Cần sự bền vững trong phát triển du lịch
Gắn bảo tồn sinh học với du lịch sinh thái | |
Tắm biển Đà Nẵng bị mẩn ngứa có thể do sứa |
Tăng trưởng ổn định
Những năm qua, Đà Nẵng được đánh giá là địa phương có hoạt động du lịch tăng trưởng ổn định, đạt được nhiều kết quả ấn tượng. Theo Sở Du lịch TP. Đà Nẵng, trong 6 tháng đầu năm 2018, tổng lượng khách tham quan, du lịch đến Đà Nẵng khoảng trên 4 triệu lượt, tăng 29,4% so với cùng kỳ năm 2017, khách quốc tế đạt khoảng 1,61 triệu lượt, tăng 47,1%.
Trong 6 tháng đầu năm 2018, tổng lượng khách tham quan, du lịch đến Đà Nẵng khoảng trên 4 triệu lượt, tăng 29,4% so với cùng kỳ năm 2017 |
Trong đó, phải kể đến Đà Nẵng thu hút được lượng lớn khách Hàn Quốc, với hơn 800.000 lượt khách, tăng 101%, chiếm tỷ lệ 50% trong cơ cấu quốc tịch khách. Kế đến, khách Trung Quốc khoảng hơn 368.000 lượt, tăng 36%, chiếm 23% trong cơ cấu quốc tịch khách. Sở Du lịch Đà Nẵng dự kiến năm 2018, lượng khách Hàn Quốc đến Đà Nẵng tăng 60-80%, khách Trung Quốc tăng 20-30%.
Để có được kết quả tăng trưởng ấn tượng, trong những tháng đầu năm 2018, các DN du lịch đã tích cực đề ra nhiều giải pháp thu hút khách đến với Đà Nẵng. Nhiều tour, tuyến, sản phẩm du lịch được các DN cho ra đời, tạo sự phong phú trong sự lựa chọn của du khách.
Các DN nhận định, hoạt động du lịch những tháng đầu năm 2018 có sự tăng trưởng khá tốt. Điều đó có được, chính nhờ sự quan tâm của chính quyền TP. Đà Nẵng trong việc tập trung đầu tư các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch đối với các thị trường tiềm năng. Cùng với đó, Đà Nẵng cũng tập trung đầu tư hạ tầng du lịch.
Trong đó, phải kể đến hoạt động giám sát chặt chẽ các DN, khách sạn, nhà hàng, các điểm đến du lịch… không để xảy ra tình trạng tiêu cực như nâng giá, chèo kéo, mất an toàn thực phẩm… Điều đó đã tạo nên thương hiệu cho Đà Nẵng. Du khách đến đây, có cảm giác an toàn…
Theo Công ty cổ phần Dịch vụ du lịch Bến Thành chi nhánh Đà Nẵng, những tháng đầu năm, chi nhánh có sự tăng trưởng tích cực, tăng hơn 10% so với cùng kỳ. Để có được kết quả đó, ngay từ đầu năm chi nhánh đã có kế hoạch và sự chuẩn bị kỹ để phục vụ khách hàng, trong đó chú trọng các dịch vụ khách sạn, vận chuyển, hướng dẫn viên… Qua đó, nâng cao chất lượng phục vụ. Các tour Đất Quảng xưa, Bà Nà - Hội An - Huế - động Phong Nha được chào bán với mức giá 3,75 triệu đồng/người.
Còn đối với Vietravel chi nhánh Đà Nẵng, một trong những thương hiệu mạnh trong lĩnh vực du lịch tại khu vực miền Trung, những tháng qua, lượng khách du lịch trong và ngoài nước đăng ký tour đến Đà Nẵng qua đơn vị này khoảng 200 đoàn, tăng 30-40% so với cùng kỳ.
Theo đại diện DN này, khách nội địa chiếm hơn 85% với 185 đoàn, còn lại là khách quốc tế. Dịp hè 2018, Vietravel tiếp tục tổ chức nhiều tour đến khu vực miền Trung như Đà Nẵng - Hội An - Huế - Bà Nà và Đà Nẵng - Bà Nà - Huế - Phong Nha.
Vẫn còn bất cập
Sự tăng trưởng đối với hoạt động du lịch của Đà Nẵng là điều đáng mừng, sẽ góp phần tăng trưởng chung cho ngành du lịch cả nước. Tuy nhiên, hoạt động du lịch Đà Nẵng cũng còn nhiều tồn tại, hạn chế chưa được giải quyết dứt điểm. Trong đó, phải kể đến hoạt động của tour “không đồng”.
Tại buổi họp báo do UBND TP. Đà Nẵng vừa tổ chức, nhiều cơ quan báo chí rất quan tâm và đặt nhiều câu hỏi với lãnh đạo địa phương về sự quản lý đối với hoạt động của tour “không đồng” và hướng dẫn viên du lịch “chui” diễn ra trong thời gian qua tại địa phương.
Trước những câu hỏi nêu ra, ông Nguyễn Việt Dũng, Phó chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng, chủ trì buổi họp báo yêu cầu Sở Du lịch và các ngành chức năng cần nhanh chóng rà soát, nắm tình hình báo cáo UBND thành phố để có hướng xử lý dứt điểm.
UBND TP. Đà Nẵng yêu cầu trên cơ sở rà soát hoạt động tour “không đồng”, Sở Du lịch có nhận định, đánh giá tác động của loại hình du lịch này, nhất là đánh giá chất lượng dịch vụ, sự hài lòng của khách du lịch… Sự tác động của loại hình dịch vụ này đối với hoạt động du lịch chung của địa phương và tham mưu UBND thành phố về công tác quản lý nhà nước đối với tour “không đồng”...
Có nhiều ý kiến cho rằng, hoạt động của ngành du lịch Đà Nẵng đạt được nhiều kết quả khả quan, sự tăng trưởng nhanh, góp phần phát triển kinh tế, xã hội chung của Đà Nẵng. Song, việc tăng trưởng nhanh, cũng kéo theo nhiều loại hình kinh doanh khác nhau đối với lĩnh vực này.
Trong đó, có vấn đề liên quan đến tour “không đồng”, hướng dẫn viên du lịch “chui” hay như một số điểm mua bán phục vụ tour “không đồng” sử dụng các thiết bị công nghệ để thanh toán bằng ngoại tệ, không thông qua hệ thống thanh toán của Việt Nam... Dẫn đến có nhiều ý kiến trái chiều. Do đó, cần triển khai rà soát để có đánh giá, nhận thức đúng đắn về vấn đề này.
Về phía cơ quan quản lý Nhà nước, theo đại diện Sở Du lịch TP. Đà Nẵng, để đảm bảo môi trường du lịch an toàn, lành mạnh và thân thiện, sở tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng, địa phương triển khai công tác chống đeo bám, chèo kéo khách du lịch, bảo đảm môi trường xanh, sạch, an toàn thực phẩm, an ninh trật tự tại các cơ sở lưu trú, khu, điểm tham quan du lịch. Cùng với đó, đảm bảo công tác cứu hộ tại các bãi biển.