Chính sách tài khóa kích thích tăng trưởng
Nhà đầu tư bất động sản Singapore đang hướng về Nam Phú Quốc | |
Singapore - nơi đáng sống nhất đối với người nước ngoài |
Với việc nền kinh tế Trung Quốc đang cho thấy những tín hiệu hồi phục, đi kèm với khả năng tăng trưởng trở lại của xuất khẩu đang khiến nhiều quốc gia là đối thủ thương mại của Trung Quốc, trong đó có Singapore đặt ra nhiều quan ngại.
Singapore đã khẳng định chắc chắn về việc quốc gia này sẽ thực hiện các gói kích thích tài khóa lớn trong năm 2017 |
Cùng với áp lực đến từ cán cân thương mại, cầu tiêu dùng trong nước vẫn tiếp tục suy yếu, và sự không chắc chắn trong bối cảnh vĩ mô toàn cầu đang là những vấn đề tạo sức ép để Singapore có những chuyển hướng, nới lỏng hơn các biện pháp kích thích về mặt tài khóa để lấy lại động lực tăng trưởng cho nền kinh tế, một giải pháp được đánh giá là hiệu quả nhằm thúc đẩy gia tăng năng suất lao động tại một quốc gia đang phải đối mặt với tình trạng già hóa dân số.
Trong một bài phát biểu diễn ra tại Hạ viện gần đây, Bộ trưởng tài chính Singapore Heng Swee Keat đã khẳng định chắc chắn về việc quốc gia này sẽ thực hiện các gói kích thích tài khóa lớn trong năm 2017. Điều này nhận được sự ủng hộ và đồng tình từ nhiều chuyên gia kinh tế trong nước.
Theo ông Kiet Wei Zheng, chuyên gia kinh tế thuộc tập đoàn Citigroup tại Singapore, việc thực hiện một gói khuyến khích tài khóa phản chu kỳ có quy mô lớn vào thời điểm hiện tại là một vấn đề thật sự cấp thiết do những vấn đề nội tại của nền kinh tế nước này.
Kế hoạch ngân sách này được hoàn thiện chỉ trong vòng chưa đầy 2 tuần sau khi chính phủ Singapore chỉ định thành lập một Ủy ban có trách nhiệm vạch ra và đề xuất các sáng kiến thúc đẩy kinh tế trong chu kỳ tăng trưởng tiếp theo, được gọi là Ủy ban về tương lai kinh tế (CFE).
CFE có trách nhiệm đề xuất các biện pháp, ví dụ như phát triển các kỹ năng, trợ giúp các doanh nghiệp quy mô nhỏ nâng cao năng lực tự động hóa, đơn giản hóa hệ thống chính sách cho hoạt động kinh doanh,… với mục đích hướng đến là sẽ đưa đảo quốc sư tử đạt mức tăng trưởng cao hơn 2 – 3% so với hiện nay trong vòng một thập kỷ tới.
Theo đó, nguồn ngân sách sẽ tiếp tục đầu tư vào các lĩnh vực trọng yếu như quốc phòng, giáo dục, chăm sóc sức khỏe, cơ sở hạ tầng và nhà ở. Ngoài ra, một phần quan trọng của ngân sách sẽ tiếp tục được sử dụng để thúc đẩy ngành công nghiệp chế biến hiện đang cung cấp khoảng 20% tổng GDP của Singapore.
Một phần lớn của ngân sách theo kế hoạch đưa ra sẽ được sử dụng cho chi tiêu xã hội nhằm hỗ trợ quá trình tạo việc làm tại Singapore. Theo ông Vaninder Singh, chuyên gia kinh tế thuộc tổ chức Natwest Markets, chính phủ Singapore đang khuyến khích người tiêu dùng chi tiêu nhiều hơn bằng cách hỗ trợ giảm chi chi phí cuộc sống thay vì sử dụng các biện pháp truyền thống như cắt giảm thuế.
Song song với chi tiêu xã hội, hoạt động đầu tư cũng hết sức được chú trọng. Trong năm vừa qua, một vấn đề cảnh báo đối với đảo quốc sư tử đó là quốc gia này hiện đang có mức đầu tư vào tài sản cố định thấp nhất kể từ năm 2007. Đặc biệt sau khi ông Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ với quyết định rút khỏi Hiệp định đối tác kinh tế Thái Bình Dương – TPP lại càng làm dấy lên yêu cầu cấp thiết đối với chính phủ Singapore trong việc cần thúc đẩy hoạt động đầu tư.
Nguồn của ngân sách?
Để thực hiện những kế hoạch chi tiêu đầy tham vọng như vậy thì đâu là nguồn tài trợ cho ngân sách? Theo Bộ trưởng Tài chính Singapore, quốc gia này dự kiến sẽ đạt được mức thặng dư ngân sách đạt 3,5 tỷ đôla Singapore vào năm tài khóa 2016 kết thúc vào tháng 3/2017 này, tương đương khoảng 1% GDP Singapore.
Và nguồn thu ngân sách cho năm tài khóa tới được dự báo sẽ tiếp tục đạt kết quả khả quan lên đến 5,05 tỷ đôla Singapore khi Chính phủ nước này dự tính sẽ thực hiện nhiều biện pháp để tăng thu thuế trong thời gian tới. Ngoài ra, ngân sách đảo quốc sư tử còn nhận được sự đóng góp lớn từ nhiều tổ chức và công ty đầu tư nhà nước như Tập đoàn Temasek và Ủy ban tiền tệ Singapore.
CFE hiện đang tư vấn chính phủ Singapore xem xét lại hệ thống thuế của quốc gia này, theo đó nên chuyển sang một hệ thống thuế tiên tiến hơn bằng cách đánh lũy tiến theo mức thu nhập. Thuế thu nhập doanh nghiệp tại Singapore đã giảm từ mức 30% từ hồi đầu những năm 1990 xuống còn 17% hiện tại, là một thuế khá cạnh tranh nếu so với các quốc gia trong khu vực, như tại Australia mức thuế hiện tại là 45% và Indonesia là 30%.