Chi phí lao động và bài toán phát triển
Từ 1/7/2017, mức lương cơ bản tăng lên mức 1,3 triệu đồng | |
Tăng lương và bài toán hiệu quả đầu tư | |
Xoay xở “hậu” tăng lương |
Từ ngày 1/7/2017, mức lương cơ sở 1,3 triệu đồng/tháng sẽ chính thức được áp dụng đối với các đối tượng là cán bộ, công chức… tăng thêm 90 nghìn đồng so với mức hiện hành.
Trước đó, từ 1/1/2017, mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc ở DN cũng tăng thêm từ 180-250 nghìn đồng/tháng, tùy vùng. Việc tăng lương trong giai đoạn vừa qua nhằm đảm bảo thu nhập theo kịp với tốc độ trượt giá, cải thiện đời sống người lao động… Tuy nhiên, một số cảnh báo về khả năng làm mất đi một nhân tố cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam cũng đã bắt đầu xuất hiện.
Ảnh minh họa |
Đầu tuần này, tại Diễn đàn DN Việt Nam, một số báo cáo khẳng định lương tối thiểu của Việt Nam là cao, vượt xa mức tăng năng suất. Chính vì vậy, việc tăng lương, đi kèm là tăng các khoản đóng góp của DN vào quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cũng tăng theo, tạo gánh nặng về chi phí nhân công. Thậm chí có cảnh báo rằng việc tăng lương tạo nguy cơ mất hơn 600 nghìn việc làm, chủ yếu trong các DN FDI, liên doanh, CTCP và các công ty TNHH.
Tăng lương không đi kèm tăng năng suất khiến lao động có thể mất việc làm. Trong khi đó, một thực tế lâu nay luôn đeo đẳng DN tại Việt Nam là nỗi lo mất đi sự ổn định nguồn nhân lực. Nhiều DN chọn phương án trốn hoặc giảm đóng bảo hiểm cho người lao động, không loại trừ khả năng chính người lao động cũng đồng tình, hoặc im lặng mà không tố cáo.
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam từng tính toán rằng, nếu lương tối thiểu tăng 3% sẽ có khoảng 10 nghìn lao động bị giảm/trốn đóng bảo hiểm xã hội trong ngắn hạn và khoảng 30 nghìn lao động khác bị giảm đóng trong dài hạn... Trường hợp lương tối thiểu tăng 5%, các con số về giảm/trốn đóng bản hiểm xã hội còn cao hơn nhiều nữa.
Lợi thế lao động rẻ của Việt Nam đang mất đi nhanh chóng, khi chi phí lao động ngày càng chiếm tỷ trọng lớn hơn trong doanh thu của DN. Đó là một bất hợp lý khi theo kết quả một khảo sát mà Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam từng thực hiện cho thấy vẫn có 20% người lao động thu nhập không đủ sống, một lượng lớn khác phải sống chật vật và chỉ có 8% người lao động làm việc có tích lũy…
Bối cảnh trên cho thấy thế tiến thoái lưỡng nan của nền sản xuất tại Việt Nam hiện nay: tiếp tục tăng lương tối thiểu thì nhiều lao động mất việc làm, nhưng ngược lại không tăng lương thì khó khăn cho người lao động. Để giải bài toàn này, vấn đề nằm ở chỗ năng suất phải được cải thiện và giá của lao động (thu nhập) phải được thỏa thuận giữa chủ sử dụng và người lao động trên năng suất ấy.
Với những cơ xưởng gia công có năng suất thấp, những việc làm không cần nhiều kiến thức, kỹ năng, những vị trí lao động giản đơn có lẽ chỉ nên nhận mức thu nhập chiếm một tỷ lệ hợp lý trong cơ cấu giá sản phẩm. Ở trường hợp này, người lao động toàn quyền lựa chọn có làm việc hay không. Nếu không ai muốn làm cho họ, khi đó DN sẽ bị đào thải. Đó có lẽ cũng là một sự sàng lọc các DN có công nghệ kém dẫn đến năng suất thấp. Điều này nếu diễn ra trên diện rộng thì hệ thống DN tự khắc được cơ cấu lại, theo hướng nâng cao năng suất và hiệu quả.
Nếu thiếu việc làm buộc người lao động phải làm việc cho các DN trả lương thấp, họ sẽ có động lực để cải thiện kỹ năng và năng lực làm việc, mong muốn kiếm được chỗ làm tốt hơn, hoặc có động lực để tự ra kinh doanh. Khi đó, việc tái cơ cấu DN vẫn sẽ xảy ra, từ động lực mong muốn thay đổi cuộc sống của người lao động. Đừng áp đặt mức lương để DN phải lách bảo hiểm còn lao động chịu thiệt.
Thực tế cho thấy một thị trường lao động mà chi phí lương (giá lao động) được hình thành theo cách thức thỏa thuận giữa chủ sử dụng và người lao động thì đó là thị trường đạt đến mức giá công bằng và minh bạch cho cả hai bên. Với cách thức vận hành như vậy, mặt bằng lương sẽ được hình thành theo từng vị trí công việc, theo chất lượng làm việc và khả năng cống hiến của người lao động.
Nếu vậy, chủ sử dụng phải cạnh tranh để giữ người giỏi, đồng thời lao động cũng có động lực để phấn đấu cải thiện khả năng cống hiến cho DN, qua đó cống hiến cho sự phát triển. Và đó có thể chính là câu trả lời cho tái cơ cấu nền kinh tế, theo một cách tự nhiên nhất là nhắm đến việc tạo động lực vươn lên cho mỗi người dân, dù là chủ DN hay chỉ là một người lao động làm việc giản đơn.