Cần đổi mới kiểm tra chuyên ngành
Khổ vì kiểm tra chuyên ngành | |
Kiểm tra chuyên ngành “hành” doanh nghiệp | |
Khi hàng hóa bị kiểm quá nhiều |
Chuyện kén tằm, hạt hướng dương “cần” tới 2 bộ kiểm tra, nguyên liệu sô-cô-la yêu cầu 13 loại giấy phép vừa được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng dẫn ra tại buổi làm việc giữa Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ với 11 bộ, ngành đầu tuần này.
Ảnh minh họa |
Ông Dũng nêu vấn đề là tâm điểm gây bức xúc cho cộng đồng DN hiện nay, kiểm tra chuyên ngành, cũng là một trong những nhiệm vụ cần cải thiện theo tinh thần Chính phủ kiến tạo và để đạt mục tiêu xóa bỏ rào cản, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh mà Thủ tướng đặc biệt quan tâm chỉ đạo thực hiện trong thời gian vừa qua…
Kiểm tra chuyên ngành nhiều, phức tạp, ông Dũng ví “như đi lạc vào rừng”, đang gây nhiều khó khăn cho DN để tuân thủ, đội thêm chi phí cho nền kinh tế. Là người theo sát các vấn đề của DN, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tính toán ra những thiệt hại “khủng khiếp” mà các DN đang phải gánh chịu từ kiểm tra chuyên ngành.
Theo ông Cung, hiện nay có khoảng 100.000 mặt hàng phải kiểm tra như vậy, tương đương với 28,6 triệu ngày công và 14.300 tỷ đồng chi phí mà DN phải bỏ ra mỗi năm.
Kiểm tra chuyên ngành thực tế là nhằm đảm bảo sức khỏe và lợi ích của người tiêu dùng, đảm bảo công bằng giữa các DN khi kiểm soát hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng… Luật pháp có quy định cụ thể về vấn đề này, Chính phủ cũng có chỉ đạo thực hiện. Tuy nhiên, vấn đề là đâu đó còn có chuyện cài cắm giấy phép như một điều kiện kinh doanh không hợp lý, không đúng quy định. Rồi kết quả là những cuộc kiểm tra chồng chéo, kiểm tra nhiều lần cùng nội dung mà các cơ quan thực hiện là “thích” đi riêng. Những văn bản không đúng quy định, những cách thức kiểm tra đó thì người dân và DN vẫn phải tuân thủ, dù gây ra rất nhiều phiền toái.
Vì sao lại như vậy? Phải chăng các cơ quan quản lý muốn thể hiện quyền uy của mình? Hay đã ở vị thế của cơ quan công quyền thì phải kiểm tra “sâu sát”, để DN “muốn qua sông phải lụy đò”? Xin nói ngay rằng, quan điểm đó, hay cách thể hiện quyền lực như vậy không phải là cách vận hành của hệ thống quản lý với mục tiêu là xây dựng một Chính phủ kiến tạo. Hỗ trợ DN và thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh cần quản lý, nhưng cũng cần sự thông thoáng để thị trường vận hành trơn tru. Và đó cũng là điều mà Chính phủ đang mong muốn dọn dẹp cho sạch, thông qua hàng loạt Nghị quyết, rất nhiều chỉ đạo, đôn đốc các bộ, ngành thực hiện suốt thời gian vừa qua.
Kéo tỷ lệ lô hàng xuất nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành từ 30-35% xuống 15%, rà xoát khoảng 6 nghìn thủ tục để cắt giảm, Chính phủ đang chỉ đạo các bộ, ngành thực thi chức phận để năm 2017 phải là năm giảm chi phí cho DN. Tinh thần ấy, nếu được cả hệ thống chính trị đồng lòng, các bộ, ngành vào cuộc mạnh mẽ thì sẽ tạo hiệu ứng rất lớn đến nền kinh tế. Như CIEM tính toán, nếu giảm được 30% đến 50% việc kiểm tra chuyên ngành như hiện nay có thể giúp nền kinh tế tiết kiệm được khoảng từ 8,6 đến 14,3 triệu ngày công và khoảng 4.300 đến 7.100 tỷ đồng.
Cộng đồng DN đang mong muốn những chỉ tiêu ấy được thực hiện, nó không chỉ tháo gỡ nhiều khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh mà còn tạo dựng niềm tin vào sự điều hành của Chính phủ. Để con tằm có thể nhả tơ, làm kén… mà không cần tới 2 bộ phải kiểm tra chuyên ngành.