Giải cứu cây cao su
“Vàng trắng” hết thời
Tại hội thảo “Cây cao su, minh bạch giải trình và phát triển bền vững”, do Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật Thừa Thiên - Huế và Quảng Nam phối hợp với Liên minh Đất rừng (FORLAND) vừa tổ chức tại TP. Tam Kỳ (Quảng Nam), nhiều đại biểu đã cho rằng, cây cao su đang đứng trước nhiều khó khăn, cần sớm được giải cứu…
Người dân không còn mặn mà với cây cao su |
Theo số liệu của cơ quan chức năng, đến nay Việt Nam đang đứng thứ 5 thế giới về diện tích và đứng thứ 4 Đông Nam Á về sản lượng xuất khẩu cao su. Theo đó, trong những năm gần đây diện tích trồng cao su tăng trung bình khoảng gần 4%. Những khu vực tăng nhanh như, Tây Nguyên và Tây Bắc, Đông Nam bộ...
Ước tính đến nay, tổng diện tích cao su trên cả nước đạt con số 1 triệu ha, vượt xa quy hoạch của các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, trong thực tế việc liên tục tăng về diện tích lại đang tỷ lệ nghịch với giá của sản phẩm cao su Việt Nam trên thị trường.
Theo đó, năm 2014, sản lượng cao su thiên nhiên của Việt Nam tăng 0,7%, đạt hơn 953 nghìn tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 1,78 tỷ USD. 9 tháng đầu năm 2015, sản lượng tăng 8,2%, nhưng giá trị xuất khẩu lại giảm 12,8% so cùng kỳ năm 2014.
Vào thời điểm hoàng kim, cây cao su được coi là “vàng trắng” ở nhiều địa phương trong cả nước. Khi giá cao su đạt ngưỡng khoảng 7.000 USD/tấn, đã có hiện tượng nhà nhà đầu tư trồng cao su, bất chấp những khuyến cáo của cơ quan chức năng, thậm chí ở nhiều địa phương vốn không có thế mạnh về địa hình, thổ nhưỡng như ở Bắc Trà My, Đông Giang hay Phước Sơn (Quảng Nam) người dân cũng lao theo phong trào trồng cao su.
Tuy nhiên, sau thời vàng son, đến nay giá cao su trên thị trường liên tục lao dốc thê thảm. Tại thời điểm này, giá cao su chỉ còn khoảng 1.600 USD/tấn. Với mức giá này, bình quân mỗi héc ta cao su sau khi trừ các khoản chi phí, phần lợi nhuận mỗi năm chỉ khoảng 20 triệu đồng, thậm chí còn có thể bị lỗ.
Từ cây trồng chủ lực, xoá đói giảm nghèo thậm chí là để làm giàu thì đến nay cây cao su đã và đang trở thành gánh nặng cho nhiều DN lẫn hộ dân. Nhiều DN chế biến, xuất khẩu cao su ở miền Trung cho biết, do giá cao su trên thị trường sụt giảm liên tục, tiền bán mủ chỉ đủ chi phí duy trì hoạt động, trong khi DN vẫn phải chăm sóc vườn cao su.
Kéo theo, đời sống của công nhân cũng gặp khó khăn. Về phía hộ dân trồng cao su, từ những kỳ vọng đến nay nhiều bà con không còn mặn mà với “vàng trắng”. Ngoài việc, giá mủ cao su đang giảm mạnh trên thị trường, người trồng cao su còn phải đối mặt với dịch bệnh, gió bão…
Cùng lúc gặp nhiều khó khăn, nên đang có không ít hộ bỏ mặc vườn hoang thậm chí nhiều nơi như ở Quảng Trị, Đắk Nông người dân đã chặt bỏ cây cao su… lấy gỗ, lấy đất trồng hồ tiêu đang có giá trên thị trường.
Cần nhiều giải pháp
Ngoài việc “ngó lơ” của cả DN lẫn người trồng, cộng thêm một thời gian phát triển quá “nóng” cây cao su đang để lại những hệ luỵ khó lường. Theo tính toán của Hiệp hội Cao su Việt Nam trong những năm tới, mỗi năm cả nước sẽ có 35 nghìn đến 45 nghìn ha cao su quá tuổi khai thác phải chặt bỏ để tái canh hoặc chuyển đổi cây trồng.
Thực tế, việc chuyển đổi đất rừng sang trồng cao su tự phát là một trong những nguyên nhân gây diện tích rừng tự nhiên lẫn rừng trồng luôn sụt giảm. Yêu cầu có những giải pháp cấp bách để giải cứu cây cao su, trước mắt Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã khuyến cáo DN, hộ dân không tiếp tục mở rộng diện tích. Tuy nhiên, để có thể giúp DN lẫn người dân trồng cao su đối phó với nhiều khó khăn như hiện nay rất cần nhiều giải pháp.
Bà Trần Thị Thúy Hoa, Chánh văn phòng Hiệp hội Cao su Việt Nam cho biết, trước những khó khăn đang mang lại cho cây cao su, trong thời gian tới, các ngành chức năng cũng như DN cao su cần tìm ra những giải pháp ứng phó thích hợp với tình hình thị trường.
Theo bà Hoa, diện tích cây cao su có thể không mở rộng nhưng năng suất cần được tăng lên để đảm bảo lợi nhuận cho người trồng lẫn DN. Bên cạnh, cần đầu tư sản xuất thành phẩm cao su để nâng giá trị gia tăng cho ngành cao su và tăng tiêu thụ cao su thiên nhiên trong nước theo nhu cầu của thị trường, phát triển theo hướng bền vững.
Tương tự, bà Lê Thị Mỹ Hạnh, Liên hiệp Các hội khoa học - kỹ thuật Thừa Thiên - Huế cũng cho rằng, trong giai đoạn này các địa phương, không nên mở rộng thêm diện tích trồng cao su vì rủi ro rất cao. Ngoài ra, cũng cần cắt giảm chi phí đầu tư và đẩy nhanh chế biến sâu để nâng cao giá trị gia tăng cho sản xuất cao su.
Cũng tại Hội thảo “Cây cao su, minh bạch giải trình và phát triển bền vững”, nhiều đại biểu tham gia cho rằng, DN và người trồng cao su cần gắn kết hơn trong bối cảnh nhiều khó khăn như hiện nay.
Trong đó, DN và người dân thống nhất cơ chế chia sẻ lợi nhuận. Chi phí không nằm trong đầu tư vào cây cao su thì không đưa vào tính toán buộc người dân phải chia sẻ những khoản không hợp lý.
Bên cạnh, DN phải có phương án hỗ trợ cho hộ trồng cao su, khuyến khích bà con đa dạng hóa nguồn thu nhập bằng cách trồng xen canh hoặc chăn nuôi… tăng thu nhập trong điều kiện giá mủ cao su giảm. Đặc biệt, cần chú trọng đầu tư sản xuất thành phẩm cao su để nâng giá trị gia tăng, phát triển theo hướng bền vững.