Tiếp tục tháo rào cho môi trường đầu tư
Cần một đầu mối giải quyết các vấn đề liên ngành | |
Thúc đẩy hoạt động trọng tài và hòa giải nhằm cải thiện môi trường kinh doanh | |
Minh bạch, thống nhất để tuân thủ tốt hơn |
Qua hơn 2 năm thi hành và được kiểm nghiệm qua thực tiễn, Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp đã góp phần xóa bỏ rào cản kinh doanh không phù hợp với kinh tế thị trường và cam kết hội nhập của Việt Nam, tạo cơ sở pháp lý cho việc cải thiện môi trường đầu tư theo hướng ngày càng thuận lợi, minh bạch và bình đẳng giữa các NĐT.
Ảnh minh họa |
Tuy nhiên, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), thực tế cho thấy vẫn còn rất nhiều dư địa chính sách và rào cản cần gỡ bỏ để cải thiện môi trường đầu tư theo hướng thông thoáng hơn nữa. Vì vậy, vừa qua cơ quan này đã xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp với rất nhiều vấn đề nội dung đáng chú ý.
Đối với mục tiêu cắt giảm các ngành, nghề và điều kiện kinh doanh, dự thảo luật đề xuất bỏ 21 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, không ảnh hưởng tới các vấn đề quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng theo quy định tại khoản 1 điều 7 Luật Đầu tư. Trong đó có một số ngành nghề đáng chú ý như kinh doanh dịch vụ mua bán nợ; xuất khẩu gạo; kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng thực phẩm đông lạnh; nhượng quyền thương mại; kinh doanh dịch vụ logistics…
Đối với mục tiêu hoàn thiện các quy định về thủ tục đầu tư, kinh doanh, dự thảo luật đã đề xuất rất nhiều thay đổi được đánh giá tích cực. Đơn cử như việc nâng thời hạn góp vốn khi thành lập DN từ 90 ngày lên 36 tháng. Một chuyên gia của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, quy định về thời hạn góp vốn khi thành lập DN trong 90 ngày đã nhận được rất nhiều ý kiến lo ngại của DN do thời gian đặt ra quá ngắn. DN lo ngại không đủ thời gian cần thiết cho thành viên, cổ đông góp vốn điều lệ, đặc biệt là các DN có vốn điều lệ lớn. Vì vậy việc kéo dài thời hạn này sẽ bảo đảm có đủ thời gian cần thiết để người thành lập DN góp vốn điều lệ.
Quy định khác tạo thuận lợi cho NĐT trong nước là bãi bỏ việc cấp Giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài. Theo đó dự thảo luật sửa đổi Điều 58, 59, 60 và 61 để đổi mới cơ chế quản lý hoạt động đầu tư ra nước ngoài theo hướng bãi bỏ thủ tục cấp Giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài, thay vào đó NĐT chỉ cần đăng ký hoạt động chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài tại cơ quan quản lý nhà nước về ngoại hối để thực hiện hoạt động đầu tư.
Không chỉ đơn giản hoá thủ tục cho NĐT trong nước, dự thảo luật còn đề xuất rất nhiều chính sách có lợi cho NĐT nước ngoài. Trong đó, thay đổi đáng chú ý nhất chính là việc bổ sung nguyên tắc không hồi tố đối với dự án đầu tư nước ngoài đã được cấp phép đầu tư khi có sự thay đổi pháp luật về điều kiện gia nhập thị trường của NĐT nước ngoài.
Theo Bộ KH&ĐT, nguyên tắc không hồi tố là biện pháp bảo đảm đầu tư quan trọng, góp phần tạo môi trường đầu tư an toàn, tin cậy, nhất là trong bối cảnh hệ thống pháp luật đầu tư đang trong quá trình hoàn thiện, có nhiều thay đổi gây xáo trộn hoạt động đầu tư.
Tuy nhiên, Luật Đầu tư hiện nay chỉ quy định bảo đảm ưu đãi trong trường hợp thay đổi luật pháp, chính sách và chưa quy định nguyên tắc không hồi tố về điều kiện đầu tư trong trường hợp chính sách thay đổi làm ảnh hưởng bất lợi đến điều kiện đầu tư đã được quy định tại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Ông Nguyễn Nội, Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài khẳng định, những thay đổi mà ban soạn thảo đề xuất trong dự thảo luật sẽ tạo điều kiện vô cùng thuận lợi cho NĐT. Bởi với việc bãi bỏ thêm 21 ngành nghề kinh doanh có điều kiện, tương đương giảm trên 100 điều kiện kinh doanh.
Ông Nội cũng cho biết, ngoài việc bổ sung nguyên tắc không hồi tố, trong tương lai cơ quan soạn thảo dự kiến sẽ tạo chính sách thuận lợi hơn cho NĐT theo hướng nếu các chính sách ra sau được ưu đãi nhiều hơn thì thực hiện theo chính sách ra sau. Như vậy, chính sách nào tạo điều kiện tốt nhất cho NĐT thì NĐT sẽ được lựa chọn và thụ hưởng chính sách đó.