Tăng lương và bài toán hiệu quả đầu tư
Tăng lương tối thiểu vùng lên 3,75 triệu đồng/tháng từ 1/1/2017 | |
Chốt phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2017 là 7,3% |
Cuối tuần qua, Chính phủ đã chính thức thông qua phương án tăng lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động. Theo đó, lương tối thiểu các vùng sẽ tăng từ 180.000 đồng - 250.000 đồng/tháng so với hiện tại, tương ứng với mức tăng 7,3%. Dù đã chuẩn bị sẵn sàng cho phương án tăng lương tối thiểu này từ nhiều tháng nay, song các DN vẫn không khỏi lo lắng, nhất là khi năm vừa qua hoạt động sản xuất kinh doanh có phần đi xuống.
Thêm chi phí, khó lại chồng khó
Nặng gánh nhất vì lương tối thiểu lúc này có lẽ chính là các DN trong ngành dệt may. Trao đổi với Thời báo Ngân hàng, ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty may Hưng Yên cho biết, ngay từ đầu tháng 8 khi Hội đồng tiền lương quốc gia chốt phương án tăng lương tối thiểu thêm 7,3% để trình Chính phủ, các DN dệt may đều hiểu điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới thu nhập người lao động và hiệu quả sản xuất kinh doanh của DN như thế nào. “Tới nay khi Chính phủ đã quyết định thì DN không thực hiện cũng chẳng được”, ông Dương trầm ngâm.
Tăng lương tối thiểu quá nhanh khiến môi trường đầu tư thêm mất điểm |
Theo ông Dương, năm vừa qua ngành dệt may đối diện tình trạng giảm đơn hàng do nhiều khách hàng chuyển về các thị trường khác có mức giá cạnh tranh hơn. Chưa kể, khi Việt Nam tham gia TPP, rất nhiều NĐT nước ngoài đổ xô vào đây đầu tư, khiến đơn hàng lại càng bị san sẻ, ông Dương phân tích thêm. Bởi vậy, dù đã bước vào cuối năm, song nhiều DN trong ngành dệt may vẫn đang thiếu việc, trong khi các năm trước vào thời điểm này đơn hàng đã kín đến hết quý I, quý II năm sau.
“Chắc chắn tiền thưởng Tết năm nay sẽ giảm”, lãnh đạo nhiều DN trong ngành dệt may lo ngại. Tuy nhiên, cho tới thời điểm hiện tại họ cũng khẳng định chưa tính đến việc cắt giảm lao động. Thay vào đó, DN sẽ chấp nhận giảm giá đơn hàng, cầm cự sản xuất để lo lương cho người lao động. Tuy nhiên trong tình cảnh này, việc tăng lương tối thiểu sẽ là động thái gây thêm khó khăn cho DN.
Không chỉ riêng ngành dệt may đang “ngồi trên lửa”. Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, tính đến hết tháng 10/2016, các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam như dệt may, giày dép, đồ gỗ... có mức tăng trưởng thấp hơn nhiều so với cùng kỳ đã khiến cho kim ngạch xuất khẩu của các nhóm này giảm mạnh.
Nguyên nhân do nhu cầu tiêu dùng của nước nhập khẩu giảm, trong khi đó sự cạnh tranh gay gắt của các nước như Campuchia, Lào, Myanmar, Bangladesh... lại tăng lên. Đây đều là những nhóm hàng xuất khẩu chủ lực thâm dụng lao động. Do đó, chính sách tăng lương tối thiểu chắc chắn sẽ chồng thêm chi phí và gây thêm khó khăn cho hoạt động của các DN này trong năm 2017.
Lo chính sách chậm thay đổi
Trong lúc khó khăn đối với các ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam tăng lên do chính sách tiền lương, thì các quốc gia khác vẫn đang nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư để hỗ trợ sản xuất. Đơn cử như Trung Quốc, mặc dù việc tăng chi phí lao động ở quốc gia này đang là mối lo ngại đối với NĐT nước ngoài do lương tối thiểu và mức sống tăng, song bù vào đó chính quyền lại có các biện pháp khác để giảm chi phí lao động cho DN, chứ không chịu “bó tay” nhìn NĐT rút khỏi Trung Quốc.
Một chuyên gia của Viện Khoa học lao động và xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) dẫn chứng, một số chính quyền cấp tỉnh ở Trung Quốc đã ban hành các chính sách mới nhằm giảm tỷ lệ đóng góp an sinh xã hội cho DN. Đầu năm 2016, Thượng Hải giảm 1% mức đóng góp hưu trí và bảo hiểm y tế; và 0,5% mức đóng bảo hiểm thất nghiệp cho chủ sử dụng lao động.
Tháng 5 vừa qua, Quảng Châu giảm tỷ lệ đóng bảo hiểm thất nghiệp xuống 1%. Tỉnh Vân Nam và tỉnh Cam Túc cũng giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp, tai nạn lao động và thai sản… Những điều chỉnh này được kỳ vọng sẽ giảm khoảng 2 tỷ USD gánh nặng về bảo hiểm cho các bên tham gia.
Trong khi các quốc gia nhanh tay điều chỉnh chính sách để cải thiện môi trường đầu tư, thì những động thái tương tự từ cơ quan quản lý của Việt Nam khiến DN không khỏi sốt ruột. Hồi đầu tháng 11, Bộ LĐ-TB&XH qua rà soát cho biết có thể giảm tỷ lệ đóng quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và quỹ bảo hiểm thất nghiệp khoảng 0,5% cho mỗi quỹ, tương đương sẽ giảm khoảng 5.400 tỷ đồng mỗi năm cho DN.
“Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ đề xuất này và khuyến nghị cùng với giảm tỷ lệ đóng các loại quỹ, phải tăng tuổi nghỉ hưu lên thì sẽ cân đối được nguồn thu chi, giúp nhẹ gánh cho DN”, lãnh đạo một DN da giày cho biết.
Tuy nhiên điều khiến vị này lo ngại là chuyển động chính sách của Việt Nam còn chậm chạp. Nếu Chính phủ đồng ý với các phương án trên, để giảm tỷ lệ đóng quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, phải sửa đổi Nghị định số 37/2016/NĐ-CP. Còn để giảm tỷ lệ đóng quỹ bảo hiểm thất nghiệp thì phải trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét và thông qua. Với quy trình này, chắc chắc DN sẽ phải chờ đợi vài tháng cho tới cả năm, trong khi các quốc gia láng giềng đang thay đổi chính sách vô cùng nhanh chóng để không bỏ lỡ cơ hội thu hút và giữ chân NĐT.
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, ông Phạm Minh Huân đánh giá, các quy định pháp luật lao động được sửa đổi thời gian qua đã bảo vệ quyền lợi người lao động nhiều hơn, tuy nhiên lại tăng chi phí tuân thủ cho DN cũng như NĐT. Vì vậy, dù vẫn tiến hành tổ chức thực thi, song các DN, NĐT cũng vẫn không ngừng khuyến nghị sửa đổi để phù hợp hơn với tình hình thực tiễn. Vấn đề là “vướng mắc cứ lặp đi lặp lại nhưng cách giải quyết của chúng ta rất chậm”, ông Huân lo ngại.