Cân nhắc nguồn ngân sách cho siêu đô thị
Không chuyển nợ doanh nghiệp sang nợ Chính phủ | |
Thu, chi ngân sách có cần “cào bằng”? | |
Phải giữ nghiêm kỷ luật ngân sách |
Cuối tuần qua, chính quyền TP.HCM phối hợp với Viện Kinh tế Việt Nam đã tổ chức hội thảo bàn về các vấn đề cơ chế chính sách đột phá nhằm phát triển TP.HCM trở thành một “siêu đô thị”. Trong số các vấn đề nổi cộm bàn bạc tại hội thảo, nhiều ý kiến tập trung vào các định hướng xây dựng một cơ chế tài chính đặc thù riêng cho TP.HCM.
Tính toán lại cách chi ngân sách
Trong tham luận của mình TS. Vũ Thành Tự Anh (Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright) cho rằng, trục trặc lớn nhất trong cơ chế phân bổ ngân sách hiện nay tại Việt Nam là không có các tiêu chí rõ ràng có thể đoán định để tạo ra sự công bằng và động cơ phấn đấu cho các địa phương.
Theo đó, hiện nay thứ tự chi ngân sách (theo vùng) được thực hiện từ cao đến thấp là: miền núi phía Bắc, Đồng bằng sông Hồng, Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam bộ và ĐBSCL. Cách phân bổ này theo ông Tự Anh là “chủ quan và được quyết định bởi khả năng của các địa phương trong việc thương lượng với Chính phủ”.
Trong khi đó, nếu tính theo nguyên tắc vùng kinh tế nào thu ngân sách được nhiều thì phân bổ nguồn chi nhiều hơn hoặc căn cứ vào mức GDP bình quân đầu người của từng vùng thì thứ tự sẽ phải là: Đông Nam bộ, Đồng bằng sông Hồng sau đó mới đến các vùng kinh tế khác.
Để hoàn thiện hạ tầng đô thị trung tâm, mỗi năm TP.HCM cần nguồn vốn bằng 11% GDP của địa phương |
Để phân bổ ngân sách hợp lý hơn trong bối cảnh xây dựng TP.HCM trở thành một “siêu đô thị”, vị chuyên gia này cho rằng trước hết phải tính toán lại cách phân bổ nguồn chi ngân sách. Làm sao để TP.HCM được đối xử công bằng so với các địa phương khác. Bởi như hiện nay tỷ lệ ngân sách được giữ lại của TP.HCM đã giảm liên tục từ 29% xuống chỉ còn 18%; tổng mức chi cho hoạt động phát triển cơ sở hạ tầng tại TP.HCM hiện tại chỉ đạt khoảng 1% GDP của địa phương. Trong khi đó, theo thông lệ ở nhiều nước có mức thu nhập trung bình tỷ lệ này thường đạt khoảng 3%-6% GDP đối với các thành phố lớn.
Đề xuất một cách thức phân chia ngân sách riêng cho TP.HCM, chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch, cho rằng cần có sự phân định rạch ròi trong thẩm quyền chi dùng các nguồn ngân sách. Chính quyền TP.HCM cần được tự chủ trong phần thu ngân sách của địa phương; còn phần ngân sách do Trung ương tài trợ đối với các dự án đầu tư trên địa bàn thì được cân đối hàng năm khi lập ngân sách.
Ngoài ra theo ông Lịch, Chính phủ cũng nên thí điểm mô hình không lồng ghép ngân sách Trung ương và địa phương như hiện nay. Đối với nguồn ngân sách thứ nhất đề nghị ổn định trong khoảng 10 năm và do chính quyền TP.HCM quyết định. Đối với những dự án đầu tư mang tính quốc gia (kể cả các dự án ODA do Trung ương cho vay lại) sẽ do Chính phủ quyết định. “Theo nguyên tắc này thì hàng năm TP.HCM chỉ xin Trung ương phê duyệt phần ngân sách do Trung ương tài trợ, không phải thỏa thuận chung về tổng thu, tổng chi của địa phương như hiện nay”- ông Lịch nêu ý kiến.
Đề xuất cơ chế tài chính ngoại lệ
Trong một nghiên cứu chi tiết về dự toán nhu cầu vốn cho TP.HCM nhằm thực hiện đề án phát triển TP.HCM trở thành đô thị trung tâm của cả nước và có tầm vóc quốc tế (theo Nghị quyết 16-NQ/TW của Bộ Chính trị); nhóm chuyên gia Vũ Sĩ Cường và đồng sự thông tin rằng, trong giai đoạn 2016-2020 nhu cầu vốn để phát triển hạ tầng TP.HCM ước khoảng 120 nghìn tỷ đồng/năm. Mức này bằng khoảng 11% GDP TP.HCM trong điều kiện mức tăng trưởng 10%/ năm liên tục. Tuy nhiên, hiện nay dự toán ngân sách năm 2017 của TP.HCM chỉ đạt khoảng 1/5 con số này. Vì vậy rất khó để địa phương giải quyết hàng loạt vấn đề của một siêu đô thị.
Đề xuất một cơ chế tài chính ngân sách đặc thù cho TP.HCM theo Luật NSNN 2015, nhóm nghiên cứu cho rằng về mặt nguyên tắc, cơ chế này phải thể hiện đầy đủ nội dung của Nghị quyết 16-NQ/TW. Theo đó, TP.HCM phải được phép thí điểm các chính sách vượt trội, chưa có quy định hay những quy định hiện hành của Nhà nước không còn phù hợp. Các ưu đãi mới về tài chính cho TP.HCM cần không thấp hơn so với các ưu đãi quy định tại các Nghị định 124/2004 và Nghị định 64/2014 của Chính phủ.
Trên nguyên tắc này, nhóm nghiên cứu đề nghị trong các năm tới Trung ương nên xem xét cho phép TP.HCM được mở rộng thu phí đối với việc sử dụng cơ sở hạ tầng như đường bộ, khu vực sân bay, cảng hoặc một số tuyến phố trung tâm nhằm điều chỉnh hành vi và tạo nguồn cải tạo, nâng cấp, bù đắp chi phí hạ tầng.
Ngoài ra, Bộ Tài chính và Chính phủ cũng cần xem xét khả năng cho phép TP.HCM phụ thu một số khoản như: thuế tiêu thụ đặc biệt với việc tiêu dùng một số mặt hàng; thuế thu nhập DN đối với một số DN có thu nhập lớn khi kinh doanh dựa trên lợi thế hạ tầng của thành phố (như: bưu chính viễn thông, ngân hàng, chứng khoán, vận chuyển, taxi, Grab, Uber…).
Về chi ngân sách, Chính phủ cần cho phép TP.HCM quyết định toàn bộ các khoản chi được phân cấp; cho phép thành phố chủ động quy định các định mức chi, kể cả tiền lương trong một giới hạn nhất định; đồng thời Chính phủ cần tính toán lại định mức chi cho TP.HCM trên cơ sở tính đủ chi phí, kể cả các chi phí có tính chất di chuyển như nhập cư, vãng lai và các chi phí đắt đỏ của đô thị trung tâm.
Về hỗ trợ của ngân sách Trung ương, nhóm nghiên cứu đề nghị Trung ương tiếp tục hỗ trợ TP.HCM qua hình thức cấp vốn bổ sung có mục tiêu. Theo đó, các chương trình, dự án đầu tư có ý nghĩa phát triển vùng, các chương trình đầu tư có tính đột phá như chống ngập, xây dựng khu công nghệ cao cần được hỗ trợ tối đa.
Ngoài ra, ngân sách Trung ương cần đảm bảo thưởng và đầu tư trở lại cho ngân sách TP.HCM bằng 100% số tăng thu vượt dự toán các khoản thu của ngân sách Trung ương trên địa bàn thành phố, chỉ với một điều kiện giảm trừ duy nhất là không vượt quá tổng vượt thu của ngân sách Trung ương.