Cần nỗ lực tổng thể trong phát triển tài chính tiêu dùng
Thực trạng, tiềm năng và vai trò của tài chính tiêu dùng trong sự phát triển chung của nền kinh tế; căn nguyên lãi suất tài chính tiêu dùng hay nỗ lực để mở rộng thị trường tài chính tiêu dùng một cách toàn diện và giải pháp phát triển... đều là những nội dung được bàn thảo sôi nổi tại Toạ đàm “Phát triển tài chính bán lẻ, cơ hội thúc đẩy tiêu dùng, phục vụ tăng trưởng kinh tế” do Báo Đầu tư tổ chức ngày 12/7 tại Hà Nội.
Toạ đàm có sự tham gia của đại diện Vụ chính sách tiền tệ (NHNN), Viện chiến lược Ngân hàng, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, các chuyên gia kinh tế và các Công ty tài chính cùng gần 100 đại biểu đến từ các doanh nghiệp.
Toàn cảnh tọa đàm |
Thảo luận tại Toạ đàm, các chuyên gia đều có chung nhận định về việc thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam đang đứng trước cơ hội phát triển vàng nhờ những điều kiện lý tưởng như: Nền kinh tế đang trong giai đoạn phát triển, quy mô dân số đạt ngưỡng gần 95 triệu dân với tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động chiếm 52%; nhóm lao động có xu hướng chi tiêu vượt mức lương, đồng thời chuyển đổi hành vi từ tiết kiệm sang mua sắm và chuyển từ việc sử dụng tiền mặt sang tín dụng tiêu dùng...
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia ngân hàng cho biết: Tính đến cuối năm 2016, dư nợ tín dụng tiêu dùng là 646.000 tỷ đồng (khoảng 28 tỷ USD), chiếm 11,7% tổng dư nợ của nền kinh tế. Còn theo dự báo mới nhất của Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC), quy mô thị trường tài chính tiêu dùng sẽ đạt mốc 1 triệu tỷ đồng vào năm 2019. Tuy nhiên, với mức tăng trưởng liên tục 20-30%/năm từ năm 2010, con số 1 triệu tỷ đồng có thể sẽ còn đạt được sớm hơn so với dự báo.
Cùng với sự phát triển kinh tế, tỷ trọng tiêu dùng trong tổng GDP của Việt Nam liên tục được tăng cao. Minh chứng cho điều này, ông Nguyễn Tú Anh - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) đã dẫn ra con số tỷ trọng tín dụng tiêu dùng/GDP năm 2005 ở mức 52,5% đã tăng lên 77,7% vào năm 2009. Và trong giai đoạn 2010 - 2016, nền kinh tế rơi vào giai đoạn suy giảm khiến chỉ số này cũng suy giảm đến đáy vào năm 2012. Nhưng từ năm 2013 đến nay tỷ lệ này liên tục tăng cao và đạt 78,34% vào năm 2016.
Tuy nhiên, theo báo cáo mới nhất vào tháng 6/2017 của Stoxplus, tỷ trọng tín dụng tiêu dùng trong tổng dư nợ của Việt Nam mới đạt 9,8%, vẫn còn thấp so với các nước khác như Malaysia (14%), Anh (16%), Mỹ (23%) nên dư địa phát triển vẫn còn rất lớn.
Ông Nguyễn Tú Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) |
Về mặt tích cực, hoạt động cho vay tiêu dùng được coi là động lực thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng, hợp lý hóa quá trình luân chuyển hàng hóa trên thị trường. Qua đó giúp tăng khả năng tiếp cận dịch vụ tín dụng chính thức cho người dân, đặc biệt là nhóm khách hàng dưới chuẩn vay ngân hàng, góp phần đẩy lùi “tín dụng đen”, giúp người nghèo, người thu nhập thấp có điều kiện tích lũy tài sản… nhờ sự linh hoạt, đáp ứng nhanh, kịp thời nhu cầu tiêu dùng của người dân và hộ gia đình với nhiều sản phẩm, dịch vụ đa dạng, phong phú. 5 năm trở lại đây, lĩnh vực cho vay tiêu dùng tại Việt Nam tăng trưởng vượt bậc xuất phát từ cả phía cung và cầu. Song theo ông Nguyễn Tú Anh, sự bùng nổ trong lĩnh vực này cũng đang đặt ra những thách thức nhất định đối với cơ quan quản lý Nhà nước. Và bài học nhãn tiền là cuộc khủng hoảng thẻ tín dụng tại Hàn Quốc năm 2003 khi hoạt động cho vay tiêu dùng tăng trưởng quá nóng.
Năm 2016, NHNN ban hành Thông tư số 39/2016/TT-NHNN và Thông tư số 43/2016/TT-NHNN để điều chỉnh hoạt động cho vay, trong đó có cho vay tiêu dùng. Đây được xem là hành lang pháp lý tạo điều kiện cho các TCTD hoạt động hiệu quả hơn, bảo vệ người đi vay trước nguy cơ vỡ nợ lên cao. Nhưng theo đại diện NHNN, vẫn cần có thêm công cụ để bảo vệ khách hàng, bảo vệ người đi vay, cũng đồng nghĩa với việc bảo vệ TCTD. Khách hàng cho vay tiêu dùng sẽ ngày càng tăng khi thị trường cho vay tiêu dùng được mở rộng. Chính bởi thế, “những người dân bình thường với kiến thức ít ỏi về pháp luật, tài chính sẽ rất dễ tổn thương trước các hoạt động cạnh tranh cho vay tiêu dùng. Điều này đòi hỏi pháp luật phải cẩn trọng hơn trong việc bảo vệ người đi vay và lợi ích chính đáng của người cho vay”, ông Tú Anh nhấn mạnh.
Một trong những vấn đề được đem ra bàn thảo tại Toạ đàm trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng được các đại biểu sôi nổi góp ý kiến đó là lãi suất. Theo ông Phạm Xuân Hoè, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng thì đối tượng khách hàng phục vụ và phương thức hoạt động của công ty tài chính tiêu dùng rất khác so với các NHTM, nên không thể so sánh mức lãi suất của hai TCTD này với nhau.
Diễn giải thêm, ông Hoè cho hay, nếu như các NHTM tập trung vào nhóm khách hàng đạt chuẩn về điều kiện cấp tín dụng và cung cấp các khoản vay tiêu dùng có tài sản đảm bảo, gói vay lớn nên rủi ro thấp hơn, kéo theo mức lãi suất sẽ thấp hơn; thì các công ty tài chính hướng đến phân khúc khách hàng gồm nhóm đối tượng “dưới chuẩn”, không đáp ứng đủ điều kiện cấp tín dụng của ngân hàng.
Thêm nữa, mức độ rủi ro khi cho vay của các công ty tài chính cao hơn nên phần bù rủi ro trong yếu tố cấu thành lãi suất tăng cao. Vì các công ty tài chính cung cấp các khoản vay nhỏ, không tài sản đảm bảo, phục vụ nhu cầu mua sắm trang thiết bị gia đình, xe máy... thủ tục lại phải rất nhanh chóng, thuận tiện. Trong khi đó quy định, thủ tục của các NHTM thường rất nhiều và tốn kém thời gian thẩm định. Đó là chưa kể tới chi phí vốn đầu vào của các công ty tài chính luôn ở mức cao, cộng thêm chi phí hoạt động trên một khoản vay ở mức cao nên lãi suất cho vay sẽ cao tương ứng.
Tuy vậy, các đại biểu tại Toạ đàm đều nhận định việc lãi suất cho vay trung bình tại các công ty tài chính đã giảm mạnh hơn so với giai đoạn đầu. Các công ty tài chính cũng hợp tác với nhiều nhà bán lẻ để đồng loạt triển khai nhiều sản phẩm ưu đãi dành cho khách hàng với mức lãi suất thấp. Thậm chí có cả những sản phẩm với mức lãi suất 0% trong suốt thời hạn vay, giúp kích cầu và phát triển thị trường bán lẻ một cách mạnh mẽ.
Đề xuất các giải pháp phát triển thị trường tài chính tiêu dùng, ông Nguyễn Tú Anh nhấn mạnh tới việc bảo vệ người tiêu dùng trước những rủi ro vỡ nợ. Các công ty tài chính theo đó cần nâng cao quy trình thẩm định, đánh giá khả năng trả nợ, lịch sử vay, trả và các yếu tố khác của khách hàng để tránh những xung đột xã hội.
Đồng quan điểm, Luật sư Trương Thanh Đức cũng cho rằng: Thông tư số 43 có những tác động tích cực tới hoạt động cho vay tiêu dùng, giúp bảo vệ tốt hơn quyền lợi của khách hàng. Đồng thời tạo môi trường phát triển lành mạnh cho thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam. Tuy vậy, các công ty tài chính cần xác định kinh doanh phải uy tín, bài bản và luôn đặt quyền lợi của người tiêu dùng ở mức cao nhất.
“Muốn phát triển thị trường tài chính tiêu dùng, NHNN, các cơ quan quản lý nhà nước... không chỉ cần hoàn thiện hành lang pháp lý mà còn phải đặc biệt chú trọng tới việc tăng cường giáo dục tài chính, nâng cao nhận thức tài chính tiêu dùng, văn hoá tiêu dùng của người dân”, TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh.