Cần cơ chế khuyến khích phát triển tài chính vi mô
Người nghèo sẽ được tiếp cận ngân hàng di động | |
Citi hợp tác với ADB thu xếp nguồn vốn cho vay tài chính vi mô tại châu Á | |
Ngân hàng gõ cửa doanh nghiệp vi mô |
Dự án hỗ trợ kỹ thuật “Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và tăng cường năng lực quản lý, giám sát ngành tài chính vi mô (TCVM) tại Việt Nam” do Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) tài trợ đã kết thúc. Ngày 21/2, NHNN Việt Nam và AFD đã tổ chức buổi hội thảo để tổng kết Dự án này.
Mở cơ hội mô hình bán buôn của TCVM
Theo báo cáo tại hội thảo, Dự án trên có thời gian thực hiện 3 năm 6 tháng, gồm 5 hợp phần, tập trung vào các vấn đề như: phân tích khuôn khổ pháp lý và các quy định về ngành TCVM tại Việt Nam; Xây dựng khuôn khổ pháp lý, tăng cường năng lực quản lý ngành TCVM; Đánh giá về tổ chức, hoạt động và quản lý nhà nước đối với hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân tại Việt Nam.
Dự án Hỗ trợ kỹ thuật trên mang ý nghĩa lớn cho các tổ chức TCVM, các quỹ hỗ trợ tín dụng, đơn cử như Quỹ hỗ trợ tín dụng (Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam). Đến hết năm 2016, Quỹ đã phát ra 37 hợp đồng vay vốn cho 15/26 tổ chức TCVM và Quỹ xã hội thuộc hệ thống Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam với tổng dư nợ lũy kế là 108,9 tỷ đồng, tiếp cận hơn 50 nghìn lượt khách hàng là phụ nữ nghèo, khó khăn.
Cần có cơ chế chính sách khuyến khích, tạo điều kiện để ngành TCVM phát triển |
Nói về những hiệu quả của Dự án hỗ trợ kỹ thuật từ tài trợ của AFD, theo bà Đào Mai Hoa – Giám đốc Quỹ hỗ trợ tín dụng cho hay, Dự án đã giúp nâng cao năng lực các tổ chức TCVM tại Việt Nam, giúp họ có chiến lược phát triển chuyên nghiệp và thúc đẩy nhu cầu vay vốn của các đối tượng yếu thế trong xã hội, giúp họ dần cải thiện đời sống.
Về tác động trực tiếp, qua các hội nghị, hội thảo chuyên đề về TCVM được tổ chức trong khuôn khổ Dự án đã tạo diễn đàn, giúp Quỹ hỗ trợ tín dụng chia sẻ các kết quả, tác động của mô hình bán buôn mang lại cho ngành TCVM; Giúp các ngành chức năng, các cơ quan quản lý Nhà nước về TCVM hiểu hơn về sự cần thiết của bán buôn TCVM trong tình hình phát triển ngành TCVM tại Việt Nam.
Đi vào tổng quan thị trường TCVM, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai – Giám đốc Nhóm công tác TCVM Việt Nam đánh giá cao sự phát triển của TCVM tại Việt Nam những năm gần đây. Nhưng thực tế triển khai Dự án cho thấy lĩnh vực này cũng đang gặp khó khăn như thiếu vốn, nguồn vốn tài trợ giảm, năng lực của các tổ chức TCVM còn hạn chế, thiếu sự liên kết, các quy định pháp lý chưa hoàn thiện đã tác động tới tiếp cận dịch vụ tài chính của người nghèo.
Chính vì thế, số lượng người nghèo có khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính tại Việt Nam còn thấp, mặc dù nhu cầu vay vốn ngày càng cao. Dù phân khúc khách hàng là các đối tượng chính sách, người nghèo nhưng thị trường cũng đã mang tính cạnh tranh hơn.
Hiện các đối tượng như hộ nghèo, hộ cận nghèo, mới thoát nghèo… chủ yếu được vay vốn từ NHCSXH. Sự xâm nhập của các NH theo kiểu “NH cộng đồng” như MaritimeBank, VPBank, Sacombank… khiến thị trường cạnh tranh hơn và tạo ra thách thức cho các tổ chức TCVM.
Diện mạo mới và cơ hội cho ngành TCVM Việt Nam
Về cơ bản Dự án đã mang lại diện mạo tích cực với lĩnh vực TCVM của Việt Nam. Ông Manoj Pandey – Đại diện nhóm chuyên gia tư vấn của dự án cho biết, dự án đã cung cấp cho NHNN một khuôn khổ và lộ trình thông qua các kinh nghiệm quốc tế phong phú để có cơ sở hoàn thiện và mở rộng các quy định TCVM tại Việt Nam. Tiếp xúc và nâng cao năng lực của các cán bộ NHNN, để hiểu hơn và đánh giá đúng hơn vai trò quan trọng của cơ quan quản lý đối với sự phát triển của ngành TCVM nói chung và hệ thống quỹ tín dụng nói riêng.
Dự án cũng cung cấp thông tin cho NHNN về mô hình cho vay bán buôn và việc triển khai mô hình này sẽ giúp các tổ chức TCVM tiếp cận với nguồn vốn tối ưu để phục vụ người thu nhập thấp tốt hơn.
“Các thông tin và khuyến nghị từ dự án sẽ giúp NHNN đưa ra các thông tư và tham mưu cho Chính phủ ban hành nghị định phù hợp về hoạt động của TCVM trong tương lai” – ông Manoj Pandey nhấn mạnh.
Ông Hoàng Quốc Mạnh – Phó giám đốc Ban quản lý Dự án, Phó Chánh Văn phòng, Cơ quan Thanh tra, giám sát NH cho rằng, đến nay có thể khẳng định dự án đã thực hiện được mục tiêu đề ra theo các hợp phần đã xây dựng, giúp cho cơ quan quản lý tại một số địa phương nhận thức được đóng góp quan trọng của hoạt động TCVM và ủng hộ phát triển ngành TCVM. Dự án cũng giúp cơ quan quản lý hoàn thiện cơ chế chính sách về TCVM và góp phần nâng cao vai trò quản lý, thanh tra, giám sát đối với tổ chức TCVM, Quỹ tín dụng nhân dân.
Qua kết quả của dự án này, đại diện của NHNN cũng kiến nghị, các tổ chức quốc tế như ADB, WB, AFD… các nhà tài trợ tiếp tục hỗ trợ phát triển TCVM tại Việt Nam. Nhà nước cần có cơ chế chính sách khuyến khích, tạo điều kiện để ngành TCVM phát triển, nhất là về tăng cường năng lực hoạt động, về chính sách thuế, hỗ trợ đào tạo nhân sự. Đồng thời nghiên cứu chính sách có bộ phận quản lý riêng đối với hệ thống có hoạt động đặc thù này ở NHNN từ Trung ương đến địa phương.
Bà Hoàng Thị Phương Hạnh – Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (NHNN), Giám đốc Ban quản lý Dự án: Dự án đã đáp ứng được mục tiêu đề ra và đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận, trong đó, phải kể đến: Đưa ra được đánh giá tổng quan về ngành TCVM và các quy định hiện hành về TCVM, hỗ trợ xây dựng dự thảo thông tư về tỷ lệ bảo đảm an toàn, thông tư cấp phép và mạng lưới TCVM; Nghiên cứu và đưa ra các đề xuất khuyến nghị về: cho vay bán buôn cho TCVM; góp ý Đề án quản lý Nhà nước đối với Quỹ tín dụng nhân dân… Các kết quả của dự án sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành TCVM tại Việt Nam để từ đó góp phần vào công cuộc giảm nghèo của đất nước. |