Cần mạnh tay xử lý ô nhiễm môi trường
Quê tôi, làng cổ Đường Lâm thị xã Sơn Tây (thành phố Hà Nội) có làng Mông Phụ. Trong làng có hai cái ao to. Ao ở cổng làng, trước đây gọi là ao các cụ. Hàng năm, mỗi độ Xuân về, các cụ sai con cháu đánh cá ao này làm món gỏi để làm cỗ chúc thọ các cụ. Ao còn lại ở cổng Sui - gọi là ao làng, nhân dân đánh cá làm cỗ cúng thành hoàng làng, cũng có món cá gỏi…
Do ô nhiễm, bèo tây cũng không sống nổi
Nhưng tiếc thay, hiện nay, các loại thủy sinh và một số bèo, tảo ở hai ao này không thể sống nổi kể cả loại bèo tây hoặc bèo Nhật Bản (người miền Nam gọi là lộc bình) mặc dù rất dễ thích nghi, song cũng đã chết dần.
Nguyên nhân bèo tây chết, do nhân dân làng Mông Phụ, cũng như các làng khác trong cả nước, sử dụng nước rửa bát, chất tẩy rửa bồn vệ sinh tự hoại, bột giặt và dầu gội đầu được tổng hợp từ một số loại hóa chất độc hại.
Xa xưa, nhân dân ta rửa bát, đũa… bằng tro bếp, nhất là tro bếp đun trấu (vỏ hạt thóc); gội đầu và giặt quần áo bằng quả bồ kết hoặc quả bồ hòn. Thời Pháp thuộc, nhân dân ta gội đầu bằng xà phòng tắm, giặt quần áo bằng xà phòng hàm lượng xút 72%. Các loại xà phòng trên được làm bằng dầu dừa, mỡ động vật và xút - một loại hóa chất nhẹ và muối công nghiệp. Xà phòng gội đầu ít xút hơn, có mùi thơm của một số loài hoa hoặc thảo mộc.
Việc sử dụng các loại xà phòng trên, nước thải sinh hoạt gây ít độc hại cho nước giếng khơi để ăn và nước ao, hồ để tắm, giặt rửa. Bởi vậy, nhân dân ta có thành ngữ: “Ta về ta tắm ao ta, dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn”. Giờ đây, muốn có rau sạch, không thể tưới rau bằng nước ao vì đã bị ô nhiễm.
Nhẩm tính, cả nước có hơn hai triệu hộ dân, trung bình một tháng, mỗi hộ sử dụng 0,5 kg bột giặt, một năm cả nước dùng ít nhất 1 triệu kg – tức 1.000 tấn bột giặt. Con số trên chưa kể đến nước rửa bát, nước cọ bồn vệ sinh và dầu gội đầu.
Thổ nhưỡng và khí hậu miền Nam nước ta phù hợp với cây dừa ăn quả. Dầu dừa là một trong những nguyên liệu làm xà phòng. Hiện nay, dừa quả tiêu thụ chậm, tỷ lệ sinh lời thấp, xuất khẩu dừa quả bị nước ngoài ép giá. Do đó, nhiều tỉnh miền Nam, nông dân đã triệt hạ cây dừa.
Chúng ta cũng có bờ biển dài, khí hậu nhiệt đới, sản xuất được nhiều muối. Từ muối được tinh chế ra muối công nghiệp để làm nguyên liệu sản xuất xà phòng. Với điều kiện thiên nhiên sẵn có ấy, nước ta không nên nhập khẩu hoặc sản xuất hóa chất để sản xuất các chất tẩy rửa độc hại nêu trên, gây ô nhiễm môi trường nước.
Giờ đây, một số người dân, nhất là nông dân vẫn gội đầu bằng quả bồ kết, tóc rất bóng và có mùi thơm của thảo mộc tự nhiên. Hơn nữa, gội đầu bằng bồ kết, một tuần sau chưa thấy ngứa da đầu. Nhưng sử dụng dầu gội đầu sản xuất bằng hóa chất, chỉ hai ngày sau, da đầu đã ngứa (?). Hay đây là “mánh khóe kinh doanh” của nhà sản xuất, họ thêm một loại hóa chất nào đó, gây tác dụng nhanh ngứa da đầu, để bán được nhiều sản phẩm?
Tôi mách nhỏ với chị em thường xuyên phải rửa bát đũa... dính nhiều dầu mỡ, nên dùng cám gạo hoặc cám ngô cho gà, lợn ăn để lau dầu mỡ, trước khi rửa bằng nước. Cám gạo, cám ngô sau khi lau dầu mỡ, lại cho gia cầm, gia súc ăn bình thường mà còn rất tốt, vì có thêm dầu mỡ.
Các nhà máy xay thóc, nhà máy ép mía để tinh luyện đường kính mía, thải ra trấu (vỏ hạt thóc) và bã mía. Những chất thải ấy, một số nhà máy dùng đốt lò phát điện, dùng trong nội bộ nhà máy, không dùng điện lưới quốc gia. Những nhà máy ấy, nên đóng gói loại tro ấy, bán cho những hộ phi nông nghiệp để lau bát, đũa... dính nhiều dầu mỡ. Việc làm này, tạo ra một nguồn thu mới cho nhà máy. Điều quan trọng hơn là, nhà máy đã góp phần chống ô nhiễm nguồn nước ngọt ở ao, hồ và giếng khơi.
Khi lau bát, đũa bằng các loại cám hoặc các loại tro nêu trên bằng cách lấy khoảng từ một đến ba bát ăn cơm cám hoặc tro, cho vào một chậu rửa bát bằng nhựa, không cần nước, để lau bát, đũa… dính dầu mỡ. Số cám hoặc tro có thể lau bát, đũa,… dính dầu mỡ đến hai hoặc ba lần, tùy thuộc vào số lượng bát, đũa... và lượng bám của dầu mỡ nhiều hay ít. Số cám hoặc tro đã lau dầu mỡ, không được đổ vào đường ống thoát nước thải sinh hoạt, gây tắc ống tiêu nước.
Xử lý môi trường bị ô nhiễm, trong đó có nước ô nhiễm, là tiêu chí thứ 17 – cụ thể là tiêu chí 17-5, trong 19 tiêu chí “Xây dựng nông thôn mới”.
Tôi mong Chính phủ, các bộ có liên quan và các nhà khoa học tự nhiên, sớm có biện pháp giảm tối đa gây ô nhiễm nguồn nước ngọt, nhất là ở nông thôn, do các chất tẩy rửa làm từ một số hóa chất độc hại gây ra.
Bài và ảnh Phan Lê