Cao su chuyển hướng vào thị trường nội
Để phát triển ổn định cho cao su | |
Giải cứu cây cao su |
Ảnh minh họa |
Ông Lê Bạch Long, Giám đốc Công ty TNHH Nam Long (huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) cho biết, thay vì chỉ chú trọng xuất khẩu nguyên liệu mủ cao su thô như trước kia sang thị trường các nước, một vài năm trở lại đây do tình hình xuất khẩu gặp khó khăn nên công ty đã chuyển hướng vào sản xuất loại sản phẩm găng tay cao su bán ngay tại thị trường trong nước.
Đến nay, trung bình mỗi năm Nam Long sản xuất cung ứng ra thị trường 20 triệu sản phẩm găng tay cao su các loại. Trong đó, có đến 70% sản phẩm được tiêu thụ trong nước, còn lại 30% bán sang một số nước ASEAN như Thái Lan, Malaysia...
“Nhu cầu tiêu thụ trong nước đối với nhiều loại sản phẩm tiêu dùng có nguồn gốc từ cao su thiên nhiên trong nước đang ngày càng gia tăng. Năm qua công ty đã lắp đặt thêm 1 dây chuyền sản xuất, nhập khoảng 2.400 cặp khuôn mẫu để gia tăng thêm năng lực sản xuất đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng” – ông Long nói.
Tương tự, CTCP Cao su Kỹ thuật Đồng Phú được nhiều người tiêu dùng trong nước biết đến với nhiều loại sản phẩm nệm, gối từ 100% cao su thiên nhiên. Ngoài thị trường xuất khẩu ngay từ năm 2010 đến nay công ty đã mạnh dạn đầu tư dây chuyền sản xuất, cải tiến công nghệ cao để cho ra đời nhiều sản phẩm tiêu dùng, có giá trị gia tăng cao giúp công ty đứng vững và vượt qua giai đoạn khó khăn.
Với việc tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có, kết hợp với việc đưa kỹ thuật sản xuất mới vào thay vì chỉ chú trọng tập trung xuất khẩu nguyên liệu thô, nên Đồng Phú khá tự tin vào khả năng của bản thân mỗi khi thị trường lên xuống, trồi sụt, bấp bênh.
Cách làm của cao su Đồng Phú hay Nam Long không phải nhiều DN trong ngành có thể “theo” được. Bởi thực tế, trong một vài năm trở lại đây giá cao su nguyên liệu xuất khẩu sang thị trường các nước có sự sụt giảm mạnh, ế hàng không bán được do nguồn cung tăng cao.
Chính trong bối cảnh này, nhiều DN xuất khẩu cao su trong nước đã gặp không ít khó khăn, doanh thu lợi nhuận sụt giảm, thậm chí thua lỗ. Việc quay lại thị trường nội địa cũng không đơn giản bởi từ lâu những DN này không có sự chú trọng nên các sản phẩm của DN nước ngoài lấn sân.
Hơn nữa việc đầu tư sản xuất ra thành phẩm đòi hỏi cả một quá trình từ nghiên cứu, sản xuất, phân phối đến làm thị trường, chứ không phải dễ dàng chen chân vào, chứ chưa nói gì đến chuyện có thương hiệu, chỗ đứng.
Bàn về vấn đề này, nhiều DN cao su đã tự nhận thấy sự thiếu năng động của chính mình. Từ lâu vốn quen tồn tại theo lối “cài gì dễ, ít tốn công sức thì làm”, việc gì khó, đòi hỏi nhiều thời gian, tiền của thì bỏ qua. Và đương nhiên, việc khai thác và xuất khẩu nguyên liệu thô bao giờ cũng là lựa chọn ban đầu bởi không phải đầu tư quá nhiều công sức, tiền bạc, tâm huyết.
Ngược lại, muốn cho ra đời được những sản phẩm đã qua quá trình chế biến sâu, có giá trị gia tăng cao, được thị trường chấp nhận dù đó là những nhỏ nhất như chiếc găng tay, đôi ủng cao su cũng phải nỗ lực, tập trung tâm huyết mới có thể thành công.
Theo ông Võ Hoàng An, Tổng Thư ký Hiệp hội cao su Việt Nam, hiện nay một số chính sách ưu đãi về thuế nhập khẩu đối với thiết bị máy móc, dây chuyền công nghệ phục vụ sản xuất chế biến trong nước đã có.
Đồng thời để khuyến khích DN cao su đẩy mạnh sản xuất các loại sản phẩm đang sẵn có nguồn nguyên liệu dồi dào trong nước, các DN chế biến trong ngành còn được ưu tiên giảm thuế thu nhập DN (nhất là các DN trong giai đoạn 5 – 10 năm đầu khi sản xuất kinh doanh chưa ổn định), vay vốn với lãi suất ưu đãi phục vụ đầu tư... vấn đề quan trọng là các DN biết nắm bắt cơ hội và tự vận động, thay đổi như nào trong bối cảnh hội nhập, cạnh tranh hiện nay mới có thể làm chủ vận mệnh của mình.