Dự thảo Luật DNNVV: Cần có một tư duy làm luật kiên định
Sắp có “bàn đạp pháp lý” cho DNNVV | |
Dự án Luật hỗ trợ DNNVV: Trước nỗi lo trục lợi từ chính sách |
Quang cảnh Hội thảo |
Do phạm vi tác động rộng lớn, tới 97% số DN đang hoạt động trên cả nước và còn có những tác động lớn đến đời sống kinh tế - xã hội, nên theo ông Hồ Sỹ Hùng, quá trình xây dựng luật này đầy khó khăn, vì phải làm sao hỗ trợ DNNVV, để lực lượng này phát triển tốt, là động lực phát triển của đất nước nhưng lại không vi phạm các cam kết quốc tế, không đi ngược các nguyên tắc thị trường. Hỗ trợ phải công khai, minh bạch, không có xin – cho…
Ở phiên bản 12 này, hỗ trợ DN bao gồm 9 nội dung: hỗ trợ DN gia nhập và rút khỏi thị trường, tiếp cận tín dụng ngân hàng và qua các quỹ, hỗ trợ thuế thu nhập DN, hỗ trợ mặt bằng sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực công nghệ, xúc tiến và mở rộng thị trường, tham gia đấu thầu mua sắm công, thông tin và tư vấn, phát triển nguồn nhân lực…
Trong quá trình soạn thảo đã có nhiều ý kiến khác nhau. Đơn cử như nội dung DNNVV được áp dụng mức thuế suất thấp hơn 3%, DN siêu nhỏ được áp dụng mức thuế suất thấp hơn 5% so với mức thuế suất thuế thu nhập DN quy định tại Luật thuế thu nhập DN. Nhiều ý kiến đồng tình, và thấy hỗ trợ về thuế là phương cách nhiều nước đang áp dụng.
Nhưng phía ngược lại cho rằng việc hỗ trợ các DNNVV trên diện rộng là không khả thi, không nên ưu đãi thuế, như vậy là hỗ trợ trực tiếp, liệu có dẫn đến khả năng bị áp dụng các biện pháp về chống trợ cấp trong cam kết quốc tế không? Theo Bộ tài chính, miễn giảm thuế như dự thảo sẽ làm NSNN giảm thu 9.388 tỷ đồng/năm.
Theo ban soạn thảo, các biện pháp hỗ trợ như giảm thuế, hỗ trợ tín dụng... không phải là trợ cấp và hoàn toàn phù hợp với các cam kết quốc tế. Cũng có những băn khoăn như, nếu hỗ trợ DNNVV mà số lượng DNNVV thì lớn, chiếm tới 97% số DN trong cả nước, trong khi đó nguồn lực quốc gia lại có hạn…
Là một người đã tham gia góp ý với dự thảo luật ngay từ đầu cho đến bản dự thảo lần này, TS. Lê Duy Bình (Economic Việt Nam) góp ý hỗ trợ phải có ưu tiên, có chọn lọc, không thể hỗ trợ tràn lan, cào bằng… và không nên chỉ lo thiếu nguồn lực trong khi nếu hỗ trợ đúng điều DN cần, tạo được được không gian và điều kiện để DNNVV phát triển thì lợi ích kinh tế mang lại rất lớn.
Ông Bình đưa ra bài toán: Hiện đang có nửa triệu DN đang hoạt động và nếu có chính sách tốt, đến năm 2020 số DN hoạt động sẽ lên con số 1 triệu. Như vậy trong 4 năm nữa ít nhất có 3.975 nghìn tỷ đồng (136,7 tỷ USD) được đưa vào sản xuất kinh doanh, bình quân mỗi năm có 34,17 tỷ USD (chưa kể nếu được hỗ trợ, DN hoạt động tốt hơn sẽ tăng vốn) – số này gấp 1,5 lần vốn FDI đầu tư vào Việt Nam và gấp hơn 2 lần vốn FDI thực hiện năm 2015.
Từ đó trong trung hạn sẽ có thêm nguồn thu thuế hơn 51 nghìn tỷ đồng mỗi năm tương đương 2,3 tỷ USD/năm. Và với các biện pháp giảm thuế trước mắt, DNNVV có cơ hội tăng vốn chủ sở hữu thêm 7,5 nghìn tỷ đồng...
Theo như dự thảo DNNVV được tham gia đấu thầu mua sắm công – giá trị các hợp đồng mua sắm công mở ra cho DNNVV khoảng 4,2 tỷ USD, đây sẽ là gói kích cầu đối với sản phẩm dịch vụ cho DNNVV. Có 1 triệu DN là sẽ có thêm 7 triệu việc làm mới, cũng có nghĩa là sẽ có thêm 7 triệu người có bảo hiểm y tế, có thêm 7 triệu lao động nông nghiệp dịch chuyển sang khu vực công nghiệp và dịch vụ...
Như thế năng suất lao động tổng thể nền kinh tế tăng lên... Nhờ sự chuyển dịch lao động và tăng năng suất này, trong 4 năm tới, dự tính thu nhập của lao động dịch chuyển này tăng thêm 22.400 tỷ đồng (~1 tỷ USD)...
Và ông Bình gợi ý, cần có một tư duy làm luật kiên định và cần thay đổi tư duy về phương pháp tiếp cận đối với hỗ trợ DN. Điều DN cần là, khuyến khích sự sáng tạo của DN, tạo điều kiện cho DN phát triển, tạo điều kiện để DN thích ứng với các thay đổi và biến động của nền kinh tế.
Ủng hộ nghiên cứu của ông Bình, ông Phí Văn Hoan – Giám đốc Cty TNHH Ngân Giang nói rằng: "DN không cần hỗ trợ vẫn phát triển mạnh nếu cơ quan Nhà nước làm tốt trách nhiệm của mình và theo đúng luật lệ chính sách, không cản trở DN sản xuất kinh doanh, không còn lợi ích nhóm”.
“Luật này là điều mong mỏi của chúng tôi”, mọi DN phát biểu đều cùng ý kiến và cùng khẳng định: DN không đi xin, không cần nhận tiền hỗ trợ. DNNVV cần luật được thực thi nghiêm, DN cần một hệ thống pháp luật thuận lợi hơn nhiều và phải được thể hiện trong các luật khác nữa ngoài luật hỗ trợ DNNVV.
Nếu có luật hỗ trợ mà thực thi kém, cơ quan chức năng không làm tròn trách nhiệm, văn bản dưới luật vẫn phục vụ lợi ích của một bộ phận nào đó thì những hỗ trợ trong luật cũng chỉ là lời nói suông.