Thu, chi ngân sách có cần “cào bằng”?
Nguyên tắc tạm ứng ngân quỹ nhà nước cho ngân sách nhà nước | |
Năm 2016: Cho phép bội chi ngân sách Nhà nước 4,95% GDP | |
Quốc hội thảo luận về kết quả thực hiện ngân sách nhà nước 2015 |
Bức tranh mất cân đối
Theo dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2016, trong 63 tỉnh thành vẫn chỉ có 13 tỉnh thành có tỷ lệ điều tiết nên không nhận bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương. Gánh nặng thu NSNN đang dồn lên vai 6 tỉnh thành Đông Nam bộ khi phải đảm đương tới trên 42% tổng thu NSNN, và 11 tỉnh thành Đồng bằng sông Hồng với tỷ lệ hơn 30%. Như vậy, 17 tỉnh thành đang đóng góp tới hơn 70% số thu NSNN.
Ở chiều ngược lại, trong 6 vùng thì có tới 2 vùng là miền núi phía Bắc (gồm 14 tỉnh thành) và Tây Nguyên (gồm 5 tỉnh thành) hoàn toàn không có số thu điều tiết về ngân sách trung ương. Riêng vùng Đồng bằng sông Cửu Long thì có tới 12/13 tỉnh thành thường xuyên nhận bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương. Chênh lệch giữa tỉnh có số thu NSNN trên địa bàn thấp nhất (Bắc Kạn 501 tỷ đồng) với tỉnh có số thu cao nhất (TP. Hồ Chí Minh) đã lên tới gần 600 lần.
Bức tranh ngân sách trên đã được chuyên gia kinh tế, TS. Vũ Đình Ánh phác thảo nhanh để thấy sự mất cân đối trong đóng góp và phân chia ngân sách giữa các địa phương. Câu chuyện liên tục được đề cập tới trong thời gian qua, sau khi TP. Hồ Chí Minh "phàn nàn" về việc bị cắt giảm phần ngân sách được giữ lại. Cùng với TP. Hồ Chí Minh, vừa qua Quốc hội cũng đã thông qua định mức tài chính để lại cho các tỉnh, thành phố trong đó có Hà Nội. Theo đó, trước đây Hà Nội được để lại 42% nguồn thu, nhưng giai đoạn 2017-2020, tỷ lệ này chỉ còn 32%.
Ông Ánh phân tích, gánh nặng thu NSNN hiện đang dồn lên một số tỉnh thành có tốc độ đô thị hoá và công nghiệp hoá cao, thu hút được phần lớn nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước, trong khi đại đa số tỉnh còn lại vẫn dậm chân tại chỗ ở trình trạng kém phát triển, chưa khai thác được tiềm năng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Nhiều địa phương đang chịu gánh nặng ngân sách cũng phản hồi, cơ chế thu chi ngân sách lồng ghép và cào bằng khiến địa phương không thể tạo và sử dụng nguồn thu đúng với sức mình. Trong khi đó ngân sách trung ương cấp trở lại còn cách xa nhu cầu phát triển của những địa phương lớn, gây ra quá tải ở đô thị.
Đơn cử như việc tạo nguồn thu từ phí và lệ phí hiện đang được phân chia quá chặt chẽ. Cả nước hiện có hơn 200 khoản thu phí và lệ phí các loại, song chính quyền đô thị chỉ được thu gần 20 loại trong số này. Một số khoản phí và lệ phí thuộc về phạm vi chức năng của địa phương nhưng lại do Bộ Tài chính quy định và thu vào ngân sách trung ương. Phạm vi thu của chính quyền đô thị quá ít đã hạn chế nguồn thu mà các địa phương này đáng được hưởng.
Bất cập khi “làm nhiều, hưởng ít”
TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn, Giảng viên Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright cũng chỉ ra bất cập trong việc phân chia ngân sách khi các địa phương lớn đầu tư hạ tầng để thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhưng nguồn thu được lại nộp hoàn toàn về NSNN.
Ông Tuấn dẫn chứng, theo quy định của Luật Ngân sách 2015, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu là khoản thu trung ương hưởng 100%. Các khoản thu này phát sinh ở các địa phương có hoạt động ngoại thương, nhưng chuyển về cho trung ương, tức là địa phương chỉ thu hộ.
Chẳng hạn hàng hóa luân chuyển qua các cảng ở TP. Hồ Chí Minh để từ đó một phần đi vào nội địa thành phố, phần còn lại đi ra các tỉnh khác. Các hoạt động ngoại thương này diễn ra ở TP. Hồ Chí Minh và sử dụng một phần nguồn lực và cơ sở hạ tầng của thành phố, không chỉ là cảng mà còn là giao thông và các tiện ích công cộng khác. Nhưng phần đóng góp trực tiếp từ hoạt động này lại chuyển về cho trung ương 100%.
Tương tự như vậy, thuế giá trị gia tăng từ hàng hóa nhập khẩu cũng chuyển về cho trung ương 100% trong khi thuế giá trị gia tăng hàng trong nước thì lại phân chia. Theo ông Tuấn, hàng nhập khẩu cũng được tiêu thụ một phần ở TP. Hồ Chí Minh nhưng trung ương lại hưởng 100% thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa này, và như vậy cũng có nghĩa là thành phố bị mất đi phần thu đáng lẽ địa phương mình phải được hưởng hoặc ít nhất là phải được chia lại với một tỷ lệ nhất định nào đó.
Bên cạnh đó, phần ngân sách trung ương hưởng 100% hiện đang chiếm hơn một nửa trong số thu NSNN của TP. Hồ Chí Minh. Theo quyết toán năm 2013, trong tổng thu NSNN của địa phương này, hơn 51% là thu ngân sách trung ương hưởng 100%, phần thu TP. Hồ Chí Minh được hưởng 100% chỉ chiếm khoảng 7%. Phần còn lại khoảng hơn 40% là thu phân chia, tuy nhiên trong khoản thu phân chia này thì phần trung ương hưởng tiếp lại lên đến 77%, còn lại chỉ 23% là thu mà địa phương được chia sẻ.
Với việc phân chia nguồn thu có phần thiếu sòng phẳng với các địa phương “làm nhiều, hưởng ít”, các chuyên gia cho rằng, phân cấp NSNN giữa trung ương và địa phương bất cập vì chưa khuyến khích tính chủ động của đại đa số tỉnh trong thu chi ngân sách, giảm bớt sự phụ thuộc quá lớn vào ngân sách trung ương, đồng thời lại làm suy giảm động lực và điều kiện tăng thu cũng như nuôi dưỡng nguồn thu cho một số ít tỉnh thành có khả năng tự cân đối ngân sách.