơ hội đầu tư ngành chế biến thủy sản
Cấp bách tìm cách xóa thẻ vàng | |
Thị trường tiềm năng cho cá tra Việt | |
Việt Nam đã tận dụng tốt các cam kết FTA |
Ngày 26/12/2017, CTCP Kiên Hùng đã chính thức niêm yết 10,7 triệu cổ phiếu KHS trên HNX với giá tham chiếu 14.500 đồng/cổ phiếu. Kết thúc ngày giao dịch đầu tiên, đã có 6.900 cổ phiếu đã được khớp lệnh với giá 15.300 đồng/ cổ phiếu. Các chuyên gia cho rằng, dù khối lượng giao dịch còn nhỏ vì NĐT đang nghe ngóng, nhưng với mức giá khớp lệnh tăng 800 đồng/ cổ phiếu cho thấy những đánh giá tốt về mã cổ phiếu này.
DN đã thành công trong việc chủ động kiểm soát đầu vào thông qua đa dạng hóa nguồn nguyên liệu |
Ông Trần Quốc Dũng, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc CTCP Kiên Hùng cho biết, đơn vị hiện đang sở hữu 3 nhà máy và 1 công ty con trực thuộc, với tổng giá trị tài sản cố định là 320 tỷ đồng, có công suất 43.500 tấn sản phẩm các loại/năm. Trong đó, nhà máy đông lạnh có công suất 1.500 tấn sản phẩm/năm và dự kiến sẽ có thêm nhà máy mới với công suất 3.000 tấn/năm đi vào hoạt động vào cuối năm 2018.
Ngoài ra, Kiên Hùng hiện đang triển khai một dự án nuôi tôm, cá với tổng diện tích vùng nuôi là 32ha… Tính đến thời điểm hiện tại, đây là DN đầu tiên vừa chế biến kinh doanh hàng thủy sản đông lạnh, vừa chế biến kinh doanh bột cá tại Kiên Giang.
Ông Dũng cho biết, tính riêng năm 2017, doanh số của công ty ước đạt khoảng trên 1.000 tỷ đồng, xuất khẩu trên 25 triệu USD tới 11 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Năm 2017, công ty dự kiến doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 1.092 tỷ đồng và 32,6 tỷ đồng, vượt kế hoạch đề ra và tăng trưởng 20% và 13% so với năm 2016.
Đánh giá về cơ hội đầu tư cổ phiếu KHS, ông Đặng Trần Hải Đăng, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, CTCP Chứng khoán Công thương Việt Nam (VietinBank Securities) cho biết, DN đã thành công trong việc chủ động kiểm soát đầu vào thông qua việc đa dạng hóa nguồn nguyên liệu tại cả thị trường nội địa và nhập khẩu. Yếu tố mùa vụ đã được công ty khắc phục bằng việc dự trữ nguyên liệu trong những tháng cao điểm để duy trì cho thời gian thấp điểm của nguồn cung ứng (chủ yếu tập trung vào tháng 11 đến tháng 3 hàng năm).
Đặc biệt trong bối cảnh cạnh tranh thu mua nguyên liệu đầu vào gia tăng, cũng như sự suy giảm nguồn lợi thủy sản, công ty đã nhập khẩu nguyên liệu để giải quyết và duy trì ổn định sản xuất, tạo việc làm cho người lao động, từ đó giảm thiểu tối đa rủi ro biến động nguyên liệu.
Đối với thị trường đầu ra, thị trường đầu ra của Kiên Hùng ổn định với các khách hàng lớn cả trong và ngoài nước khi có trên 90% doanh thu sản phẩm đông lạnh đến từ thị trường xuất khẩu lớn như Nhật, EU; trong đó Nhật Bản là thị trường truyền thống, chiếm tới trên 60%. Đối với sản phẩm bột cá, thị trường nội địa chiếm tỷ trọng trên 90% doanh thu, chủ yếu là các DN lớn có quan hệ lâu năm như Tong Wei, Cargill, Greenfeed… Hầu hết khách hàng lớn, truyền thống của Kiên Hùng đối với mảng bột cá đều là các DN hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất thức ăn chăn nuôi hiện nay.
“Ngay cả trong giai đoạn ngành thức ăn chăn nuôi gặp phải những khó khăn về thị trường tiêu thụ, nhưng nhờ uy tín trong suốt quá trình hoạt động mà công ty gần nhưng không chịu tác động tiêu cực nào, hiệu quả kinh doanh duy trì tương đối ổn định. Bên cạnh đó, công ty cũng đang đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường như Nhật Bản, Thái Lan… với mục tiêu hướng đến các khách hàng lớn và uy tín về thanh toán giúp cải thiện hơn nữa dòng tiền của DN”, ông Đăng nhận xét.
Ông Đăng cho rằng, KHS là CP tiềm năng khi trong 2 năm trở lại đây, tốc độ tăng trưởng bình quân doanh thu và lợi nhuận sau thuế công ty mẹ của KHS lần lượt đạt 13,7% và 69,2% - mức tăng trưởng rất khả quan so với bình quân DN niêm yết ngành là 6% và 24%.
Đặc biệt, theo kế hoạch kinh doanh giai đoạn 2018-2020, với đóng góp chính từ mảng thủy sản khi nhà máy đông lạnh mới sẽ đi vào hoạt động từ cuối năm 2018, tăng công suất lên gấp đôi đạt 3.000 tấn/năm, thì tốc độ tăng trưởng CAGR về doanh thu và lợi nhuận sau thuế công ty mẹ dự phóng lần lượt đạt 15% và 20%, cao hơn khá nhiều so với mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu bình quân toàn ngành khoảng 6-7%/năm trong cùng giai đoạn.