Ngân hàng gõ cửa doanh nghiệp vi mô
BHTGVN với các tổ chức TCVM | |
Để vi mô làm được chuyện vĩ mô | |
Thúc đẩy chuyên nghiệp tài chính vi mô |
Trong số hơn 500 ngàn DN hiện nay, có tới hơn 97% là DNNVV, và trong số những DNNVV thì có tới gần 90% là DN nhỏ và siêu nhỏ. Số liệu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đưa ra cũng cho thấy một thực tế là, nền kinh tế của Việt Nam có vai trò và đóng góp to lớn của đội ngũ DN, trong đó không thể bỏ qua các DNNVV, DN vi mô.
Ảnh minh họa |
Trước nay, DN vi mô vẫn thường được “mặc định” là khó tiếp cận tín dụng từ phía NH, bởi nhiều nguyên nhân có thể chỉ mặt gọi tên được: vướng mắc tài sản đảm bảo, quản trị dòng tiền kém, khả năng quay vòng vốn hạn chế... nên rủi ro tín dụng với NH là rất cao. Tuy nhiên, với những nỗ lực từ Chính phủ và của toàn xã hội, trong đó có hệ thống NH, thì xem ra mọi chuyện đã khác, khi chính NH lại đến “gõ cửa” DN vi mô trước.
Từ đầu năm tới nay, DN vi mô xuất hiện ngày càng nhiều hơn trong các chính sách ưu đãi, sản phẩm của các NHTM. Đơn cử, Maritime Bank vừa cho ra mắt “Mô hình tài chính chuyên nghiệp dành riêng cho DN vi mô” lần đầu tiên tại Việt Nam.
Trước đó, VietinBank tiếp tục gia hạn chương trình khuyến mãi “Hợp tác vươn xa”, cung cấp nguồn vốn ổn định cho DN siêu vi mô phát triển sản xuất, kinh doanh tới 28/10/2016. Cũng để kịp thời hỗ trợ nguồn vốn kinh doanh cho các DN quy mô siêu nhỏ, các DN khởi nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo, từ 11/8 - 31/12/2016, BIDV triển khai gói tín dụng 3.000 tỷ đồng “Đồng hành cùng DN siêu nhỏ”; gói tín dụng 500 tỷ đồng “Khởi nghiệp thành công - Start up”.
Hay như DongA Bank triển khai gói tín dụng 1.000 tỷ đồng dành cho các DN trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh nhằm tạo cơ hội cho DNNVV, DN vi mô, hộ kinh doanh cá thể... đều có thể dễ dàng tiếp cận nguồn vốn ưu đãi với lãi suất thấp.
Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) mới đây cũng đã phê duyệt gói tài chính trị giá 125 triệu USD giúp VPBank mở rộng vốn vay cho các DNNVV, DN siêu nhỏ, đặc biệt là những DN do phụ nữ làm chủ.
Từ đầu tháng 7/2016, PVcomBank cũng đã triển khai gói tín dụng ưu đãi với tổng hạn mức 700 tỷ đồng dành riêng cho phân khúc khách hàng DN siêu nhỏ...
Tất cả những gói ưu đãi tín dụng này của NH là nguồn vốn tài trợ chuyên biệt cho phân khúc khách hàng DN vi mô. Không chỉ để bổ sung vốn lưu động mà còn tài trợ để các DN này đầu tư tài sản cố định, mở rộng quy mô... với mức chi phí hợp lý nhằm tối đa hoá lợi nhuận.
Lãnh đạo một NHTM chia sẻ, việc các NH thận trọng cho vay với những DN vi mô là dễ hiểu. Nhưng cũng đã tới lúc nên thay đổi suy nghĩ với đối tượng này, vì đây là những khách hàng tiềm năng.
“Trong môi trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt, nếu NH nào cũng chỉ đổ xô quan tâm tới nhóm khách hàng lớn thì chắc chắn những NH nhỏ, tiềm lực tài chính hạn chế không thể đọ lại được với các định chế tài chính lớn”. Vị lãnh đạo này cũng cho biết thêm, “các NH muốn thực sự phát triển được phân khúc khách hàng này, thì không nên bó hẹp với suy nghĩ mình tài trợ vốn cho họ. Mà trên hết phải cung cấp và tư vấn cho họ những giải pháp tài chính phù hợp, cách quản lý dòng tiền để đồng vốn có khả năng sinh lời... thì đồng tiền cho vay mới phát huy hiệu quả”.
Đây cũng là một thực tế, vì với những DN vi mô, quy mô sản xuất nhỏ, vòng quay vốn nhanh… nếu có sự hỗ trợ, tư vấn từ NH thì DN có thể quản lý dòng tiền tốt hơn, hiệu quả hơn. Việc này không chỉ có lợi cho DN mà cho cả NH.
Đương nhiên, để hỗ trợ các DN vi mô phát triển, thì không thể chỉ phụ thuộc vào đồng vốn từ phía các NHTM. Các giải pháp từ phía NH đưa ra chỉ thực sự hiệu quả khi có được sự đồng thuận, chung tay từ các cơ quan có thẩm quyền. Việc xây dựng các chính sách hỗ trợ phù hợp với từng giai đoạn phát triển của DN, từ khi thành lập tới lúc đi vào hoạt động đều cần được Chính phủ và các cơ quan quản lý lưu tâm như hỗ trợ lãi suất, thuế...
Bên cạnh đó, sự công bằng, minh bạch hoá môi trường kinh doanh cũng là một trong những điều kiện để đội ngũ DN vi mô hoàn thiện mình, nâng cao năng lực cạnh tranh...
Ông Nguyễn Tiến Đông, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết: 7 tháng đầu năm 2016, cho vay DNNVV tăng 3,3%. Đối với việc triển khai Nghị quyết 35 của Chính phủ, NHNN đã phối hợp với cấp uỷ chính quyền địa phương, tổ chức được 540 cuộc đối thoại giữa cấp uỷ, các NHTM và các DN. Qua các cuộc đối thoại này, ngành NH đã tháo gỡ vướng mắc cho trên 50.000 DN, số tiền cho vay mới thông qua các hội nghị cam kết là trên 800.000 tỷ đồng.