Phải nâng cao năng lực cạnh tranh
Chủ động tạo sân chơi bình đẳng cho DN | |
Hợp tác nâng cao năng lực cạnh tranh | |
Cạnh tranh nội - ngoại: Sân nhà phải vững |
Nâng cao năng lực cạnh tranh không chỉ là nhu cầu cấp thiết, liên tục và lâu dài, mà còn là vấn đề sống còn của DN và nền kinh tế. Các chuyên gia cho rằng, nếu DNNVV không cải thiện năng lực cạnh tranh của sản phẩm, thì nguy cơ thua trên sân nhà là rất cao.
LS. Lê Anh Văn, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ Pháp luật và Phát triển nguồn nhân lực, Hiệp hội DNNVV Việt Nam cho rằng, nhìn vào thực trạng quy mô và năng lực hoạt động các DNNVV của Việt Nam, chúng ta thấy nổi lên những con số đáng quan ngại. Chỉ có khoảng 21% DNNVV của Việt Nam liên kết được với chuỗi cung ứng toàn cầu, trong khi Thái Lan là 30%, Malaysia là 46%.
Ảnh minh họa |
Ước tính chúng ta chỉ có chưa đến 0,1% DN hoạt động trong lĩnh vực khoa học công nghệ. Chi phí đầu tư cho đổi mới khoa học công nghệ của DN Việt Nam chỉ chưa đầy 0,3% doanh thu, trong khi tại Ấn Độ tỷ lệ này là 5%, Hàn Quốc là 10%, Nhật Bản là 50%. DNNVV Việt Nam lại đa phần làm dịch vụ, chỉ khoảng 20% là hoạt động sản xuất, có tới 42% DN có doanh thu hàng năm dưới 1 tỷ, lượng DN tư nhân vẫn tăng hàng năm nhưng quy mô bình quân kể từ khi Luật DN ra đời đến nay không lớn.
Đặc biệt, theo ông Văn, chính sách hỗ trợ DNNVV của chúng ta còn nhiều bất cập. Ví như chương trình trợ giúp DNNVV không có đánh giá kết quả hỗ trợ. Một số chương trình mới dừng ở mức ước tính tỷ lệ DNNVV có thể tham gia hoặc rất chung chung. Đồng thời, thiếu các tiêu chí đánh giá tác động của chính sách, của các chương trình đến sản xuất, kinh doanh của DNNVV.
Bên cạnh đó, tiến độ thực hiện các chính sách, chương trình trợ giúp DNNVV còn rất chậm. Thời gian để xây dựng các văn bản quy phạm hướng dẫn thực hiện kéo dài 2-3 năm, như Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến 2020, Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia gắn với công nghệ tiên tiến... Dù Quỹ phát triển DNNVV đã được thành lập sau hơn 3 năm xây dựng đề án, nhưng hiện nay nhiều DN vẫn chưa tiếp cận được vốn của quỹ. Việc thực hiện các chính sách hỗ trợ bị vướng giữa chương trình hỗ trợ với luật chuyên ngành.
Đáng quan ngại hơn, mức độ xây dựng và thực hiện chính sách trợ giúp DNNVV ở cấp địa phương còn rất hạn chế; Công tác nắm bắt nhu cầu và tình hình sản xuất kinh doanh của DNNVV còn yếu. Nhiều địa phương chưa chủ động xây dựng các chương trình, chính sách trợ giúp DNNVV trên địa bàn, mà hầu hết mới chỉ tham gia thực hiện các chương trình do các bộ, ngành chủ trì với mức độ ít ỏi...
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Toàn, Phó chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài thì cho rằng, kinh tế Việt Nam đang ngày càng hội nhập mạnh mẽ và sâu rộng với khu vực và thế giới. Nâng cao năng lực cạnh tranh không chỉ là nhu cầu cấp thiết, liên tục và lâu dài, mà còn là vấn đề sống còn của DN và nền kinh tế.
Hiện tại thiếu vốn là căn bệnh trầm kha của các DNNVV, song tiếp cận nguồn vốn tín dụng luôn là bài toán khó với các DN này vì không đủ tài sản thế chấp, không đủ điều kiện tín chấp, tổng vốn vay không lớn. Vì vậy, Chính phủ cần có chính sách khuyến khích các công ty lớn, tập đoàn kinh tế, những nhà hảo tâm góp vốn thành lập các quỹ đầu tư mạo hiểm. Đồng thời, ban hành chính sách khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài thành lập các quỹ loại này tại Việt Nam nhằm tạo ra nguồn lực cho DN mới ra đời, trong đó có DN khởi nghiệp.
Cũng theo ông Toàn, một trong những vấn đề thiết yếu nhất hiện nay là cần tạo được sự liên kết giữa các DN, tạo điều kiện và hành lang pháp lý cho các hiệp hội DN, các hiệp hội ngành nghề, địa phương phát triển. Khi các hiệp hội phát triển vững mạnh, các DN sẽ được hỗ trợ nhiều mặt như kinh nghiệm sản xuất, quản lý, xây dựng thương hiệu...
“Có thể lấy trường hợp Hiệp hội DNNVV Tuyên Quang ký thoả thuận hợp tác với các chi nhánh NHTM của tỉnh để hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn tín dụng cho các DN hội viên. Đây là một sáng kiến cần được nghiên cứu và nhân rộng”, ông Toàn nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Chính phủ cần có chính sách tạo sự liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm, bởi lẽ đây là giải pháp nhanh và hữu hiệu để các DNNVV có thể xây dựng thương hiệu của mình. Bên cạnh đó, cần có chính sách, giải pháp thông thoáng hơn khuyến khích sự dẫn dắt, lan toả của các DN lớn đã có thương hiệu, đặc biệt là các DN có vốn đầu tư nước ngoài tới các DNNVV.