Chỉ còn cửa tiến, không có đường lui
Ba rào chắn cạnh tranh trên sân nhà | |
Phải nâng cao năng lực cạnh tranh | |
Cần có quyết sách thực hiện hiệu quả bão lãnh tín dụng DNNVV |
Lợi thế nhiều nhưng yếu
Việt Nam hiện đang ngày càng hội nhập mạnh mẽ và sâu rộng nếu không cải thiện năng lực cạnh tranh của sản phẩm Việt, thương hiệu Việt, DN Việt thì nguy cơ thua trên sân nhà là rất cao. Đây là chuyện sống còn của DN và của cả nền kinh tế.
Với hơn 97% số DN trong cả nước là DNNVV, khối này đang sử dụng 51% tổng số lao động xã hội, đóng góp 25% tổng kim ngạch xuất khẩu và khoảng 35% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, đóng góp 40% GDP, 30% tổng thu ngân sách Nhà nước… DNNVV là động lực quan trọng tăng trưởng kinh tế, nhưng năng lực cạnh tranh còn rất hạn chế, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng phát triển.
Ảnh minh họa |
Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài, Giám đốc Dự án Năng lực thương mại Việt Nam khẳng định vai trò của DNNVV và chỉ ra những thế mạnh của khối này, đó là năng động, linh hoạt trong kinh doanh và đầu tư, tham gia ngày càng nhiều và có hiệu quả vào đổi mới và sáng tạo, tạo ra việc làm nhiều nhất để đáp ứng nhu cầu gia tăng lao động hàng năm.
DNNVV nhanh chóng thích nghi với thay đổi của thị trường, sẵn sàng phục vụ ở những nơi xa xôi nhất mà các DN lớn chưa quan tâm, tổ chức bộ máy quản trị gọn nhẹ. Vòng quay sản phẩm nhanh, khi phát hiện thay đổi nhu cầu của thị trường, có thể nhanh chóng chuyển hướng kinh doanh, phát huy tính năng động sáng tạo, nhạy bén trong lựa chọn mặt hàng.
Tuy nhiên, DNNVV cũng có nhiều hạn chế. DNNVV có vốn ít và khả năng tiếp cận vốn bị hạn chế khi muốn đầu tư đổi mới công nghệ, khó tiếp cận công nghệ tiên tiến, mở rộng thị trường. DNNVV rất khó khăn trong đầu tư công nghệ mới, đặc biệt là các công nghệ đòi hỏi vốn lớn, nguồn nhân lực chất lượng cao, từ đó ảnh hưởng đến năng suất lao động, chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh trên thị trường. DNNVV khó tiếp cận thị trường do nguồn lực có hạn, trình độ quản trị DN bị hạn chế.
Quy mô nhỏ nên khó tổ chức được những bộ phận chuyên sâu, đặc biệt các bộ phận ít liên quan trực tiếp đến sản xuất như nghiên cứu thị trường, xây dựng thương hiệu, pháp chế DN... Chính vì vậy rất nhiều DNNVV không biết những thông tin về các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã tham gia ký kết, hay các thông tin về TPP và Cộng đồng Kinh tế ASEAN…
Giải pháp nào để nâng cao năng lực cạnh tranh
Các chuyên gia kinh tế cho biết, cùng với Luật Đầu tư và Luật DN 2014 đã có hiệu lực, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam đã có những tiến bộ đáng ghi nhận, năm 2016 đã có 110.000 DN mới được thành lập, đây là con số kỷ lục.
Vừa qua, dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV cũng đã được trình lên Quốc hội và sẽ được thông qua trong các kỳ họp tới. Đây là tín hiệu đáng mừng đối với DNNVV, cũng là những điều kiện thuận lợi để nâng cao chất lượng DNNVV, nâng cao năng lực cạnh tranh của DN theo đúng tư tưởng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ: xây dựng Nhà nước kiến tạo, lấy DN làm đối tượng phục vụ, đồng thời bảo đảm thực thi nghiêm minh pháp luật.
Tuy nhiên, Nhà nước cần có chính sách tạo điều kiện tối đa để các DNNVV tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Hiện tại thiếu vốn là căn bệnh trầm kha của các DNNVV song tiếp cận nguồn vốn tín dụng luôn là bài toán khó với các DN này vì không đủ tài sản thế chấp, không đủ điều kiện tín chấp dù tổng vốn vay không lớn.
Cùng với đó, Chính phủ cũng cần có chính sách khuyến khích các công ty lớn, tập đoàn kinh tế, góp vốn thành lập các quỹ đầu tư mạo hiểm, đồng thời ban hành chính sách khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam nhằm tạo ra nguồn lực cho DN mới ra đời trong đó có DN khởi nghiệp.
Đồng thời triển khai rộng khắp ở các tỉnh, thành phố các vườn ươm DN trên cơ sở nhân rộng mô hình thành công đã được kiểm chứng để DNNVV có điều kiện thuận lợi biến ý tưởng, sáng kiến thành sản phẩm, dịch vụ cung ứng cho thị trường với chất lượng cao và giá cả cạnh tranh.
Ông Nguyễn Văn Toàn cho rằng, Chính phủ cần có chính sách tạo sự liên kết giữa các DN, tạo điều kiện và hành lang pháp lý cho các hiệp hội DN, các hiệp hội ngành nghề, địa phương phát triển. Bởi khi các hiệp hội phát triển vững mạnh, các DN sẽ được hỗ trợ nhiều mặt như: kinh nghiệm sản xuất, quản lý, xây dựng thương hiệu… kinh doanh nội khối và bên ngoài, cầu nối với cơ quan quản lý Nhà nước, tháo gỡ khó khăn vướng mắc của DN, đóng góp xây dựng văn bản pháp luật...
Những năm qua, ngành NH đã triển khai mạnh mẽ việc kết nối giữa NHTM với DN và đã có kết quả rất tích cực, tuy nhiên với DNNVV thì còn hạn chế. Ông nêu điển hình một giải pháp đã có hiệu quả như Hiệp hội DNNVV tỉnh Tuyên Quang ký thỏa thuận hợp tác với các chi nhánh NHTM của tỉnh để hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn tín dụng cho các DN hội viên là một sáng kiến cần được nghiên cứu và nhân rộng.
Một số chuyên gia kinh tế thì cho rằng, các cơ quan chức năng cần tạo sự liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm mới là giải pháp nhanh và hữu hiệu để các DNNVV có thể xây dựng thương hiệu của mình. Khi các DNNVV tham gia cung ứng linh kiện, bán thành phẩm đảm bảo chất lượng cho các DN lớn đã có thương hiệu tốt, tạo ra sản phẩm có sức cạnh tranh cao trên thị trường thì chính thương hiệu và năng lực cạnh tranh của DN cung ứng cũng được nâng cao. Phát triển công nghiệp hỗ trợ là bước đi rất cần thiết và phù hợp để nâng cao năng lực cạnh tranh của DN Việt.