Chấm dứt cho vay ngoại tệ: Không nên trì hoãn nữa
Chỉ kéo dài cho vay ngoại tệ để SXKD hàng xuất khẩu đến hết 31/3/2016 | |
Dự thảo Thông tư cho vay ngoại tệ: Tạo sự chủ động cho doanh nghiệp | |
Thời điểm chín muồi giảm cho vay ngoại tệ |
Với quy định chấm dứt cho vay bằng ngoại tệ, từ ngày 31/3 tới đây (tại Điều 3, khoản 1 c, Thông tư 24/NHNN), ông có bình luận gì?
Ông Phạm Hồng Hải |
Theo quy định trên, các doanh nghiệp chỉ được vay ngoại tệ đến 31/3/2016 để thanh toán trong nước khi có nguồn thu ngoại tệ xuất khẩu. NHNN đã linh hoạt tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vay ngoại tệ để thanh toán trong nước trong vài năm gần đây do muốn hỗ trợ tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng kinh tế.
Theo đó, quy định này cũng đã được gia hạn một vài năm nhằm giúp giảm chi phí vốn vay cho doanh nghiệp và kích thích tăng trưởng kinh tế. Tăng trưởng tín dụng đã tăng mạnh trở lại trong năm 2015 và 3 tháng đầu năm 2016, tăng trưởng kinh tế cũng đã hồi phục một cách hết sức ấn tượng.
Tuy nhiên, định hướng hạn chế cho vay ngoại tệ nhằm chống đôla hóa nền kinh tế vẫn là mục tiêu xuyên suốt của NHNN và Chính phủ. Thông tư này chính là nhằm hạn chế cho vay ngoại tệ và chống đôla hóa nền kinh tế. NHNN muốn từng bước chuyển dịch từ quan hệ vay và gửi ngoại tệ sang quan hệ mua bán ngoại tệ.
Hơn thế nữa, về lâu dài, điều này sẽ giúp tăng vị thế của VND và tăng tính ổn định của thị trường ngoại hối. Do đó, có lẽ đã đến lúc NHNN bắt đầu thực thi quy định để từng bước thực hiện lộ trình chống đôla hóa nền kinh tế và tôi tin rằng, NHNN nhiều khả năng sẽ ngưng cho vay ngoại tệ cho thanh toán trong nước vào 31/3/2016.
Điều 3, khoản 1 c, Thông tư 24/NHNN “Cho vay ngắn hạn để đáp ứng các nhu cầu vốn ngắn hạn ở trong nước nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu biên giới Việt Nam mà khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu xuất khẩu để trả nợ vay; khi được tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài giải ngân vốn vay, khách hàng phải bán số ngoại tệ vay đó cho tổ chức tín tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho vay theo hình thức giao dịch hối đoái giao ngay (spot), trừ trường hợp nhu cầu vay vốn của khách hàng để thực hiện giao dịch thanh toán mà pháp luật quy định đồng tiền giao dịch phải bằng ngoại tệ. Quy định này thực hiện đến hết ngày 31/3/ 2016”. |
Theo ông điều này mang tới những tác động gì cho doanh nghiệp và phía ngân hàng?
Những khách hàng không còn thuộc diện được vay ngoại tệ sẽ phải chuyển sang vay vốn bằng VND. Lãi suất cho vay bằng VND cao hơn lãi suất vay USD dẫn đến chi phí vay vốn sẽ tăng lên. Tuy nhiên, thực tế mặt bằng lãi suất vay bằng VND đã giảm mạnh trong vài năm gần đây nên chênh lệch lãi suất vay USD và VND hiện nay không còn quá lớn.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp xuất khẩu có thể tham gia bán kỳ hạn doanh thu xuất khẩu ngoại tệ nếu họ kỳ vọng VND không mất giá nhiều như chênh lệch lãi suất giữa 2 đồng tiền. Ngược lại, nếu các doanh nghiệp xuất khẩu kỳ vọng VND sẽ mất giá nhiều hơn chênh lệch lãi suất giữa 2 đồng tiền, các doanh nghiệp có thể bán giao ngay khi thu được doanh thu xuất khẩu.
Về phía ngân hàng, nguồn vốn ngoại tệ sẽ tăng do nhu cầu vay ngoại tệ giảm nên các ngân hàng cũng không cần đẩy mạnh các hoạt động huy động ngoại tệ nữa. Nhưng đồng thời, các ngân hàng cần chuẩn bị nguồn vốn VND để đáp ứng được nhu cầu của khách hàng chuyển dịch từ vay ngoại tệ sang vay VND.
Liệu sau khi quy định trên của Thông tư 24 có hiệu lực, lãi suất huy động USD đang ở mức 0% hiện nay có xuống mức lãi suất âm hay không?
Theo tôi, lãi suất huy động USD sẽ không xuống mức âm do các ngân hàng vẫn cần vốn ngoại tệ để cho vay các doanh nghiệp có nguồn thu xuất khẩu và có nhu cầu thanh toán nước ngoài; các doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu; các dự án đầu tư ra nước ngoài đã được Quốc hội, Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư và đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài; các nhu cầu vốn thuộc lĩnh vực ưu tiên, khuyến khích phát triển sản xuất, kinh doanh khác nếu được chấp thuận.
Ngoài ra, mặt bằng lãi suất USD của thế giới đã tăng sau khi Fed bắt đầu tăng lãi suất vào tháng 12/2015 và nhiều khả năng Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong năm 2016 thì đây cũng là những hàm ý chính sách đáng chú ý.
Xin cảm ơn ông!
Không còn nhu cầu nắm giữ USD Theo số liệu của NHNN, đến thời điểm 10/3/2016, huy động vốn ngoại tệ bình quân của hệ thống ngân hàng giảm 3,5% so với thời điểm 31/12/2015. Điều này cho thấy nhu cầu nắm giữ USD giảm xuống, tình trạng đôla hóa tiếp tục chuyển biến tích cực. Nhiều ngân hàng cho biết, do diễn biến của tỷ giá giảm - trái với kỳ vọng tỷ giá tăng trước đó của các doanh nghiệp nên nhiều doanh nghiệp có nguồn thu USD đã bán ngay ngoại tệ cho ngân hàng khi nhận được tiền thanh toán từ nước ngoài khiến cung USD dồi dào. Trong khi đó, sức mua ngoại tệ của các DN nhập khẩu không tăng nên cung cầu USD luôn ở trạng thái khá ổn định. Ngoài ra, việc Việt Nam xuất siêu gần 800 triệu USD trong quý I vừa qua cũng là yếu tố khiến doanh nghiệp và người dân không còn nhu cầu nắm giữ USD, qua đó cũng giúp tỷ giá thêm ổn định. |