Để phát triển ổn định cho cao su
Giá mủ cao su thấp nhất trong 6 năm
Những ngày cuối tháng 12/2015, giá mủ cao su tại Bình Thuận chỉ còn dao động từ 5 - 7 ngàn đồng/kg, thấp hơn 3 - 4 lần so với những năm trước. Trong khi đó, giá mủ cao su tạp tại những vùng trồng cao su lớn, như Đồng Nai, Bình Phước, Đắk Nông, Đắk Lắk cũng liên tiếp giảm xuống chỉ còn 8 ngàn đồng/kg, cao su SVR hạ còn 24,7 - 25 ngàn đồng/kg. Đây là mức giá thấp nhất trong vòng 6 năm qua. Nguyên nhân của tình trạng này được xác định là do giá mủ cao su thế giới sụt giảm đã tác động đến thị trường trong nước.
Xu hướng giá cao su thế giới |
Đứng trước tình trạng giá cao su sụt giảm liên tục, đến mức doanh số bán hàng không đủ chi trả chi phí thuê nhân công, tại Đồng Nai nhiều nhà vườn đã ngưng khai thác mủ cao su. Thậm chí, đã xảy ra tình trạng một số vườn cao su 1 - 2 năm tuổi đã bị chặt hạ để chuyển sang trồng cây khác.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện cả nước có gần 1 triệu ha cao su, nhưng do giá giảm nên chỉ có 60% diện tích được khai thác. Trong năm 2015, xuất khẩu cao su của Việt Nam đạt trên 1,1 triệu tấn, kim ngạch đạt hơn 1,5 tỷ USD, tăng hơn 6% về lượng nhưng lại giảm gần 14,5% về giá trị.
Để thích ứng với giá cao su xuống thấp, trong 6 năm qua, người trồng cao su theo khuyến cáo của Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA) đã tiến hành các biện pháp giảm chi phí, tăng hiệu quả sử dụng đất, đồng thời giảm sản lượng tạm thời để cân đối lại cung cầu. Tuy nhiên, các biện pháp này xem ra chưa đủ vực dậy thị trường, bởi giá cao su còn phụ thuộc phần lớn vào nhu cầu tiêu thụ thế giới.
Theo bà Trần Thị Thúy Hoa, Chánh văn phòng VRA, điều quan trọng với ngành cao su hiện nay, ngoài việc làm sao tìm cách giảm giá thành sản xuất, đồng thời giảm sản lượng để cân đối cung cầu, còn cần có các giải pháp để người lao động đủ sống, giúp họ tiếp tục gắn bó với ngành. Kế đến là tăng hiệu quả trên vườn cây cao su, chẳng hạn có thể dành một phần diện tích trồng xen những thứ cây khác, hay chăn nuôi theo thời vụ.
Ngoài ra, có thể chuyển sang chế biến các sản phẩm mà xu hướng thế giới đang cần như: thảm, gạch, nhựa đường, đập thủy lợi làm từ cao su… Nghĩa là làm sao đa dạng hóa cách chế biến, cũng như sản phẩm cao su, thay vì như hiện nay phụ thuộc quá nhiều vào ngành ô tô…
Tìm hướng phát triển ổn định
Theo ông Lại Văn Lâm (Ban Quản lý kỹ thuật - Tập đoàn Cao su Việt Nam), từ năm 2013 đến nay, nhận thức được tác động bất thuận của thị trường cao su thế giới do nhiều nguyên nhân, tập đoàn đã chủ động triển khai, ứng dụng vào sản xuất các giải pháp kỹ thuật thích hợp để đối phó với những bất lợi về giá cao su.
Cụ thể như, cơ cấu giống được áp dụng riêng biệt cho 7 vùng trồng cao su lớn (5 trong nước và 2 ngoài nước); vườn trồng được kiến thiết, tổ chức xen canh cây ngắn ngày để đa dạng hóa sản xuất trên vườn cây, nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Một vấn đề nữa không kém phần quan trọng là, lượng phân bón được điều chỉnh giảm bình quân 35%, tiến tới bón phân theo chẩn nghiệm dinh dưỡng.
Ngoài ra, DN cũng tiến hành các biện pháp điều chỉnh nhịp độ cạo mủ để tăng năng suất lao động… “Các giải pháp kỹ thuật này đã kịp thời góp phần tiết kiệm đầu tư cũng như chi phí sản xuất mủ của tập đoàn”, ông Lâm cho biết.
Cũng theo một đại diện Tập đoàn Cao su Việt Nam, trong thời gian tới, ngành cao su thiên nhiên tại Việt Nam vẫn tiếp tục phải đối mặt với các thách thức về biến động thất thường của giá bán cao su. Vì vậy, việc tiếp tục nghiên cứu phát triển và vận dụng hệ thống các giải pháp kỹ thuật, hướng đến đạt hiệu quả kinh tế tối ưu là hết sức quan trọng cho sự phát triển bền vững của ngành này.
Còn trên diện rộng hơn, theo một số chuyên gia, các nước sản xuất cao su thiên nhiên chủ yếu tập trung ở khu vực ASEAN, nên sau khi Cộng động Kinh tế ASEAN (AEC) chính thức có hiệu lực, các nước rất có thể sẽ có tiếng nói chung để tác động lên giá cao su theo chiều hướng tích cực.
Bằng chứng là, VRA cho biết, các nước sản sản xuất cao su lớn bao gồm Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Lào, Campuchia, Myanmar và Việt Nam đang hướng đến việc thành lập thị trường cao su trong khu vực. Qua đó, có thể trực tiếp tác động để có được mức giá hợp lý cho cao su thiên nhiên, đặc biệt để hỗ trợ cho người trồng cao su duy trì sản xuất.