Xoay xở “hậu” tăng lương
Tại buổi gặp mặt, trao đổi những khó khăn vướng mắc với chính quyền địa phương trên địa bàn Quận 10 (TP. Hồ Chí Minh), nhiều DN cho rằng, áp lực lớn nhất đối với các DN hiện nay chính là vấn đề tăng lương.
Bởi trong bối cảnh khó khăn vừa qua, phần lớn các DN hoạt động trong nhiều lĩnh vực đều chịu tác động không nhỏ, sức khỏe chưa kịp hồi phục được bao nhiêu thì việc quyết định tăng lương tối thiểu vùng 2016 với phương án mà Hội đồng tiền lương quốc gia “chốt” để trình Chính phủ thông qua với tỷ lệ 12,4% đã khiến cho nhiều DN “xây xẩm mặt mày”. Nhất là đối với những đơn vị, DN sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày, đồ gỗ, chế biến nông thủy sản...
Các DNNVV lao đao với dự định tăng mức lương tối thiểu 2016 |
Bà Trần Kiều Mai Phương, Giám đốc Công ty TNHH nội thất Gia Thịnh chia sẻ, với DN sử dụng khoảng gần 100 lao động, nếu mức lương tối thiểu mới được thông qua và áp dụng thì mỗi tháng đương nhiên DN đã phải cõng thêm hàng trăm triệu đồng tiền lương.
Nếu trong điều kiện bình thường kinh doanh thuận lợi thì DN có thể xoay xở được, nhưng mấy năm trở lại đây, sức mua tại thị trường trong nước yếu, cộng thêm giá thành nguyên vật liệu tăng cao, nên dù đã nỗ lực nhưng lợi nhuận kinh doanh của công ty vẫn ngày một giảm sút.
Vì vậy, giải pháp tình thế lúc này là đành phải cắt giảm bớt số nhân công để duy trì hoạt động cho DN qua giai đoạn khó khăn, sau đó tính tiếp.
Với trường hợp của Gia Thịnh là vậy, nhưng tổng giám đốc của một DN chuyên chế biến mặt hàng thủy sản xuất khẩu sang Nhật lại không thể áp dụng biện pháp này dù có “gồng” mình lên.
Theo vị tổng giám đốc này, để thu hút và đào tạo được đội ngũ công nhân lành nghề, đảm bảo kỹ thuật làm hàng xuất sang thị trường khó tính như Nhật Bản, DN phải tốn rất nhiều thời gian và tiền bạc để đào tạo, nếu chỉ vì tăng lương mà phải cắt giảm bớt đi số lao động đã qua đào tạo là rất thiệt thòi nên dù mức lương tăng nằm ngoài tính toán của DN nhưng có lẽ trước mắt, DN đành phải cố gắng rà soát lại các khâu khác xem có tiết giảm được phần nào chi phí đầu vào, chứ nhất quyết không thể lãng phí nguồn nhân lực của DN.
Mặc dù không bị xếp vào lĩnh vực chịu nhiều tác động của việc tăng lương, nhưng BS. Huỳnh Thị Kim Dung, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Vạn Hạnh cũng đưa ra ý kiến rất sát sườn, lương cơ bản chỉ là một yếu tố nhưng tất cả các khoản đóng bảo hiểm khác cho người lao động đều tính toán căn cứ trên mức lương cơ bản này, đó mới là những khoản làm đau đầu cho DN vì hiện nay những khoản này DN đều đóng cho người lao động.
Khi mức tăng quá cao, DN sẽ có đủ nguồn lực để tạo ra những khoản thu nhập thêm, tiền thưởng để khuyến khích tăng năng suất, chất lượng đối với những người lao động chăm chỉ, có sáng kiến.
Đó là chưa nói đến những trường hợp, có DN để trốn đóng các khoản bảo hiểm cho công nhân nên đã tìm cách chuyển qua ký hợp đồng lao động thời vụ, hoặc thay vì tuyển hàng trăm lao động thì chỉ dám tuyển phân nửa số đó. Như vậy, số lao động sẽ dôi dư, kéo theo người mất việc tăng lên.
Theo số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 8 tháng đầu năm 2015, số DN giải thể, chấm dứt hoạt động trong cả nước là 6.290 DN, số DN gặp khó khăn buộc phải tạm ngừng hoạt động còn cao hơn nhiều với con số 39.056 DN, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước (bao gồm 11.248 DN đăng ký tạm ngừng hoạt động có thời hạn, 27.808 DN ngừng hoạt động chờ đóng mã số DN hoặc không đăng ký).
Và cùng với sự đóng cửa của hàng chục nghìn DN này đã kéo theo hàng trăm nghìn lao động mất việc làm. Vì vậy, khi bàn về vấn đề này, ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội DN TP. Hồ Chí Minh thẳng thắn trao đổi, trong giai đoạn khó khăn vừa qua, xoay xở, tìm cách gỡ khó để tồn tại như nào các DN cũng đã nỗ lực hết sức bởi đó là sinh mạng của mỗi DN, tuy nhiên có nhiều vấn đề nằm ngoài tầm kiểm soát.
Một điều hết sức cơ bản, DN có tồn tại thì người lao động mới có việc làm, DN có doanh thu và lợi nhuận thì người lao động mới được trả lương cao. Thực tế, phần lớn hiện nay các DN vẫn đang trả lương cho người lao động cao hơn mức lương tối thiểu để giữ chân lao động.
Chính vì vậy, tăng lương bao nhiêu và tăng vào thời điểm nào cho phù hợp là điều mà nhà quản lý và làm chính sách nên tính toán, chứ không phải cái gì khó cũng đổ hết vào DN.