Cần một đầu mối giải quyết các vấn đề liên ngành
DN nhập khẩu phải chi thêm 15 ngàn tỷ đồng chi phí kiểm tra mỗi năm | |
Kiểm tra chuyên ngành bủa vây nông sản xuất nhập khẩu | |
Cần đổi mới kiểm tra chuyên ngành |
Năm 2017 là năm có nhiều dấu ấn quan trọng trong nỗ lực tạo dựng môi trường kinh doanh (MTKD) thuận lợi cho cộng đồng DN của Chính phủ. Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu 2017 - 2018 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), Việt Nam xếp hạng 55 (trên tổng số 137 nền kinh tế), tăng 5 bậc so với năm trước đó. Việt Nam tăng đến 14 bậc, trong Chỉ số Kinh doanh 2018 (Doing Business) của WB, lên vị trí 68/190 nền kinh tế.
Quyết tâm xây dựng một Chính phủ hành động, kiến tạo, liêm chính, phục vụ phát triển đang được định hình rõ nét từ chính sách ban hành cho đến các hành động cụ thể. Những chỉ đạo, điều hành của Chính phủ cũng đã dần lan tỏa xuống các bộ, ngành và chính quyền địa phương các cấp. Các tổ chức quốc tế cũng ghi nhận những nỗ lực cải thiện MTKD này của Việt Nam.
Cần có những quy chế bắt buộc về công tác phối hợp, chia sẻ thông tin giữa các bộ, ngành trong giải quyết các vấn đề của DN |
Nhưng khó khăn chưa phải đã hết, trở ngại, vướng mắc vẫn còn nhiều. Một trong những trở ngại lớn là gánh nặng về thủ tục hành chính (TTHC), đặc biệt ở các vấn đề, lĩnh vực liên quan đến quản lý của nhiều bộ, ngành. Trong vấn đề quản lý chuyên ngành (QLCN), các DN phản ánh vẫn có sự chồng chéo trong các quy định, trong phân công quản lý giữa các bộ QLCN dẫn đến một mặt hàng bị điều chỉnh bởi nhiều văn bản, phải thực hiện nhiều thủ tục kiểm tra. Thủ tục kiểm tra chuyên ngành còn tương đối dài, quy trình phức tạp, mất nhiều thời gian và chi phí của DN.
Một trong những nguyên nhân của tình trạng này, bên cạnh thực tế là pháp luật về QLCN của Việt Nam không phải là một hệ thống đơn nhất mà là tập hợp các quy định và được soạn thảo, ban hành và/hoặc thực thi bởi ít nhất rất nhiều bộ chuyên ngành thì còn nằm ở việc chưa thực sự vào cuộc của các bộ, ngành trong giải quyết những vấn đề mang tính “liên ngành” mà DN vẫn thường gặp phải.
Và nếu vẫn tồn tại thực trạng bộ, ngành nào cũng liên quan nhưng không chịu chia sẻ thông tin với nhau; bộ, ngành nào cũng có trách nhiệm nhưng trách nhiệm ấy là như nhau chứ không có một cơ quan làm đầu mối có quyền “quyết” trong kiểm tra chuyên ngành thì sự chồng chéo, chậm trễ, không công nhận kết quả kiểm tra của nhau… tất yếu vẫn sẽ còn diễn ra và không chỉ trong câu chuyện QLCN mà còn ở nhiều lĩnh vực khác.
Sự thiếu rõ ràng và trao đổi thông tin giữa các bộ, ngành chưa chặt chẽ cũng là vấn đề được ông Karashima, Chủ tịch Hiệp hội DN Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI) đặc biệt nhấn mạnh tại Diễn đàn DN (VBF) 2017 vừa qua. Theo ông Karashima, dù thời gian qua Việt Nam đã rất nỗ lực trong việc tích cực thực hiện nhanh gọn và đơn giản hóa TTHC nhưng đến nay vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề như: Sự hiểu biết không đầy đủ của cán bộ phụ trách; trao đổi thông tin giữa các bộ, ngành còn chưa chặt chẽ, cách giải thích về quy định pháp luật chưa rõ ràng… Điều đó dẫn đến việc tuân thủ pháp luật và vận hành hệ thống làm mất nhiều thời gian và chi phí của các DN.
“Chúng tôi quan ngại rằng, với hệ thống hành chính không minh bạch, không rõ ràng như vậy sẽ gây tổn thất lớn đến sự hấp dẫn của Việt Nam trong việc thu hút nhà đầu tư và các nhà đầu tư sẽ tránh đầu tư vào Việt Nam để chuyển hướng sang các nước khác”, vị này thẳng thắn cảnh báo.
Cũng có thể cảm nhận được sự phối hợp giữa các bộ, ngành trong giải quyết các vướng mắc “liên ngành” chưa được thể hiện nhiều tại Diễn đàn VBF vừa qua. Trong khi hầu hết các ý kiến mà các nhóm công tác và hiệp hội DN đưa ra đều nhận được giải đáp, phản hồi ngay tại diễn đàn nếu chỉ liên quan đến một bộ, ngành cụ thể thì ngược lại, với những vấn đề nêu ra liên quan tới nhiều bộ, ngành gần như không thấy phản hồi hoặc phản hồi còn chung chung.
Để tránh tình trạng “cha chung không ai khóc”, bộ mình chỉ biết việc mình thì có lẽ đã đến lúc cần có những quy chế bắt buộc về công tác phối hợp, chia sẻ thông tin và trách nhiệm của các bộ, ngành trong giải quyết các vấn đề của DN. Quan trọng hơn là cần có một cơ quan đầu mối để giám sát và có quyền hạn đủ mạnh để xử lý các vấn đề phát sinh do sự thiếu rõ ràng này gây ra. Đây cũng là một trong những đề xuất được Chủ tịch JCCI Karashima đưa ra.
Chủ tịch JCCI Karashima kiến nghị Chính phủ cần thành lập một cơ quan mới liên bộ, ngành, có quyền hạn xử lý mạnh mẽ mọi vấn đề phát sinh do sự thiếu rõ ràng này gây ra. Trong trường hợp phản hồi từ các bộ, ngành không giải quyết được vấn đề khiếu nại thì “Hội đồng chuyên gia thuộc cơ quan trên (trong đó thành viên bao gồm cả công dân trong nước và người nước ngoài) sẽ đưa ra phương án biện pháp xử lý và đề xuất lên Thủ tướng. Ông Karashima cũng đề xuất cần hoàn thiện cơ chế “công văn chính thức”, đảm bảo DN nước ngoài dễ dàng tiếp cận các bộ, ngành liên quan trong xác nhận tính hợp pháp của một số hoạt động kinh doanh.
Với sự nỗ lực, quyết liệt mạnh mẽ trong cải thiện MTKD của Chính phủ hiện nay, có cơ sở để kỳ vọng những vướng mắc mang tính “liên ngành” mà DN gặp phải sẽ sớm được giải quyết. Và rất có thể trong Diễn đàn VBF năm tới, những câu hỏi, vướng mắc của cộng đồng DN vì sự thiếu phối hợp, chia sẻ của các bộ, ngành sẽ giảm đi hoặc nếu có cũng sẽ được giải đáp thỏa đáng.