Chi nhánh NHCSXH Lào Cai: Canh cánh ước mơ của người nghèo
“50% số hộ trên địa bàn tỉnh Lào Cai là khách hàng của NHCSXH”. Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh Lào Cai, Nguyễn Hải Hà cho biết và lý giải, toàn tỉnh có 8 huyện và một thành phố thì có 3 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a, 3 huyện theo Quyết định số 293/QĐ-TTg 26 xã biên giới, 95 xã đặc biệt khó khăn, dân tộc thiểu số chiếm trên 64,1%. Nhiều xã tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn 40-50% nên hoạt động cho vay xóa đói giảm nghèo là câu chuyện mang tính dài hạn.
Nông dân Lào Cai mạnh dạn vay vốn mở rộng chăn nuôi, tăng thu nhập, thoát nghèo |
Trường kỳ xoá nghèo
Anh Lâm Văn Hương, thôn La Hối Tày huyện Bắc Hà vừa cất xong ngôi nhà mới rộng rãi khang trang cả trăm triệu đồng, thay cho nếp nhà cũ ọp ẹp, chắp vá cũng gần bằng tuổi thằng con trai đầu sinh năm 1999. Vết tích của căn nhà cũ giờ chỉ còn những tấm tôn xi-măng thủng lỗ chỗ bằng bàn tay do trận mưa đá năm 2013 gây ra, anh giữ lại để nhớ một thời cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc khi chưa biết đến dòng vốn chính sách.
“Thường trú” trong danh sách hộ nghèo của NHCSXH từ cái thời đầu thành lập đã hơn chục năm, đầu năm 2015, lần đầu tiên gia đình anh được “vắng mặt”. Giấc mơ thoát nghèo của anh bắt đầu từ việc cán bộ NHCSXH đến vận động gia đình vay chăn nuôi tăng gia sản xuất, gây cấy đàn lợn. Rồi đến một ngày, Hương đã có thể mang tiền lên chợ Cán Cấu mua con ngựa cái vừa để có sức kéo, vừa trông ngóng một ngày không xa sẽ có thêm chú ngựa con.
Cứ thế, dồn tích dần, giờ lúa ngô trong nhà đã đủ để ăn và chăn nuôi. Tài sản của anh cũng ngày một đa dạng với 8 con lợn, một con trâu, một con ngựa cái, 50 gốc mận, giúp anh nuôi 4 đứa con đang tuổi ăn tuổi học.
Giám đốc Chi nhánh NHCSH tỉnh Lào Cai Nguyễn Hải Hà cho biết, trong những năm qua, chi nhánh đặc biệt quan tâm đến chương trình cho vay hộ nghèo. Không chỉ là cho vay theo danh sách và nhu cầu, tại các địa bàn khó khăn, cán bộ tín dụng còn cùng cán bộ địa phương và các tổ, hội làm công tác dân vận khuyến khích vận động người dân vay vốn mở rộng chăn nuôi sản xuất.
Những nhọc nhằn của cán bộ tín dụng nơi tỉnh vùng cao biên giới này không chỉ là đường sá đi lại khó khăn, mà còn là niềm trăn trở gieo vốn vào đâu khi nhiều nơi đồng bào thiếu đất sản xuất nông nghiệp, lại thường xuyên xảy ra rủi ro thiên tai, dịch bệnh. Chính vì vậy, không chỉ là chăm chăm giải ngân vốn, cán bộ tín dụng còn phải thẩm định và định hướng người dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi hiệu quả.
“Người nghèo cứ đủ điều kiện và có nhu cầu là đều được vay vốn”, Giám đốc Hà cho biết. Kết quả kinh doanh của chi nhánh quý II/2015 thêm thực chứng cho điều này khi dư nợ chương trình cho vay hộ nghèo hiện là 879 tỷ đồng, chiếm 48% tổng dư nợ.
Tuy nhiên, với Giám đốc Hà, câu chuyện thoát nghèo chỉ là bước khởi đầu trong công cuộc xoá nghèo bền vững. Quan trọng hơn là làm thế nào để đồng vốn này giữ chân người dân với quê hương bản xứ, khi nơi đây thường xuyên xảy ra tình trạng dân di cư tự do, phụ nữ bỏ đi khỏi địa phương kiếm việc vẫn diễn ra phức tạp.
Cũng bởi vậy, quan điểm của chi nhánh là tận dụng từng chính sách tín dụng, từng đồng vốn đưa đến các đối tượng cho vay. Ví như anh Hương, thoát khỏi diện hộ nghèo, hiện anh đang vay vốn theo chương trình tín dụng hộ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn để viết tiếp giấc mơ thoát nghèo bền vững, và chuẩn bị nền tảng kinh tế vững chắc hơn cho con cái học hành về sau…
Khơi tạo những dòng vốn mới
“Mình đi cơ sở đôn đốc, giám sát anh em làm việc là một phần, nhưng quan trọng hơn là động viên khích lệ tinh thần làm việc của anh em”, Giám đốc Hà tâm sự. Bởi đa số anh em đều làm việc xa nhà, công việc lại không kể ngày nghỉ nên có những người cả tháng chẳng được về thăm nhà lấy một lần.
Có nhiều địa bàn, đi cả ngày cũng chỉ đến được vài ba hộ dân, vì mỗi hộ ở một quả núi. Cán bộ tín dụng ở đây ngày đi cơ sở, tối về rà soát sổ sách, nên cũng chẳng có thời gian mà buồn nữa. Những đôi chân và ý chí không quản ngại khó khăn ấy đã làm nên kết quả 6 tháng đầu năm 2015, tổng dư nợ đạt 1.820 tỷ đồng, tăng 51 tỷ đồng so với cuối năm 2013, trong đó cho vay hộ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn chiếm 25,1% tổng dư nợ.
Nguồn vốn tín dụng của NHCSXH Lào Cai trong nửa đầu năm đã giúp 11.231 lượt hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được tiếp cận vốn vay; 390 học sinh, sinh viên được vay vốn để theo học tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và học nghề; 2.676 hộ đã thoát nghèo.
6 tháng cuối năm 2015, NHCSXH Lào Cai phấn đấu nâng tổng dư nợ lên 1.834 tỷ đồng. Cùng với đó, chi nhánh đang cùng lãnh đạo địa phương ấp ủ những kế hoạch mới, tạo việc làm cho người dân trong chương trình vay vốn Quỹ quốc gia tạo việc làm giai đoạn 2015 – 2020 trên địa bàn tỉnh.
Bởi dù tổng lượng vốn cho vay giải quyết việc làm đến 31/12/2014 đạt 62.758 triệu đồng, và trong 5 năm qua đã tạo được việc làm cho 8.211 lao động, nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu vay vốn của người lao động, đặc biệt là khu vực bị thu hồi đất nông nghiệp, và còn rất nhiều lao động thiếu việc làm tại các xã biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Theo dự tính, nếu tổng nhu cầu nguồn vốn thực hiện cho vay giải quyết việc làm trong 2015-2020 như đề xuất mới đây của UBND tỉnh là 218.600 triệu đồng được đáp ứng đủ, sẽ có thêm 8.980 dự án mới tạo việc làm tăng thêm cho 13.120 lao động. Thu nhập của người lao động ước đạt từ 3 - 5,5 triệu đồng/người/tháng.
Và điều quan trọng nhất đối với từng cán bộ nhân viên chi nhánh, là số hộ nghèo mỗi năm một giảm, thu nhập người dân tăng và những người dân nơi đây không phải di cư tự do, đi làm thuê, mà có thể thoát nghèo trên chính mảnh đất cha ông tự ngàn đời.