Cải cách thủ tục hành chính thuế giúp cải thiện môi trường kinh doanh
Cơ chế một cửa: Chỉ kết nối nếu mất ít quyền lợi? | |
Chỉ còn cửa cho cải cách thực chất | |
Khu vực tư nhân tốn thời gian cho thủ tục thuế hơn DN Nhà nước |
Ngày 12/9, Bộ Tài chính đã tổ chức Hội nghị đẩy mạnh công tác cải cách hành chính (CCHC) và công bố chỉ số CCHC năm 2017 của Bộ.
Theo Bộ Tài chính, tính từ 1/1/2017 đến hết ngày 31/8/2018, Bộ Tài chính đã chủ trì soạn thảo trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua 2 Luật, 2 Nghị quyết; Trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 71 Nghị định, 11 Quyết định; Soạn thảo và ban hành theo thẩm quyền 210 Thông tư.
Trong đó, có thể kể đến một số văn bản đã tác động mạnh mẽ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, tạo nhiều thuận lợi cho cá nhân, tổ chức và là cơ sở pháp lý để đơn giản hóa thủ tục hành chính như: Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý nợ công…
Hội nghị đẩy mạnh công tác cải cách hành chính của Bộ Tài chính ngày 12/9
Về cải cách thủ tục hành chính, Bộ Tài chính đã ban hành 20 Quyết định công bố 258 thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính, trong đó đã sửa đổi, đơn giản hóa 141 thủ tục hành chính và bãi bỏ 20 thủ tục hành chính. Ngoài ra, Bộ đã trình Chính phủ ký ban hành Nghị quyết số 104/NQ-CP ngày 9/10/2017 về phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Tài chính, đề xuất đơn giản hóa đối với 90 thủ tục hành chính.
Bộ Tài chính cũng đã ban hành Quyết định số 832/QĐ-BTC ngày 31/5/2018 về việc phê duyệt phương án đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa 190/370 điều kiện kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ, đạt 51,4% theo yêu cầu của Chính phủ. Trên cơ sở đó, đã kiến nghị sửa đổi 6 Luật và 16 Nghị định của Chính phủ liên quan đến điều kiện kinh doanh nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Tại Hội nghị Công bố báo cáo chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính năm 2018 (APCI 2018), Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ đã công bố báo cáo đánh giá nhóm thủ tục hành chính thuế đứng thứ nhất, nhóm thủ tục hành chính hải quan đứng thứ 3 trong 8 nhóm thủ tục hành chính được đưa vào đánh giá.
Khảo sát của Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) cũng cho thấy, có đến 71% người nộp thuế được hỏi hài lòng với kết quả cải cách của cơ quan Thuế trong những năm qua.
Báo cáo môi trường kinh doanh (Doing Business) năm 2018 vừa được Ngân hàng Thế giới World Bank (WB) công bố mới đây chỉ rõ, môi trường kinh doanh của Việt Nam có sự cải thiện mạnh, từ vị trí 82 lên vị trí 68/190 nền kinh tế, cải thiện 14 bậc so với năm 2017, trong đó đặc biệt là chỉ số nộp thuế đã có sự cải thiện ngoạn mục với 81 bậc từ thứ 167 lên vị trí 86/190 nền kinh tế.
Ông Nguyễn Đại Trí, Phó tổng cục trưởng Tổng Cục Thuế cho biết, lĩnh vực thuế đã triển khai mở rộng dịch vụ khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế điện tử trên 63/63 tỉnh, thành phố. Đồng thời, xây dựng và triển khai thí điểm hệ thống cấp hóa đơn điện tử có xác thực của cơ quan Thuế tại thành phố Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Bên cạnh đó, nghiên cứu thực hiện phương thức điện tử đối với các dịch vụ: dịch vụ nộp thuế đối với đất đai, hộ cá nhân; dịch vụ nộp lệ phí trước bạ ô tô, xe máy để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, đảm bảo tiết kiệm thời gian và chi phí thực hiện.
Đối với lĩnh vực hải quan, duy trì, đảm bảo vận hành thông suốt, ổn định 24/7 hệ thống VNACCS/VCIS. Về triển khai cơ chế một cửa quốc gia, tính đến 15/8/2018 đã có 11 bộ, ngành tham gia kết nối với 68 thủ tục hành chính với trên 1,4 triệu bộ hồ sơ và trên 23.400 doanh nghiệp tham gia. Việc triển khai cơ chế một cửa ASEAN đã chính thức trao đổi thông tin C/O mẫu D điện tử với 4 nước ASEAN (Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan).
Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, bên cạnh những kết quả đạt được, việc cải cách hành chính vẫn còn bộc lộ một số hạn chế như: hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về tài chính tính ổn định chưa cao khi một số văn bản còn phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn; số lượng thủ tục hành chính lĩnh vực tài chính còn lớn (961 thủ tục hành chính); việc công bố, công khai thủ tục hành chính còn chậm, chưa đúng quy định; mức độ ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính một số lĩnh vực còn hạn chế…