Chuyển biến trong tâm lý người mua nhà
Liệu chung cư có đang “ngáo giá”? Thị trường bất động sản có hiện tượng “tăng giá vô căn cứ” Bộ Xây dựng đề nghị Hà Nội kiểm tra hoạt động kinh doanh của chủ đầu tư |
Quan điểm căn hộ là “tiêu sản” dường như đã là câu chuyện của ngày trước, hiện nay quan điểm này đã thay đổi. |
Nhu cầu nhà ở tại Hà Nội tiếp tục bị dồn nén
Theo Savills Việt Nam, nguồn cung căn hộ ghi nhận trong quý I/2024 tăng 41% theo quý và 99% theo năm với 4.062 căn. Nguồn cung sơ cấp trong quý đạt 12.928 căn, tăng 9% theo quý nhưng giảm 34% theo năm.
Tình trạng mất cân bằng cung - cầu của phân khúc căn hộ vẫn tiếp tục tồn tại. Thị trường ghi nhận sự thiếu hụt về sản phẩm có giá dưới 30 triệu đồng/m2 (hạng C), các sản phẩm này chỉ chiếm 4% nguồn cung mới và đã được bán hết. Kể từ năm 2020, nguồn cung sơ cấp hạng C giảm 47% mỗi năm.
Bà Đỗ Thu Hằng - Giám đốc Cấp cao Bộ phận Tư vấn và Nghiên cứu, Savills Hà Nội nhận định: “Nguồn cung tập trung chủ yếu về căn hộ hạng B, chiếm đến gần 90%. Phân khúc căn hộ hạng C trên thị trường sơ cấp và căn hộ hạng A chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ. Hơn nữa, từ nay cho đến cuối năm, mặc dù các đạo luật lớn cũng đã được thông qua, nhưng nguồn cung mới vẫn chưa thể được cải thiện”.
Trong khi đó, tại cả hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, nhu cầu tự nhiên hàng năm đối với nhà ở là khoảng 50.000 ngôi nhà. Đây là kết quả của nhập cư, ra ở riêng của những người trưởng thành và số người trung bình trong một nhà giảm… Con số về nguồn cầu này đã không được đáp ứng bởi hạn chế nguồn cung trong một thời gian, khiến nhu cầu về nhà ở bị dồn nén.
Thêm vào đó, các yếu tố vĩ mô như thị trường vàng biến động đi kèm lãi suất ở ngưỡng thấp khiến các nhà đầu tư tìm kiếm các kênh đầu tư hợp lý và có tính dài hạn, vô hình trung khiến nhu cầu tìm kiếm căn hộ tại thị trường Hà Nội càng tăng cao.
Khi so sánh giữa các dòng sản phẩm, người mua có nhu cầu ở thực có thể nhận thấy giá căn hộ vẫn ở mức hợp lý hơn so với những sản phẩm liền thổ trong dự án như biệt thự và nhà liền kề, từ đó dẫn đến câu chuyện ghi nhận mức tăng về nhu cầu và giá sơ cấp của phân khúc căn hộ trong quý I/2024. Báo cáo của Savills trong quý cho thấy, giá sơ cấp căn hộ tại Hà Nội đạt 59 triệu đồng/m2, tăng 3% theo quý và 14% theo năm.
Hơn nữa, trong điều kiện giá sơ cấp neo ở mức cao, thị trường thứ cấp cũng ghi nhận lượng giao dịch tăng trưởng và giá cũng đã có mức tăng so với trước đó. Thị trường thứ cấp trong thời gian trước cũng có mặt bằng giá hợp lý hơn so với giá sơ cấp. Tuy nhiên trước nhu cầu về nhà ở ngày một lớn, giá thứ cấp trong những tháng đầu năm 2024 ghi nhận mức tăng.
Cũng theo bà Hằng, tâm lý người mua đã có sự chuyển biến. Quan điểm căn hộ là “tiêu sản” dường như đã là câu chuyện của ngày trước, hiện nay quan điểm này đã thay đổi, người mua dần nhận thấy rằng dòng sản phẩm căn hộ tại các đô thị lớn cũng là một tài sản. Thậm chí, nếu như trước kia, quyết định mua căn hộ cần được cân nhắc khá lâu bởi đây cũng được xem là một khoản có giá trị lớn thì gần đây người mua nhà không đợi quá lâu để đưa ra quyết định mua và việc đặt cọc cũng diễn ra nhanh hơn.
Sự dịch chuyển của nguồn cầu tới các khu vực có giá hợp lý
Theo bà Đỗ Thu Hằng, đối với các dự án căn hộ mà giá không đi đôi với với chất lượng sản phẩm thì chưa chắc người mua đã đưa quyết định nhanh chóng. Các dự án trong quý I/2024 thu hút sự quan tâm của thị trường đều là những dự án của chủ đầu tư uy tín với sản phẩm một khi được tung ra thị trường đều có sự đảm bảo nhất định về chất lượng cũng như các yếu tố pháp lý khác.
Đồng thời, những chủ đầu tư này thường sử dụng các thương hiệu cũng như các đơn vị tư vấn hàng đầu, từ đơn vị thiết kế nhà ở, cảnh quan... Thậm chí, nhiều dự án đã được chủ đầu tư lựa chọn các đơn vị nước ngoài có tên tuổi làm tư vấn nhằm nâng tầm uy tín cho chính dự án. Những dự án tốt, chủ đầu tư uy tín, pháp lý đảm bảo là những dự án ghi nhận lượng giao dịch khả quan.
Trước những diễn biến leo thang về giá, một số dự án đã được đẩy vượt quá giá trị thực tế, bà Hằng đưa ra lưu ý người mua cần xem xét kỹ, cân nhắc giá trị sử dụng và mức độ hợp lý của dự án.
“Nhìn chung, nếu giá còn tăng, người mua sẽ xem xét bài toàn tài chính của mình. Trong khi nhu cầu ở thực vẫn rất lớn, nếu giá tiếp tục đẩy lên cao, người mua có thể cân nhắc và lựa chọn phương án thuê chung cư nội đô, hoặc chấp nhận dịch chuyển nhu tới nguồn cung tại các tỉnh lân cận Hà Nội có giá hợp lý”, bà Hằng cho biết.
Người mua nhà với nhu cầu ở thực tại Hà Nội có thể chọn lựa nguồn cung tại những địa phương lân cận như Hưng Yên hay Bắc Ninh, vùng vành đai 4 hoặc vành đai 3,5, nhờ vào sự phát triển cơ sở hạ tầng tại các khu vực này. Hạ tầng vẫn là đòn bẩy quan trọng nhất trong việc thay đổi cấu trúc giá trị của thị trường nhà ở.
Việc phát triển cơ sở hạ tầng sẽ kéo các khu vực ngoại ô “lại gần” với trung tâm thành phố hơn, giúp thời gian di chuyển giảm đi. Hơn hết, tại các tỉnh lân cận hoặc khu vực ngoại ô, chủ đầu tư có thể tiếp cận nguồn đất với chi phí thấp hơn, tạo ra nguồn cung nhà ở vừa túi tiền hơn.
Được biết, các sản phẩm tại các tỉnh lân cận sẽ ngày càng đáp ứng nhu cầu nhà ở của Hà Nội. Hưng Yên và Bắc Ninh sẽ cung cấp khoảng 203.000 căn hộ từ năm 2024-2026. Các luật sửa đổi được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện cho thị trường bất động sản phát triển và mang tới cải thiện nhất định cho nguồn cung. Từ năm 2025 trở đi, thị trường sẽ có khoảng 84.400 căn hộ từ 101 dự án sẽ được mở bán.