Thời điểm chín muồi giảm cho vay ngoại tệ
Cụ thể, các NH chỉ cho vay ngắn hạn đối với DN đầu mối nhập khẩu xăng dầu được Bộ Công Thương giao hạn mức nhập khẩu xăng dầu năm 2014, có nhu cầu vay vốn bằng ngoại tệ để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu xăng dầu khi khách hàng vay không có hoặc không có đủ nguồn thu ngoại tệ từ hoạt động sản xuất, kinh doanh để trả nợ vay được thực hiện đến hết ngày 31/12/2014. Nhóm đối tượng mà các NH không được cho vay ngoại tệ, sau ngày 31/12/2014 là DN vay ngắn hạn để đáp ứng các nhu cầu vốn ở trong nước thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu biên giới...
Lãnh đạo một NHTMCP lớn chia sẻ: Quy định trên có hiệu lực sẽ tác động đến việc cho vay ngoại tệ của các NH và có thể ảnh hưởng chung đến tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống từ năm sau và cũng giảm đi sự đa dạng trong cho vay của các NH.
DN đã điều chỉnh nhu cầu ngoại tệ phù hợp với quy định mới
Tuy nhiên, TS. Cấn Văn Lực đưa ra ba lý do để minh chứng cho việc dừng cho vay ngoại tệ đối với một số đối tượng DN là không đáng lo ngại. Đó là hiện tỷ lệ cho vay ngoại tệ của các NH chỉ chiếm 13 – 14%/tổng dư nợ. Thứ hai, NHNN đưa ra thông điệp về hạn chế cho vay ngoại tệ từ 2-3 năm trở lại đây và cũng thực hiện hoãn đôi lần nên NH và DN đã có thời gian để chuẩn bị. Thứ ba, hiện tỷ giá đang diễn biến khá ổn định nên thời điểm này chấm dứt hoạt động cho vay ngoại tệ đối với một số đối tượng là hợp lý. “Việc giảm bớt cho vay ngoại tệ, một mặt giảm bớt sự lệ thuộc vào đồng USD, nâng vị thế đồng nội tệ, mặt khác vừa chống và giảm đô la hóa trong nền kinh tế”, TS. Lực nhấn mạnh.
Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) - ông Nguyễn Tiến Đông cho biết, con số thống kê tín dụng cho vay ngoại tệ cho thấy các NH cũng như DN đã chủ động giảm dần hoạt động vay và cho vay ngoại tệ. Nếu như thời điểm 6 tháng đầu năm 2014 tăng trưởng tín dụng ngoại tệ khoảng 10% thì đến thời điểm này, tín dụng ngoại tệ đang ở mức 12,8%. Nghĩa là trong suốt gần 6 tháng qua tín dụng ngoại tệ chỉ tăng được 2,8%. Điều này cho thấy nhu cầu vay vốn ngoại tệ của các DN, thành phần kinh tế không lớn như trước đây và có dấu hiệu giảm dần.
Nguyên nhân cầu tín dụng ngoại tệ không tăng trong mấy tháng trở lại đây được một DN chia sẻ: thường cầu tín dụng ngoại tệ DN chủ yếu là ngắn hạn theo chu kỳ kinh doanh, cũng như vòng quay thanh toán hàng xuất khẩu. Thực ra việc vay ngoại tệ của các DN dịp đầu năm được tính toán trên cơ sở lợi ích. Lãi suất cho vay ngoại tệ đã thấp hơn trong khi tỷ giá được Thống đốc NHNN khẳng định là biến động không quá 2% nên khi so với lãi suất VND thì DN thấy vay bằng ngoại tệ có lợi hơn thì vẫn vay. Vì vậy, tăng trưởng tín dụng ngoại tệ đầu năm cao, nhưng cuối năm thì không như vậy.
Qua theo dõi của NHNN những tháng cuối năm, có tháng tín dụng ngoại tệ tăng trưởng âm, có tháng hầu như không tăng trưởng. Trong khi lãi suất cho vay bằng VND liên tục giảm thì lãi suất cho vay đồng USD gần như không thay đổi. Hiện lãi suất cho vay ngoại tệ theo phản ánh các DN ở mức 4 – 5%/năm, trong khi lãi suất VND ở mức 6-7%/năm, thậm chí có thể thấp hơn nếu là DN có dự án tốt, có uy tín. Như vậy, chênh lệch lãi suất giữa hai đồng tiền USD và VND giảm đáng kể nên DN cũng không mặn mà vay bằng USD.
Lãnh đạo một NHTMCP trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh cho biết, mấy tháng nay, NH này chủ động giảm cho vay ngoại tệ để đảm bảo cân đối trạng thái và nhu cầu thực tế vay ngoại tệ của DN không nhiều. Do vậy, theo ông Nguyễn Tiến Đông, trường hợp NHNN có hạn chế đối tượng được vay vốn bằng ngoại tệ thì cũng không ảnh hưởng đến nhập khẩu của các DN phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.
Việc NHNN không nhân nhượng thêm một lần nữa đối với các đối tượng vay ngoại tệ không phải không có cơ sở. Một chuyên gia phân tích cả lý do chủ quan lẫn khách quan: Thặng dư thương mại dự kiến cả năm đạt 2,3 tỷ USD; kiều hối chảy về Việt Nam trong năm 2014 khoảng 11 tỷ USD, chưa kể vốn FDI cho thấy nguồn cung ngoại tệ khá dồi dào. Trong khi đó, nhu cầu ngoại tệ vào thời điểm này chủ yếu phục vụ đơn vị xuất khẩu dùng để nhập khẩu. Mà các DN này có nguồn thu bằng ngoại tệ trả nợ NH thì không gây sức ép nhiều tới quan hệ cung cầu ngoại tệ trên thị trường. Chỉ có một phần các DN nhập khẩu chủ yếu bán trong nước thu bằng nội tệ phải mua ngoại tệ các NH để trả nợ ngoại tệ có tạo sức ép chút ít, song đối tượng này không đáng kể.
“Nhưng trong tổng thể cán cân như vậy, cung vẫn át cầu. Bên cạnh đó, lãi suất VND đang khá rẻ, tỷ giá ổn định thì không ai găm giữ đầu cơ ngoại tệ cả”, một chuyên gia NH nhận định.
Tuy nhiên, TS. Cấn Văn Lực cũng lưu ý: Để tạo điều kiện cho DN kinh doanh, theo quy định một số trường hợp có nhu cầu ngoại tệ thực sự khi phải xin phép NHNN thì cơ quan quản lý nên xử lý nhanh chóng cho DN. Vì trong giao dịch thanh toán quốc tế, đến hạn phải thanh toán, chỉ cần chậm một ngày DN sẽ bị phạt và quan trọng hơn là ảnh hưởng đến uy tín của họ. Bên cạnh đó, các NH cũng như DN cần phải quan tâm nhiều hơn đến nghiệp vụ phái sinh, hoán đổi từ tiền VND sang USD và ngược lại…
Nguyễn Vũ